Cảm động chuyện vợ chồng cụ ông lượm ve chai nhặt 19 hài nhi bị bỏ rơi giữa bãi rác

Trong thời gian 20 năm lầm lũi mưu sinh giữa bãi rác, vợ chồng cụ ông ở Đắk Lắk đã phát hiện 19 hài nhi bị cha mẹ vứt bỏ. Trong số đó, có 13 hài nhi được ông xin phép chính quyền đại phương mang về nhà an táng...

Trao đổi với PLO, bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, xác nhận vợ chồng ông Lê Văn Cảnh (87 tuổi) và bà Nguyễn Thị Vuông (81 tuổi) nhiều lần phát hiện, chôn cất cho các hài nhi bị cha mẹ vứt bỏ.

20 năm nhặt rác và 19 hài nhi

Dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng đều đặn hàng tháng, ông Cảnh vẫn đến thắp nhang, thăm viếng mộ phần của những hài nhi xấu số tại nghĩa trang thôn 8, xã Cư Êbur.

Hiện ông Cảnh đang chăm sóc 13 mộ phần của các hài nhi mà ông tìm thấy trong quá trình mưu sinh giữa bãi rác.

 Ông Cảnh bên phần mộ của những sinh linh bị bỏ rơi. Ảnh: T.TR

Ông Cảnh bên phần mộ của những sinh linh bị bỏ rơi. Ảnh: T.TR

Ngược dòng thời gian về khoảng 20 năm trước, ông Cảnh kể hồi đó vợ chồng ông cơ cực, phải đến bãi rác xã Cư Êbur để nhặt những thứ người khác vứt đi về bán, kiếm tiền nuôi con.

Một buổi sáng tinh mơ, khi xe rác vừa đổ xuống, ông Cảnh phát hiện một chiếc túi du lịch còn mới, được khóa cẩn thận. Nghĩ bụng chiếc túi chắc có đồ còn dùng được, ông Cảnh nhanh chân tới “xí phần”.

Thế nhưng, khi vừa mở khóa chiếc túi, ông chết đứng vì bên trong chẳng có tài sản mà lại đựng một bé gái sơ sinh còn nguyên dây rốn.

Cố trấn tĩnh, ông Cảnh gọi bà con và báo với bảo vệ bãi rác cùng đến để hỗ trợ. Khi phát hiện bé gái còn hơi ấm, vợ ông Cảnh gắng hô hấp nhân tạo, mong níu giữ sinh linh bé nhỏ lại với đời. Tuy nhiên, bé gái đã tử vong ngay sau đó.

Sau khi lực lượng chức năng vào cuộc xác minh, ông Cảnh cùng bà con mưu sinh tại bãi rác đã xin được lo hậu sự cho bé gái.

“Tôi lấy họ mình và đặt tên cho bé là Ban Mai, bé như một tia sáng dịu dàng chưa kịp bừng lên đã vội tắt giữa cõi đời” - ông Cảnh kể.

Như duyên số sắp đặt, sau lần đầu tiên phát hiện và chôn cất cho bé gái vắn số, vợ chồng ông Cảnh tiếp tục tìm thấy những thi thể những hài nhi bị vứt bỏ tại bãi rác.

Tổng cộng trong 20 năm mưu sinh giữa bãi rác, vợ chồng ông Cảnh đã tìm thấy thi thể 19 hài nhi bị ruồng bỏ.

“Có bé bị bỏ trong bình đen, có bé bị bỏ trong túi ni-lông. Nhiều hài nhi chỉ khoảng 5-6 tháng tuổi đã bị hút ra khỏi cơ thể mẹ rồi đem bỏ” - ông Cảnh nói.

 Ông Cảnh mong mỏi những người làm cha mẹ, không tự định đoạt số phận con cái. Ảnh: T.TR

Ông Cảnh mong mỏi những người làm cha mẹ, không tự định đoạt số phận con cái. Ảnh: T.TR

Mỗi lần tìm thấy một sinh linh bé nhỏ bị ruồng bỏ, vợ chồng ông Cảnh cùng những “đồng nghiệp” trên bãi rác lại cùng nhau góp tiền, chắt chiu từng đồng bạc lẻ để mua đồ sát khuẩn, tiểu sành, hương hoa.

Ngoài ra, bà Vuông - vợ ông Cảnh là người trực tiếp tắm rửa, gột bỏ bụi trần lấm lem trên thi thể các hài nhi, để lo cho các bé thật thơm thơ trước khi có một giấc ngủ bình yên.

“Tôi không sợ hãi, chỉ thấy xót xa. Mỗi lần đưa một hài nhi lên khỏi bãi rác là mỗi lần nước mắt tôi lại rơi. Các bé bị người thân khước từ quyền được sống, phải rời xa thế giới này trong đau đớn” - bà Vuông nói.

Lấy họ mình đặt tên cho hài nhi

Không chỉ lo hậu sự chu toàn cho các hài nhi xấu số, ông Cảnh còn cẩn thận ghi chép thời gian, từng khoản tiền, từng vật phẩm mà mọi người đóng góp để lo hậu sự cho các bé.

Ông nói, dù một nghìn đồng hay một nén nhang đều đáng trân trọng. Bởi đó là sự sẻ chia, đồng cảm, sự quan tâm của bà con dành cho những đứa trẻ vắn số.

“Tôi ghi lại để nhắc mình phải nhớ ơn những người đã đồng hành, an ủi vong linh các bé. Các bé bất hạnh, vợ chồng tôi cùng bà con không thể làm gì hơn, chỉ cùng nhau cố gắng lo cho các bé được ngủ một giấc bình yên” - ông Cảnh nói.

 Mỗi lần nhặt được hài nhi giữa bãi rác, ông Cảnh đều ghi chép lại. Ảnh: T.TR

Mỗi lần nhặt được hài nhi giữa bãi rác, ông Cảnh đều ghi chép lại. Ảnh: T.TR

Trong số 19 hài nhi nhặt được, vợ chồng ông Cảnh đã xin phép chính quyền đưa 13 hài nhi về an táng trong khu mộ của dòng họ mình tại nghĩa trang thôn 8, xã Cư Êbur; sáu hài nhi còn lại được lực lượng chức năng lo hậu sự.

Cả 13 hài nhi do ông Cảnh chăm sóc đều được ông lấy họ Lê (họ của ông Cảnh) để đặt tên; ngày ông tìm thấy các bé được coi là ngày mất của các bé.

Ông nói các bé đã bị cha mẹ ruồng bỏ một lần, vì vậy, khi gặp các bé, ông không nỡ lòng tiếp tục bỏ rơi. Với ông, đó là duyên số. Ông coi các bé như con cháu của mình nên đặt tên, lấy họ, làm mộ để các bé có nơi chốn yên nghỉ, bớt tủi phận.

"Tôi nghĩ, mình cứ làm điều lương thiện thì lòng sẽ an yên. Tôi cũng mong rằng, những bạn trẻ, những người làm cha mẹ sẽ ý thức hơn, không tự định đoạt số phận con cái như vậy” - ông Cảnh tâm sự.

Ông Cảnh nói thêm, ông cũng là đứa trẻ bị bỏ rơi trong hoàn cảnh đặc biệt của nạn đói năm 1945. Hồi đó, để ông khỏi chết đói, người mẹ đã đem ông cho một gia đình ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Nhà mẹ nuôi cũng nghèo, đổi lại ông được yêu thương, chăm nuôi như con ruột. Khi trưởng thành, ông Cảnh nhiều lần đi tìm cha mẹ ruột nhưng không thành. Về sau, ông vào Đắk Lắk lập nghiệp, mưu sinh.

Cũng chính vì hoàn cảnh của bản thân, ông Cảnh đồng cảm sâu sắc với nỗi đau của những đứa trẻ bị bỏ rơi.

Đừng tự định đoạt số phận con cái

Theo bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Êbur, hiện vợ chồng ông Cảnh đã không còn tiếp tục nghề lượm lặt ve chai. Đồng thời, bãi rác trên địa bàn đã được di dời đến nơi khác.

“Việc làm của vợ chồng ông Cảnh là hành động nhân văn đối với những hài nhi xấu số. Đồng thời, hành động của ông Cảnh cũng góp phần cảnh tỉnh xã hội, đặc biệt là giới trẻ, không tự định đoạt số phận con cái” - bà Hương nói.

TIẾN THOẠI

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/cam-dong-chuyen-vo-chong-cu-ong-luom-ve-chai-nhat-19-hai-nhi-bi-bo-roi-giua-bai-rac-post841636.html