Cam Lộ, đất ngọn nguồn
Giữa những ngày chớm bước qua thời khắc tháng 4 lịch sử, ngày quê nhà Cam Lộ thân yêu tròn 50 năm giải phóng, tôi tìm về vườn nhà ngoại tôi năm xưa nơi thôn Thượng Viên, xã Cam Thành (nay là Khu phố 7, thị trấn Cam Lộ) và lục tìm trong ký ức miên man cảm xúc những ngày đất này thôi bom đạn, cuộc sống mới mở ra trước mắt với bao bỡ ngỡ, bao khó khăn, bao niềm vui đoàn tụ và cảm nhận đến tận cùng giá trị thiêng liêng của hai tiếng hòa bình...
Máu của đất đã dồn lên hoa trái
Bước chân qua khu vườn tĩnh lặng xanh um cây trái nằm giữa ngôi làng nhỏ có tên Bắc Bình (nay là thôn Bình Mỹ, xã Cam Tuyền) kề nơi thượng nguồn sông Hiếu, tôi tìm gặp ông Thái Ngọc Quế, một cán bộ cơ sở nổi tiếng của huyện Cam Lộ sau ngày giải phóng. Trò chuyện cùng ông Quế trong bồi hồi ký ức, rút cuộc lại, tôi chợt nhận ra điều khảm khắc trong tâm trí ông lại là những ngày gây dựng phong trào hợp tác hóa nông nghiệp khi ông đảm đương chức vụ chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nam Thành, xã Cam Thành trong 8 năm (từ năm 1979 đến năm 1986), ở vào thời kỳ khó khăn, gian khổ bậc nhất khi đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ chưa lâu, lại phải căng mình đánh giặc ở hai đầu Tổ quốc, từ bảo vệ biên giới Tây Nam đến giữ vẹn toàn biên cương phía Bắc.
- Trong 8 năm “đứng mũi chịu sào” gầy dựng HTX Nam Thành trở thành một HTX có tên tuổi lúc bấy giờ, có công việc nào triển khai hiệu quả, khiến ông tâm đắc nhất? - Tôi hỏi.
Ông Quế không vội trả lời tôi. Nhấp ngụm nước chè tươi sóng sánh, ông chậm rãi chuyện trò như chực chờ những kỷ niệm xưa quay lại một cách thư nhàn: “Tháng 10/1979, HTX Nam Thành ra đời trên cơ sở hợp nhất 9 tập đoàn sản xuất với 556 hộ, 2.556 xã viên, 280 ha đất canh tác, chiếm 2/3 dân số và diện tích của xã Cam Thành. Đại hội hợp nhất HTX đã ra nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1980 - 1985 trong đó nêu vấn đề cần mở rộng diện tích trên cơ sở cải tạo đồng ruộng, cất bốc mồ mả, quy hoạch đất đai để tạo điều kiện phát triển sản xuất lâu dài.
Nhưng lúc bấy giờ, mới bước ra khỏi chiến tranh chưa lâu, đời sống xã viên còn gặp rất nhiều khó khăn nên đến Đại hội xã viên HTX Nam Thành vào tháng 4/1981, nghị quyết trên mới được xây dựng thành kế hoạch, từng bước triển khai thực hiện. Khó mà nói hết những khó khăn khi tiến hành cất bốc, quy tập mồ mả và cũng không thể ghi lại được sự nỗ lực bền bỉ, quyết tâm sắt đá cả tập thể ban quản trị HTX trong cuộc ra quân “vô tiền khoáng hậu” lần ấy.
Bắt đầu là cuộc tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân nghe theo, chung tay, đồng thuận. Các cuộc họp của các vị phụ lão, người đứng đầu 17 dòng họ ở Nam Thành đã nhận được sự ủng hộ, đồng tâm, nhất trí cao. Đa số người dân cho đây là việc làm không những thiết thực về kinh tế mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo tiền đề để địa phương phát triển trong tương lai. Số lượng mồ mả đã được thống kê chu đáo để lên kế hoạch phân bổ an táng vào các nghĩa địa mới. Kế hoạch cất bốc mồ mả, quy hoạch đất đai kết hợp làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng đã được vạch ra chi tiết. Đội ngũ công nhân lái máy ủi, máy cày, máy kéo được lãnh đạo HTX đích thân gặp động viên tinh thần, nhắc nhở chuẩn bị máy móc thật tốt, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ. Các cơ quan ngân hàng, tài chính, vật tư trực thuộc thị xã Đông Hà tận tình giúp đỡ với kinh phí 650.000 đồng, tạo điều kiện thuận lợi ban đầu để thực hiện đúng kế hoạch…”.
Trong ký ức của những người dân, cuộc quy hoạch đồng ruộng quy mô chưa từng có sau ngày quê hương giải phóng ở Cam Lộ bắt đầu từ vùng Trào Ba, Nương Tranh của xã Cam Thành. Khi lực lượng cơ giới xuất hiện, người dân đã thấy Chủ nhiệm HTX Thái Ngọc Quế đứng trên ca bin máy chỉ đạo san ủi từng nhát đất hoang hóa đầu tiên. Mồ mả được người dân thận trọng cất bốc bằng tay, tỉ mẫn và trách nhiệm theo trình tự và tập quán địa phương. 5 ha đất đã được làm sạch, cày xới chu đáo.
Chỉ không lâu sau, khoai, lúa đã vào vụ thu hoạch, đem lại nguồn lương thực quý giá cho người dân. Từ thắng lợi bước đầu, Ban Quản trị HTX Nam Thành đã triển khai tiếp một kế hoạch lớn hơn là hạ quyết tâm cất bốc toàn bộ mồ mả ở những vùng còn lại phía Bắc, Nam đường 9, vùng Cồn Căng, Cồn Thị, Nghĩa Hy, Phan Xá…
Ở những vùng này, mồ mả chen chúc, có ngôi mộ to chiếm trên 500 m2 đất; xen lẫn từng thước đất là bom bi, đạn pháo, rắn, rết… dày đặc cho nên chỉ có máy móc mới làm nổi, vừa đảm bảo tính mạng con người, vừa đạt năng suất cao nhờ sức càn lướt mạnh mẽ. Nhiều nơi người dân đã tự giác cất bốc mồ mả của gia tộc mình để dọn đường cho máy ủi xoay xở thuận lợi. Máy san ủi đến đâu, máy cày sâu đến đó. Khi đất đã thuần thục, ruộng đồng ở hai phía Bắc - Nam đường 9 đã xuống giống ngay 15 ha khoai lang vụ đông; các vùng khác được quy hoạch để trồng cây công nghiệp ngắn ngày...
Thời bấy giờ, vào những năm 80 của thế kỷ trước, ai đã từng đi qua Nam Thành, nhìn cảnh quan thôn xóm mới thấy hết sự đổi thay kỳ diệu của vùng đất này. Bạt ngàn ruộng đồng hoang vu, dày đặc hố bom, hố pháo, bình quân một thước đất có một quả bom bi sót lại chực chờ phát nổ, mồ mả chen chúc, có tới trên một vạn ngôi mộ, 45 lăng miếu to nhỏ, chiếm trên 70 ha đất của HTX bấy giờ đã phủ một màu xanh no ấm.
Cắt nghĩa về câu chuyện thần kỳ này, Chủ nhiệm HTX Thái Ngọc Quế đã để lại một câu nói mà ai cũng thấy tâm đắc: “Vùng đất này được đổi mới như thế là nhờ ánh sáng của Đảng và lòng dân chúng tôi. Chúng tôi đã phát động một phong trào “đào tận gốc, bốc tận rễ” toàn bộ đạn bom, quy hoạch lại mồ mả, đem lại sự sống cho quê hương”.
Có sức người đổ xuống, có máu xương các anh hùng liệt sĩ nằm lại đất này nên màu xanh của lúa, của lạc, mè, đậu quyện hòa với màu xanh khoai, sắn đã khỏa lấp dần hậu quả chiến tranh khốc liệt. Trong hơn 70 ha đất mới khai hoang, phục hóa đã có 56 ha đưa vào gieo trồng gồm 30 ha lạc, 12 ha mè, 10 ha lúa nước, 4 ha ớt, đậu các loại. Giữa màu xanh đồng ruộng nổi lên màu đất mới của hơn 5 km đường lớn đã mở, nối liền đường 9 và đường 71 với các khu vực sản xuất. Trên các con đường mới tinh khôi, những tên đất, tên làng yêu dấu đã gần lại bên nhau với tất cả sự ruột thịt, thân thương: Nam Hùng, Nghĩa Hy, Thượng Viên, Trung Viên, Đông Định…
Mảnh đất Nam Thành vốn luôn bị thiên tai hoành hành. Ngưng cơn giá lạnh của gió mùa Đông Bắc kéo dài, tiếp đến là gió mùa khô nóng Tây Nam; rồi đến tháng bảy nước nhảy qua bờ, tháng tám nắng rám trái bồng, lụt hăm ba tháng mười, bão tố, lốc xoáy quanh năm… Nhưng thiên nhiên khắc nghiệt cũng đã tôi luyện cho con người Cam Lộ một tinh thần vững vàng trước mọi thử thách, một ý chí gan góc bình thản đương đầu với thiên tai để giành lấy từng hạt lúa, củ khoai, vụ lúa, vụ màu…
Nhờ kết hợp với việc cất bốc, quy tập mồ mả, hàng chục cây số kênh mương đã được xây dựng, đưa nguồn nước ngọt từ hồ Nghĩa Hy đến tận các chân ruộng. Ba đập lớn cũng được ra đời, mang những cái tên thiệt thà đến nao lòng: Đập Bồ Ra, đập Mưng, đập Làng. Hệ thống thủy lợi này đã đảm bảo nước tưới tiêu cho trên 100 ha lúa và hoa màu. Thời điểm đó, Chủ nhiệm HTX Thái Ngọc Quế đã từng hào sảng: “Trong năm nay, hồ cá rộng 5 ha sẽ ra đời, thả nuôi 5 vạn con cá giống; 5 ha mía sẽ được ươm trồng… và 2 đến 3 năm nữa, điện từ trạm 35 kV sẽ tỏa về khắp các xóm thôn. Vùng Bắc đường 9 sẽ có nước từ sông Hiếu lên tưới cho lúa, hoa màu; hệ thống truyền thanh của HTX sẽ được xây dựng, ấm no nhất định sẽ về với quê hương tôi…”.
Miền đất sử thi
Xin được gọi Cam Lộ quê hương tôi là đất ngọn nguồn, một vùng đất thấm đẫm sử thi, trung dũng, kiên cường, cần cù, chịu khó nhưng chan chứa nghĩa tình.
Con sông Hiếu chảy qua quê tôi phát nguồn từ dãy Trường Sơn đi qua các hẻm đá, cát tạo thành dòng sông nước ngọt, tươi mát, xanh trong. Đây là con sông chính chảy qua địa phận Cam Lộ cùng 10 phụ lưu như khe Chùa, khe Mài... trước khi hòa vào cửa biển. Bây giờ, có dịp lên Bản Chùa ở xã Cam Tuyền, qua công trình thủy lợi Tân Kim - Đá Mài, nơi có hồ soi bóng núi, đã thấy núi Cù Đinh sừng sững, đỉnh Phu Lơ chót vót, xung quanh là những ngọn đồi không tên như bát úp gắn với chiến công đánh Mỹ của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ “một thắng hai mươi” và dòng suối nhỏ róc rách ngày đêm mang tên suối La La, địa danh từng ngân vang trong bài ca của nhạc sĩ Huy Thục: ...Ơi dòng suối La La/ Nước trong xanh hiền hòa/ Chảy quanh đồi không tên/ Nay đồi đã mang tên/“Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ”... Nếu phóng tầm mắt xa hơn, hay có những chuyến “về nguồn”, du khách sẽ thấy những trang lịch sử thật thân gần với đất quê hương: Tân Lâm, Đầu Mầu, điểm cao 241, Cùa, Động Tròn, Hồ Khê, Đá Bạc… gắn với bao chiến công dọc con đường số 9 anh hùng.
Nằm giữa lòng Quảng Trị thân thương, với vị trí địa - chính trị đặc biệt, mảnh đất và con người Cam Lộ đã cùng cả dân tộc đi suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Trước thiên nhiên khắc nghiệt, chiến tranh ác liệt với bao đau thương, mất mát, đất và người Cam Lộ vẫn vươn lên, góp phần cùng cả tỉnh, cả nước viết nên bản hùng ca bất hủ của dân tộc Việt Nam. Trải qua quá trình đấu tranh để tồn tại và phát triển, nơi đây đã để lại những dấu ấn lịch sử thật đậm nét: Sơn phòng Tân Sở- kinh đô dã chiến, nơi vua Hàm Nghi hạ Chiếu Cần Vương khởi đầu cho phong trào cứu nước cuối thế kỷ XIX.
Từ ngày có Đảng, Cam Lộ là căn cứ địa cách mạng kiên trung, với Nhà Tằm Tân Tường - nơi ra đời một trong ba chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, cũng là nơi thành lập chính thức Tỉnh ủy Quảng Trị để lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đầu tháng 7/1964, cán bộ và Nhân dân hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa vùng Cùa với khí thế long trời lở đất đã vùng dậy đồng khởi, phá ấp chiến lược, đập tan hệ thống kìm kẹp, giành chính quyền về tay Nhân dân. Cùa là điểm đồng khởi đầu tiên của huyện Cam Lộ, cũng là một trong những điểm đồng khởi đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và đã giành được thắng lợi nhanh chóng, giòn giã. 9 năm sau ngày bắt đầu đồng khởi ở chiến khu Cùa, vào năm 1972, trước sức tấn công mạnh mẽ của quân giải phóng, các tập đoàn cứ điểm của địch bị đập tan, tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng.
Chúng ta sẽ không bao giờ quên thời điểm 16 giờ ngày 2/4/1972, cờ giải phóng đã tung bay trên tất cả các làng quê Cam Lộ. Xiềng xích bị rũ tung trước sức nén của lòng dân sau 18 năm trời chờ đợi, quê hương vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Đầu năm 1973, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt thủ phủ trên dấu tích thành Cam Lộ xưa. Tại đây, nhiều lãnh tụ các nước anh em, các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới đã đến thăm, nhiều nhà ngoại giao đã đến trình quốc thư trên mảnh đất còn vương mùi khói đạn và cuộc sống bắt đầu hồi sinh.
Có thể nói, Cam Lộ là đất ngọn nguồn của đất, của nước, của những sự kiện trọng đại gắn liền với bao chiến công hiển hách trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước.
Sau ngày quê hương giải phóng, kế thừa truyền thống đoàn kết, sáng tạo, khí phách anh hùng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Đảng bộ, chính quyền huyện Cam Lộ đã cùng với Nhân dân đồng tâm hiệp lực, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, mở con đường đi lên no ấm. Những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Huyện ủy từ những ngày đầu quê hương giải phóng và qua 6 kỳ Đại hội Đảng bộ huyện đã được các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiện thực hóa trên quê hương yêu dấu của mình.
Từ một nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, manh mún, lạc hậu, thiếu thốn quanh năm đến nay Cam Lộ đã có bước phát triển toàn diện, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng bền vững. Nhiều sản phẩm đoạt giải thưởng danh giá về chất lượng; có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Cam Lộ hướng đến trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ được đẩy mạnh phát triển và chiếm tỉ trọng 72% trong cơ cấu nền kinh tế.
Nhiều dự án quy mô lớn đã và đang được thu hút đầu tư. Việc hoàn thiện hệ thống giao thông, đặc biệt khi tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đi qua trên địa bàn sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển của địa phương trong thời gian tới. Tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện hằng năm trên 12%; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt gần 55 triệu đồng. Tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3%. Quốc phòng - an ninh được tăng cường; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Đặc biệt, thành quả nổi bật, ấn tượng nhất của huyện Cam Lộ chính là được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, về đích trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Xây dựng nông thôn mới là một cuộc vận động mang lại kết quả lớn chưa từng có trong tiến trình xây dựng quê hương Cam Lộ. Các chủ trương, quyết sách của huyện đã được Nhân dân hưởng ứng tích cực và thi đua thực hiện, đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của với các việc làm cụ thể, thiết thực, mang lại hiệu quả cao.
50 năm sau ngày giải phóng, hiện thực sống động và bền vững đã trải ra trước mắt người dân Cam Lộ với rất nhiều niềm tin yêu và hy vọng. Trải qua các giai đoạn lịch sử, con người trên mảnh đất Cam Lộ với tư cách là chủ thể sáng tạo đã vượt qua mọi thử thách gian nan để làm nên những kỳ tích hào hùng. Khát vọng phát triển, khát vọng làm giàu của mỗi người dân đang được đánh thức, chắp cánh từ những quyết sách thích ứng và hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp với nỗ lực đưa Cam Lộ trở thành miền quê nông thôn mới kiểu mẫu, miền quê đáng sống. Cùng với quê hương, người dân Cam Lộ sẽ viết tiếp trang sử mới từ bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng trên chặng đường đi tới tương lai…