Cam kết mạnh mẽ về hành động bền vững do khu vực tư nhân dẫn đầu
Trong hai ngày 10 - 11/4, Diễn đàn Doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (APBF) năm 2025 vừa được tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia), với lời kêu gọi mạnh mẽ khu vực tư nhân sẽ dẫn đầu quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai bền vững, toàn diện và kiên cường hơn.

Công nhân làm việc tại một nhà máy lắp ráp ô tô ở Malaysia. Ảnh minh họa: Icon.com.vn
APBF năm 2025 được tổ chức bởi Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), phối hợp với Mạng lưới Doanh nghiệp bền vững ESCAP và Viện Chiến lược KSI khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Diễn đàn quy tụ hơn 250 Giám đốc Điều hành doanh nghiệp cấp cao, các nhà hoạch định chính sách… từ khắp khu vực để đẩy nhanh hành động khí hậu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và mở rộng quy mô tài chính xanh.
Theo ESCAP, các đại biểu tham dự Diễn đàn năm nay đã kêu gọi các doanh nghiệp, chính phủ và các bên liên quan khác không chỉ thích ứng với những trường hợp khẩn cấp về khí hậu, mà còn chủ động tận dụng tính bền vững như một nguồn lực đối với đổi mới sáng tạo, khả năng phục hồi nhanh và tạo ra giá trị lâu dài.
“Có những cơ hội hữu hình để mở rộng phạm vi hợp tác kinh tế và kết nối nội vùng bằng cách mở rộng triển vọng kinh doanh, xây dựng chuỗi cung ứng tích hợp và hiện thực hóa mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Quá trình chuyển đổi xanh không chỉ là quản lý môi trường, mà còn là cơ hội kinh tế”, bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Tổng Thư ký điều hành ESCAP cho biết.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự tiếp tục tái khẳng định Thỏa thuận Xanh châu Á - Thái Bình Dương dành cho doanh nghiệp là một kế hoạch hành động quan trọng để liên kết các mô hình kinh doanh với yêu cầu cấp thiết về môi trường và xã hội.
“Diễn đàn Doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương năm 2025 sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy Thỏa thuận Xanh châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy tính bền vững và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của khu vực. Thông qua hợp tác và đổi mới, chúng ta hướng đến mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh và xây dựng một tương lai có khả năng phục hồi nhanh và ít carbon”, ông Michael Yeoh, Chủ tịch Viện Chiến lược KSI khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận định.
Đáng chú ý, với nhu cầu cấp thiết về sự nhất quán trong chính sách và sự thống nhất về quy định, Diễn đàn năm nay tổ chức một loạt các cuộc đối thoại cấp cao mới giữa các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân và các nhà hoạch định chính sách của chính phủ. Những cuộc đối thoại này nhằm giải quyết các rào cản đối với đổi mới sáng tạo khí hậu, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tài chính bền vững, và thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, đặc biệt là thông qua sự lãnh đạo đa dạng về giới, và sự hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.
Về phần mình, bà Shinta Widjaja Kamdani, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Sintesa (Indonesia), Chủ tịch mới của Mạng lưới Doanh nghiệp bền vững ESCAP cho rằng: “Các khoản đầu tư vào công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng bền vững và nông nghiệp chống chịu với biến đổi khí hậu sẽ là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thịnh vượng bao trùm. Những khoản đầu tư này không chỉ là phương tiện để thu hẹp khoảng cách tài chính, mà còn là cơ hội để định nghĩa lại cách chúng ta suy nghĩ về tăng trưởng”.