Cấm gặp con - Cách trả thù nhau của người lớn
Để 'giải quyết' mâu thuẫn, nhiều cặp đôi chọn cách trả thù đối phương bằng việc cấm người còn lại gặp con với nhiều hình thức khác nhau.
Nỗi đau của phụ huynh
Anh Võ T.H, một kiến trúc sư, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM, đã nhiều tháng nay không gặp được con trai. Vợ cũ của anh đã sử dụng "bài tâm lý" khi dạy con trai sẵng giọng đuổi cha về. Con trai anh H. gọi "ông" xưng "tôi" mỗi khi anh tới thăm con.
"Suốt thời gian dài, mặc cho vợ cũ và con trai chửi bới, tôi vẫn đứng ở cửa sổ hành lang của chung cư để nhìn con cho bớt nhớ. Tôi cứ đứng ở đó để cố gắng bắt chuyện với con, hỏi thăm con việc này, việc khác.
Gần đây, để tâm lý của vợ cũ và con ổn định khi tòa chuẩn bị xử vụ kiện thay đổi quyền nuôi con, tôi đã không dám tới. Nhìn con lớn lên trong cảnh o ép về tâm lý như vậy, tôi đau lắm mà chưa biết phải làm sao!", anh Võ T.H chia sẻ cùng phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam.
Anh H. đã ly hôn vợ được 12 năm, vợ cũ của anh được tòa giao cho nuôi con. Thời gian đầu, chị vẫn cho anh thăm con, đón con về nhà nội chơi. Sau đó, chị muốn hàn gắn lại tình cảm vợ chồng với anh H., nhưng anh H. từ chối.
Và bắt đầu từ đó, chị "quậy" bằng cách không mở cửa cho anh H. vào nhà nói chuyện với con, dạy con hỗn hào với ba khi gọi "ông" xưng "tôi" và cậu bé đã đuổi ba về bằng các ngôn từ không phù hợp. Hơn nữa, bé trai được mẹ nuôi dạy bằng phương cách không tiếp xúc với ai, không được tới trường. Anh H. càng xót con bao nhiêu thì mâu thuẫn của anh và vợ cũ càng sâu sắc bấy nhiêu.
Sự việc của anh Võ T.H đang được sự trợ giúp của Phòng Trẻ em, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP HCM, Hội LHPN quận Bình Thạnh và Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM. Anh H. cũng đang nhận được sự hỗ trợ về pháp lý của luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TPHCM. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, tất cả vẫn cần chờ kết quả của phiên tòa thay đổi quyền nuôi con sắp tới.
Anh Nguyễn Văn Tính, Trưởng phòng Phòng trẻ em, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM, nhận định, đây là một trong những "ca khó" mà anh và các đồng sự từng tiếp cận và xử lý. Bởi dù hiểu và chia sẻ với nỗi đau của người cha nhưng các cơ quan liên quan cũng không thể sử dụng biện pháp mạnh nào để hóa giải mâu thuẫn giữa phụ huynh.
Tìm phương cách xử lý khác, đại diện của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM đã đi cùng anh H. xuống TP Vũng Tàu, để trao đổi với cha mẹ vợ cũ của anh H., hy vọng ông bà sẽ có cách nhìn khách quan và tác động tích cực cho vụ việc.
Tuy nhiên, thay vì có lời khuyên với con gái để dung hòa tốt hơn mối quan hệ với chồng cũ, bảo đảm quyền lợi cho các bên, đặc biệt là với đứa trẻ thì ông bà lại bênh con gái bất chấp. Chuyến đi đã không đem lại kết quả như mong đợi của tổ chức bảo vệ trẻ em.
Cùng phối hợp, Hội LHPN cơ sở Q. Bình Thạnh cũng đã tới nhà vợ cũ anh H. để tiếp xúc, với có sự có mặt của công an khu vực. Tuy nhiên, chị này đã không mở cửa để trao đổi.
Vào sáng 29/8/2023, anh Võ T.H đã tới Tòa án nhân dân TPHCM để nộp thêm các giấy tờ chứng minh thu nhập và tài sản đang có, hoàn thiện hồ sơ, chờ phiên xử thay đổi quyền nuôi con.
Không thể sống thiếu con
Cô giáo mầm non Lê Thị Mỹ Diện, ngụ tại TP Cần Thơ, vừa trải qua 6 tháng xa cách con trong sự nhớ thương đau đáu. Vợ chồng Diện mâu thuẫn không thể hóa giải. Trong thời gian làm thủ tục ly hôn, chồng của Diện đã lén mang con trai về quê tại tỉnh Hậu Giang sinh sống. Thường nhật, Diện phải đi làm.
Mỗi khi cô thu xếp được thời gian để vượt cả trăm cây số từ Cần Thơ sang Hậu Giang để thăm con thì bị chồng cũ chửi bới, đuổi ra khỏi nhà. Thậm chí, chồng cũ còn báo công an khu vực vì cho rằng Diện tới quấy rối, làm mất an ninh trật tự lối xóm.
Mỗi sáng tỉnh dậy không có con ở bên, lòng người mẹ xót ruột cồn cào. Nên dù trời còn chưa sáng rõ, Diện đã điện thoại cho phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, nhờ can thiệp thật sớm, cho Diện được gặp con, được nuôi nấng, chăm sóc con. Bé năm nay mới 5 tuổi, còn đang thời gian đi học mẫu giáo.
Trong một tin nhắn gửi cho chúng tôi, cô giáo Lê Thị Mỹ Diện viết: "Chị ơi, hãy giúp em nha chị, em nhớ con em nhiều lắm. Em có thể nghèo khổ nhịn đói nhưng em không thể thiếu con em được!".
Sự việc của cô giáo Diện được chúng tôi trao đổi với Hội LHPN TP Cần Thơ. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ, động viên của Hội LHPN thành phố, cô giáo Lê Thị Mỹ Diện đã được tòa cấp sơ thẩm đồng ý cho ly hôn và giao con cho mẹ nuôi dưỡng. Tuy vậy, sau khi có bản án, Diện vẫn không thể tới gặp con và đưa con về nhà ngoại. Sự cố chấp của người cha đã mang lại rất nhiều khổ sở cho người mẹ, sự thiệt thòi cho con trẻ.
Sau các công văn nhờ nhiều cơ quan, ban, ngành hỗ trợ của Hội LHPN TP Cần Thơ, cuối cùng, cô giáo Diện cũng đã được gặp và đưa con trai về nhà nuôi dưỡng. Thời điểm hạnh phúc ấy của người mẹ, chúng tôi cũng được hưởng niềm vui lan tỏa.
Vì sao khi có mâu thuẫn vợ chồng thì người lớn lại thường mang con trẻ ra như một "lá khiên" che chắn cho sự ích kỷ của mình? Qua các vự việc mà chúng tôi được tiếp cận, thấy nổi cộm lên sự thật rằng, nhiều phụ huynh đôi khi vỗ ngực tự hào rằng bản thân mới là người thương con nhất nhưng bản chất không hẳn như vậy.
Một trong các mối quan hệ gắn khít nhất trong cuộc đời chính là vợ chồng. Bởi vậy, để mối quan hệ này rạn nứt, người trong cuộc đã tung ra rất nhiều "đòn" khiến đối phương bị tổn thương. Vì sự tổn thương này mà hôn nhân đứt gãy, tình nghĩa không còn. Người vợ hoặc chồng khi đó đã muốn "đánh" vào "gót chân Asin" của người kia chính là tình cảm cha con hoặc mẹ con.
Chia cách tình cảm con cái với cha hoặc mẹ không phải vì thương con mà chỉ vì sự hận thù trong lòng của người lớn. Điều đó thật sự nguy hiểm khi con trẻ chưa đủ nhận thức, có thể ôm mối hận đó của cha - mẹ theo suốt cuộc đời.
Chính danh người lớn, là cụm từ mà gần đây được nhắc tới trong nhiều phiên tòa gia đình. Người lớn cần phải sống sao cho xứng đáng, đặt lợi ích của con trẻ lên hàng đầu. Đừng gieo rắc và cũng đừng mượn thân phận của con trẻ để trả thù lẫn nhau, khiến cuộc sống luôn trong tình trạng bi kịch, bế tắc. Hơn nữa, điều này cả gián tiếp và trực tiếp hủy hoại tương lai của con cái chúng ta.