Cam kết của 2 tân phó chủ tịch UBND TP.HCM

Bà Phan Thị Thắng và ông Lê Hòa Bình đều có chương trình hành động cụ thể khi nhận cương vị mới. Cả 2 có chung sự quan tâm đến vấn đề quản lý quỹ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.

HĐND TP.HCM vừa bầu bổ sung bà Phan Thị Thắng (Phó chủ tịch HĐND TP) và ông Lê Hòa Bình (Giám đốc Sở Xây dựng) giữ chức Phó chủ tịch UBND TP.HCM.

Theo phân công, bà Thắng sẽ phụ trách lĩnh vực tài chính, thương mại, dịch vụ và du lịch, còn ông Lê Hòa Bình phụ trách đô thị.

Rút ngắn thời gian cấp sổ đỏ, sổ hồng

Trong chương trình hành động của mình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đặt ra mục tiêu trọng tâm trong 6 lĩnh vực gồm pháp lý trong đầu tư xây dựng; quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị; xây dựng; quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải, cấp thoát nước; quản lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện những chính sách, quy hoạch hiện có của thành phố, ông Bình đặt ra mục tiêu chi tiết cho từng lĩnh vực. Ở cương vị mới, ông Bình sẽ ưu tiên hơn nữa việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà ở dành cho công nhân và người có thu nhập thấp.

"Phấn đấu đạt tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 50 triệu m2 và đến cuối năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5 m2/người", vị phó chủ tịch đặt mục tiêu.

 Ông Lê Hòa Bình báo cáo chương trình hành động với HĐND TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn.

Ông Lê Hòa Bình báo cáo chương trình hành động với HĐND TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn.

Hoàn thiện mô hình quản lý, vận hành quỹ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước cũng là vấn đề được ông Bình chú trọng. Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết sẽ điều chuyển công tác quản lý, vận hành từ công ty về Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng và xây dựng quy chế quản lý, khai thác tài sản công.

Ngoài ra, ông Lê Hòa Bình cũng cam kết đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá quỹ nhà và nền đất tái định cư còn trống, chưa có kế hoạch sử dụng trong giai đoạn 2020-2025 nhằm thu hồi ngân sách đã đầu tư.

Đặc biệt, ông Bình cho biết sẽ tập trung giải quyết những vấn đề kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Cụ thể là rà soát các quy hoạch phân khu 1/2.000 đã được duyệt nhưng không còn phù hợp và các dự án chậm triển khai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Bên cạnh đó, vị phó chủ tịch cho biết sẽ đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với căn hộ chung cư, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với nhà ở riêng lẻ sau khi xây dựng mới.

Cuối cùng, tân phó chủ tịch cam kết tập trung quản lý, xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo hướng phân cấp mạnh cho UBND quận, huyện. Giải quyết dứt điểm các nhóm công trình vi phạm xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý đô thị.

Chú trọng nguồn thu tiềm năng

Còn trong chương trình hành động của mình, bà Phan Thị Thắng đặt ra 2 nhiệm vụ lớn. Thứ nhất là phát triển nhanh, vững chắc các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, là thế mạnh của thành phố trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dịch vụ du lịch, phát triển thương mại. Thứ hai là đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính công, ngân sách đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.

Đáng chú ý, bà Thắng đặt mục tiêu tăng cường biện pháp quản lý thu hiệu quả đối với các nguồn thu tiềm năng, thu từ hoạt động thương mại điện tử, hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong bối cảnh nền kinh tế số.

"Qua quá trình thu thuế, chúng ta sẽ đánh giá được 'sức khỏe' tài chính của doanh nghiệp, từ đó, có những báo cáo, nhận định, giúp đỡ hoặc đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay", bà Thắng cam kết.

 Bà Phan Thị Thắng phát biểu tại kỳ họp lần thứ 23 HĐND TP.HCM hôm 8/12. Ảnh: Phạm Ngôn.

Bà Phan Thị Thắng phát biểu tại kỳ họp lần thứ 23 HĐND TP.HCM hôm 8/12. Ảnh: Phạm Ngôn.

Với việc thu ngân sách, bà Thắng nhấn mạnh năm 2021, các nguồn thu về kinh tế sẽ giảm do đại dịch Covid-19 nên phải chú trọng thực hiện tốt các nguồn thu từ đất.

Cụ thể, bà Thắng nhận định, 26.000 ha đất nông nghiệp được chuyển qua các mục đích sử dụng khác sẽ là nguồn lực tài chính rất lớn cho thành phố trong 5 năm tới. Bên cạnh đó, đối với nhà đất do Nhà nước quản lý còn dôi dư, sử dụng không hiệu quả, bà Thắng cho rằng việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố.

Cuối cùng, Phó chủ tịch TP.HCM cho biết cần tận dụng cơ chế trong Nghị quyết 54 của Quốc hội để thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo lộ trình. Từ đó, thành phố sẽ có nguồn thu để chi đầu tư phát triển.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cam-ket-cua-2-tan-pho-chu-tich-ubnd-tphcm-post1161230.html