Cắm cúi điện thoại, máy tính 'làm khổ' từ đốt sống cổ đến khớp tay

Việc cúi đầu sử dụng điện thoại hoặc máy tính trong thời gian dài sẽ làm gia tăng nguy cơ đau vai gáy và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa cột sống cổ.

Chiều 20-8, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chương trình giáo dục sức khỏe với chủ đề “Thoái hóa cột sống cổ - những vấn đề cần lưu ý”.

Thoái hóa cột sống là một trong các căn bệnh phổ biến nhất hiện nay. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh là người 40-50 tuổi, gồm cả nam và nữ. Điều đáng nói, hiện nay, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đang trẻ hóa (từ 25-30 tuổi), bởi thói quen sinh hoạt cũng như lao động thiếu khoa học.

Cúi đầu dùng điện thoại trong thời gian dài đẩy nhanh tốc độ lão hóa cột sống cổ. Ảnh: Thu Trang

Cúi đầu dùng điện thoại trong thời gian dài đẩy nhanh tốc độ lão hóa cột sống cổ. Ảnh: Thu Trang

Thạc sĩ Vũ Xuân Phước (Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thoái hóa cột sống cổ là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên theo tuổi. Bệnh tiến triển tùy theo từng độ tuổi và các giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn sẽ có những biến đổi khác nhau.

Thế nhưng, ngày nay, trước sự phát triển của khoa học công nghệ, việc cúi đầu sử dụng điện thoại hoặc máy tính trong thời gian dài sẽ làm gia tăng nguy cơ đau vai gáy và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa cột sống cổ.

“Trung bình cổ chịu nặng khoảng 5,4kg. Thế nhưng, việc cúi đầu, ngồi, đứng sai tư thế sẽ khiến cổ phải chịu tải trọng lớn hơn. Cụ thể, gập cổ 15 độ sẽ khiến cổ phải chịu nặng lên tới 12,2kg, gập 45 độ tăng lên 22,2kg và gập tới 60 độ tăng lên 27,2 kg (gấp 5 lần mức trung bình). Khi chịu tải trọng lớn và diễn ra trong thời gian dài, tốc độ thoái hóa cột sống cổ diễn ra nhanh hơn”, bác sĩ Vũ Xuân Phước lý giải.

Hầu hết mọi người sử dụng điện thoại, máy tính đều gò ép bản thân vào tư thế cúi đầu. Nếu duy trì thói quen cúi đầu lâu dài, người dùng không chỉ gặp vấn đề cổ, vai, cột sống, mà còn có triệu chứng đau cơ xương khớp ở tay, đặc biệt là vị trí cổ tay và ngón tay.

Một nguyên nhân cũng làm đẩy nhanh tốc độ lão hóa của cột sống cổ đó là tình trạng thừa cân, béo phì. Theo bác sĩ Vũ Xuân Phước, khi trọng lượng cơ thể tăng thì sức nặng đè lên các khớp càng lớn, nhất là vùng lưng, khớp háng, khớp gối, cổ chân, làm cho các khớp này sớm bị tổn thương và lão hóa nhanh.

Các biểu hiện của thoái hóa cột sống cổ là: Đau nhức vùng cổ, đau từ gáy sang cổ, tai, đôi khi đau cả đầu, bả vai, cánh tay. Người bệnh cảm thấy đau nhiều, khó khăn khi vận động ở cổ như xoay, cúi, ngửa cổ.

Ngoài ra, bệnh nhân còn cảm thấy đau ê ẩm vùng gáy, cứng cổ, đau đầu khi nằm không đúng tư thế, khi nằm lâu, khi thời tiết thay đổi đột ngột…

Để phòng ngừa thoái hóa cột sống, bác sĩ Vũ Xuân Phước khuyến cáo, mọi người cần xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D, tăng cường thực phẩm chứa nhiều chất xơ; đồng thời thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao và kiểm soát cân nặng.

Với những người lao động chân tay, không nên cúi lưng nhấc vật nặng hoặc mang vác quá sức trên vai, điều chỉnh tư thế đúng khi sinh hoạt, tránh các tổn thương cột sống.

Với những người làm việc văn phòng đòi hỏi phải ngồi nhiều thì cứ 30-60 phút nên đứng dậy đi lại một lần, thay đổi tư thế, khởi động cơ thể bằng vài động tác vươn vai. Tuyệt đối không ngồi ì bên máy tính trong thời gian dài. Khoảng cách ngồi cách màn hình máy tính 50-66cm, đặt màn hình dưới tầm mắt khoảng 10-20 độ.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cam-cui-dien-thoai-may-tinh-lam-kho-tu-dot-song-co-den-khop-tay-675348.html