Cầm đồ từ truyền thống đến hiện đại: 'bóng tối' trở mình thành 'ngàn tỉ'?
Cuộc đua thiết lập các chuỗi cho vay cầm cố 'thế hệ mới' đang ngày càng trở nên gay cấn hơn khi dòng vốn nội - ngoại tăng tốc. Một phân khúc của lĩnh vực tín dụng tiêu dùng đang đứng trước cơ hội cải tổ chính mình, trong bối cảnh thị trường bị phân mảnh đáng kể và có nhiều định kiến tiêu cực về ngành nghề này.
Nội - ngoại liên tục rót vốn
Nằm rải rác nhiều nơi tại các thành phố lớn, diện mạo của các tiệm cầm đồ đang dần trở nên chỉn chu hơn, từ khâu thiết kế bảng hiệu cho đến cung cách phục vụ của nhân viên. Sự mở rộng của các chuỗi cầm đồ kiểu mới này đi kèm với dòng vốn đổ vào thị trường ngày càng nhiều hơn.
Mới đây, quỹ đầu tư Probus Opportunities (Probus) và Digi Ventures (DV) công bố hoàn tất việc đầu tư vào chuỗi cầm đồ Vietmoney (Vietmoney). Theo đó, Probus và Digi Ventures sẽ đồng nắm giữ 30% cổ phần tại Vietmoney và cùng có nhân sự tham gia vào Hội đồng quản trị. Trước đó, chuỗi cầm đồ Vietmoney đã hoàn thành việc gọi vốn ở vòng hạt giống (Pre-seeding) với sự tham gia của quỹ nội địa Indochine và các cá nhân trong nước.
Thành lập từ năm 2016, hệ thống chuỗi cầm đồ Vietmoney hoạt động theo mô hình O2O (Online to Offline – hiểu nôm na là quảng cáo trực tuyến còn giao dịch thì “ngoại tuyến”), hiện đang có 16 chi nhánh hoạt động tại TPHCM và phục vụ hơn 20.000 khách hàng thường xuyên.
Đáng chú ý hơn, Probus hiện đang là cổ đông lớn của chuỗi cầm đồ Srisawad, nằm trong nhóm 3 nhà cho vay cầm cố hàng đầu (Top 3) tại Thái Lan. Tại Việt Nam, tập đoàn tài chính Thái Lan này cũng thành lập thương hiệu cầm đồ Sawad vào năm 2017, được giới thiệu sở hữu 59 chi nhánh trải từ tỉnh Nghệ An (trụ sở chính) cho đến tỉnh Cà Mau.
Chuỗi có quy mô lớn nhất về số lượng phòng giao dịch hiện nay là F88, liên tục mở rộng sau khi nhận dòng vốn đầu tư từ quã Mekong Capital (2017) và quỹ Granite Oak (2018). Tính đến cuối tháng 6-2020, F88 có 195 phòng giao dịch trên cả nước. Một điều thú vị là hiện nay số lượng phòng giao dịch tại TPHCM gần như gấp đôi so với điểm khởi đầu là Hà Nội.
Một thương hiệu khác là Người Bạn Vàng, được đặt trong các cửa hàng của PNJ. Theo lời tự giới thiệu, thương hiệu này được thành lập từ năm 2017 và là đối tác chiến lược của Công ty cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ).
Thị trường cũng trở nên rất “nóng” nếu nhìn vào số lượng đầu thương hiệu ngoại cho vay cầm cố tại Việt Nam. Chẳng hạn như thương hiệu Camdonhanh được quảng cáo là sáng lập bởi quỹ đầu tư John Galt Ventures (Mỹ) vào năm 2015, hay thương hiệu thương hiệu Đồng Shop Sun cũng được cho là có dòng vốn từ nhà đầu tư Nhật Bản.
Với tiềm lực tài chính và kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực cầm đồ vốn phổ biến ở nhiều quốc gia, giá trị mà các nhà đầu tư ngoại mang lại không chỉ có phần vốn đáng kể, mà còn là những hiểu biết về lĩnh vực truyền thống nhưng hiện còn rất “sơ khai” tại thị trường Việt Nam.
Thách thức đến từ việc thay đổi định kiến
Trên thực tế, nhu cầu cầm đồ của các cá nhân, tổ chức trong xã hội là không hề nhỏ, đặc biệt là khách hàng luôn muốn yêu cầu hồ sơ đơn giản. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng thường từ chối các khoản vay tiêu dùng quy mô nhỏ với kỳ hạn rất ngắn. Hoạt động cầm cố tài sản được xếp vào nhóm cho vay tiêu dùng dưới chuẩn, tập trung vào những người không thể gõ cửa ngân hàng hay công ty tài chính, hoặc có nhu cầu vay nhanh và trả nhanh.
“Nhóm khách hàng trực tiếp của Vietmoney hiện nay hơn 60% là người đi làm. Không chỉ có khách hàng cá nhân, mà còn có cả các tiểu thương, người kinh doanh tự do và các chủ doanh nghiệp nhỏ”, ông Trịnh Văn Phương, nhà sáng lập và cũng là CEO của Vietmoney chia sẻ.
Thống kê của Forbes gần đây cho thấy có khoảng 30.000 tiệm cầm đồ, trong đó ở TPHCM có khoảng 2.300 tiệm, còn Hà Nội khoảng 1.700 tiệm. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số thống kê chính thức, chưa tính đến các tiệm cầm đồ hoạt động trái phép, trá hình tín dụng đen hoặc chưa đăng ký kinh doanh.
Ngoài vấn đề thị trường cầm đồ bao lâu nay vốn nằm trong “vùng xám” suy nghĩ của nhiều người, việc “chuẩn hóa” ngành còn gặp nhiều thách thức nếu xét trên khía cạnh kinh doanh.
“Một trong những khó khăn để chuẩn hóa chuỗi cầm đồ nằm ở khâu định giá tài sản. Định giá làm sao cho đúng thời giá để khách hàng không chịu thiệt thòi, nhưng đồng thời không để rủi ro cho khoản vay là rất quan trọng”, ông Phương, CEO Vietmoney nhìn nhận.
Từ trước đến nay, nhân viên tiệm cầm đồ truyền thống thường định giá theo “trực giác” và kinh nghiệm bản thân, trong khi tài sản thì đa dạng (chỉ riêng điện thoại đã vài trăm mẫu khác nhau). Do dựa vào kỹ năng của cá nhân nên các tiệm cầm đồ truyền thống khó mở rộng quy mô hoạt động, khách hàng quen cũng thường tập trung quanh khu vực địa lý của tiệm.
Ở các tiệm truyền thống, nhân viên có xu hướng “ép giá” món hàng khách mang đến cầm cố hoặc đặt lãi suất cao hơn như là một cách thức để bù đắp rủi ro khoản vay và kiếm lợi. Mức lãi suất (đã tính cả phí) đôi khi không khác gì với các khoản vay tín chấp ở các công ty tài chính.
Trường hợp khách hàng không thể trả nợ, các tiệm cầm đồ sẽ thanh lý tài sản. Đa phần những cửa hàng kinh doanh cầm đồ truyền thống có nguồn thu đáng kể từ việc thanh lý các tài sản cầm cố.
Ngược lại, những chuỗi cầm đồ kiểu mới thì tập trung vào mô hình kiếm tiền từ lãi cho vay (bao gồm các loại phí), thay vì thanh lý tài sản cầm được. Đây là điều mà các chuỗi như F88 và Vietmoney đang hướng đến.
Để làm điều này, ngoài việc minh bạch các loại lãi suất và phí áp dụng, các chuỗi còn phải đầu tư vào hệ thống quản lý tài sản và cả hệ thống định giá chuẩn (không chỉ xác định đúng giá thị trường mà rủi ro còn phải tính cả trượt giá sản phẩm theo thời gian).
Trên thực tế, vì việc định giá là không dễ dàng nên hiện nay một số chuỗi cầm đồ tập trung vào các sản phẩm đặc trưng với các mục tiêu khác nhau. Trong số này dễ nhất là cầm cố xe (bao gồm cả xe máy và xe ô tô), thậm chí là cả giấy tờ xe, vì là tài sản phổ biến và có khả năng mở rộng thị trường nhanh chóng.
Đây cũng là sản phẩm mà hàng loạt các chuỗi cầm đồ đang theo đuổi, điển hình như Srisawad cho vay tiền mặt chỉ với cà vẹt xe, hay F88 cũng cho phép khách hàng cầm cố xe với thỏa thuận là khách hàng vẫn có thể sử dụng xe như bình thường.
“F88 đánh giá rủi ro cho vay thế chấp xe (khách hàng vẫn được sử dụng xe) ở mức thấp do giá trị khoản vay được xác định dựa trên giá trị tài sản, khoản vay nhỏ trung bình 10 triệu, bản chất khoản vay vẫn là cầm cố tài sản nên F88 có thể thanh lý tài sản khi khách hàng không còn khả năng trả nợ”, đại diện F88 cho biết.
Theo bản cáo bạch công bố thông tin phát hành trái phiếu của F88, tỷ trọng cầm cố xe cơ giới của chuỗi này lên đến hơn 83%, trong đó xe máy là trên 65%, ô tô là trên 18%.
Đối với Vietmoney, danh mục sản phẩm cầm cố tương đối đa dạng, với 3 sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất lần lượt là: máy tính xác tay (laptop), điện thoại thông minh (smartphone), xe cơ giới với tỷ lệ khá đều nhau. Bên cạnh đó, chuỗi này thậm chí còn nhận cầm đồ xa xỉ như trang sức hay đồng hồ. Theo ông Phương, chuỗi Vietmoney chỉ nhận cầm đồ vật lý, niêm phong 100% tài sản bao gồm cả phần bảo hiểm.
Ngược lại, cũng có những thương hiệu đi theo chiến lược riêng, như chuỗi Người Bạn Vàng thì tập trung vào thế mạnh cầm các loại trang sức, đá quý, kim cương... được bán ra từ chính PNJ.
Khác với các khoản vay tín chấp, việc cho vay cầm cố vẫn cần sự gặp mặt và ký kết trực tiếp do liên quan đến pháp lý tài sản, nên cuộc chơi sắp tới có lẽ vẫn là cuộc đua mở rộng độ phủ.
Chẳng hạn, Vietmoney đặt kế hoạch mở rộng lên 100 chi nhánh và có độ phủ tại 28 tỉnh thành toàn quốc. Hay F88 vẫn tiếp tục kiên định kế hoạch mở tới 300 phòng giao dịch trên toàn quốc đến hết năm nay, trong bối cảnh chuỗi này báo lãi trong nửa năm qua chưa tới 3 tỉ đồng, cho dù doanh thu và nguồn thu tăng 149% so với cùng kỳ. Tính đến nay F88 sở hữu 220 phòng giao dịch tại 35 tỉnh thành phố trên toàn quốc.
Với dòng vốn đầu tư đang chảy vào các chuỗi cầm đồ, bức tranh tổng quan của ngành đang có những màu sắc tươi mới hơn. Thị trường cầm đồ đang phân mảnh trong thời gian tới sẽ chứng kiến những cuộc đua giữa các chuỗi cầm đồ chuyên nghiệp và thị phần sẽ được chia rõ rệt hơn.
Dũng Nguyễn