Cam Lộ giữa hai chiều thời gian

Cam Lộ là vùng đất đặc biệt, từng hai lần được chọn là 'kinh đô kháng chiến', đó là Thành Tân Sở ở xã Cam Chính, nơi vua Hàm Nghi dựng cờ, ban chiếu Cần Vương chống Pháp và thị trấn Cam Lộ, nơi đặt trụ sở làm việc của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam(CMLTCHMN) Việt Nam. Cùng với nhiều địa danh nổi tiếng, Cam Lộ chính là điểm kết nối giữa quá khứ và hiện tại.

 Di tích quốc gia Căn cứ thành Tân Sở - Ảnh: T.T

Di tích quốc gia Căn cứ thành Tân Sở - Ảnh: T.T

Vùng đất hai lần là “kinh đô kháng chiến”

Đã nhiều lần đi-về với khúc khuỷu đèo Cùa nhưng mỗi chuyến đi với tôi vẫn đầy ắp cảm giác háo hức khi bỏ lại sau những náo nhiệt phố phường đến với chốn thanh bình. Xứ Cùa không chỉ nổi tiếng bởi sản vật nức tiếng tiêu, mít, chè…mà còn là điểm đến văn hóa lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Vẫn còn nguyên vẹn trong lòng người dân xứ Cùa cảm xúc tự hào, cung kính chờ đón cung rước long vị vua Hàm Nghi về an vị tại Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại Di tích quốc gia Căn cứ Thành Tân Sở vào tháng 7/2020.

Ngược dòng thời gian, cuối thế kỷ XIX, Tân Sở-Cam Lộ được chọn làm kinh đô kháng chiến chống Pháp của triều đình nhà Nguyễn, nơi ghi dấu ấn lịch sử vị vua yêu nước trẻ tuổi Hàm Nghi ban dụ Cần Vương hiệu triệu văn thân, sĩ phu yêu nước toàn quốc đứng lên phò vua đánh đuổi giặc Pháp vào ngày 13/7/1885 dưới tên gọi “Phong trào Cần Vương”. Đây là một bước ngoặt của lịch sử dân tộc cuối thế kỷ XIX, mở đầu cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam kể từ sau ngày Kinh đô thất thủ đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945. Vùng Cùa cũng là chiến khu cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, là nơi đồng khởi đầu tiên của tỉnh Quảng Trị vào tháng 7/1964.

Một địa chỉ đỏ khác nằm ngay trên thị trấn Cam Lộ, đó là di tích Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam được khánh thành ngày 30/5/1973. Tại đây đã diễn ra lễ mít tinh trọng thể, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam ra mắt quốc dân đồng bào trước sự chào mừng của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ Quảng Trị cùng đại biểu 19 nước và đông đảo phóng viên báo chí quốc tế. Đại sứ các nước đã đến đây trình Quốc thư và tại đây cũng đã đón tiếp nhiều vị lãnh tụ các nước như: Fidel Castro, Chủ tịch Đảng Cộng sản Cu Ba; Georges Marchais, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp. Tại nơi này, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã đưa ra những chiến lược, sách lược nhạy bén lãnh đạo nhân dân miền Nam đứng lên đấu tranh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975. Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ngày 25/1/1991. Di tích Nhà Tằm-Tân Tường, nơi sản xuất để che mắt giặc nhưng bên trong là nơi gặp gỡ bàn bạc trao đổi công việc của các nhân sĩ, trí thức và những người yêu nước trên khắp mọi miền đất nước, đồng thời là nơi quyên góp tài chính ủng hộ cách mạng. Đây cũng là nơi thành lập một trong ba chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, thành lập Huyện ủy Cam Lộ và Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Trị cũng đã được đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2005.

 Thị trấn Cam Lộ hôm nay - Ảnh: T.T

Thị trấn Cam Lộ hôm nay - Ảnh: T.T

Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Cam Lộ cùng với các địa phương trên Đường 9 trở thành nơi đối đầu quyết liệt giữa ta và địch. Các địa danh như Đồi Không tên, điểm cao 544, 241, Đầu Mầu, Tân Lâm, Cồn Mả Đỏ, Ngã Tư Sòng… đều ghi dấu những chiến công hiển hách của quân và dân ta. Mỗi di tích, mỗi địa danh đều mang một câu chuyện lịch sử gắn với công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương đáng tự hào.

Kết nối các di tích lịch sử-danh lam thắng cảnh

Cam Lộ có lợi thế nằm trên huyết mạch giao thông Quốc lộ 1, Quốc lộ 9, đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn, đường Hồ Chí Minh. Cam Lộ là cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của thành phố Đông Hà rất thuận lợi cho việc hình thành các đô thị vệ tinh cho thành phố. Điều kiện tự nhiên đa dạng, địa hình chia thành 3 vùng miền núi, trung du và đồng bằng, có rừng, sông, suối, hồ với nhiều cảnh quan đẹp. Cam Lộ có chợ Phiên được thành lập từ năm 1621, là trung tâm thương mại lớn nhất nhì của vùng đất Thuận Hóa thế kỷ 17, 18 được ví như một tiểu Trường An. Khi đó, chợ Phiên đã là chợ “quốc tế” trên bến dưới thuyền, một thị trường thông thương từ Cửa Việt lên chợ Phiên nối thẳng sang Lào. Ngoài ra hệ thống khe suối ở khu vực Cam Tuyền, cụm di tích ba điểm Đầu Mầu, Cao điểm 241 và Rockpile…chính là sự liên kết của tạo hóa mở ra hướng du lịch khám phá các địa danh lịch sử kết hợp trải nghiệm vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên.

Tuy nhiên, Cam Lộ vẫn chưa được thiết kế trong các tour trọng điểm của du lịch Quảng Trị. Ấp ủ ý tưởng tạo tour, tuyến du lịch từ đường bộ đến đường thủy mà điểm kết là bến Đuồi lên chợ Phiên, phục hồi đình làng chợ Phiên Cam Lộ, tổ chức lễ hội chợ Phiên hằng năm… Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn khẳng định quyết tâm để sớm biến ý tưởng thành hiện thực. Xây dựng kế hoạch tổ chức lại hoạt động của chợ Phiên truyền thống, mạnh dạn đề xuất UBND tỉnh làm việc với phía Lào, Thái Lan để kêu gọi các tiểu thương tham gia kinh doanh tại chợ nhằm tạo sự đa dạng về hàng hóa, phục hồi lại tính chất của phiên chợ mang tầm “quốc tế” như đã từng có trong quá khứ.

Theo đó, huyện Cam Lộ đề ra các giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả đối với lĩnh vực du lịch. Chú trọng công tác quy hoạch, hoàn thành quy hoạch các khu, tuyến, điểm du lịch, địa điểm phát triển các ngành dịch vụ du lịch. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá thu hút đầu tư đối với các dự án, điểm tham quan du lịch theo hướng tạo ra các sản phẩm du lịch ấn tượng, có tiềm năng lợi thế so sánh với các điểm du lịch trong tỉnh. Tổ chức các tour, tuyến để kết nối các địa điểm, sản phẩm du lịch của huyện với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Hoàn thiện xây dựng khu di tích Tân Sở, có phương án phục hồi nâng cấp tôn tạo trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam. Hình thành sản phẩm du lịch “Theo dấu chân của vua Hàm Nghi” kết nối với các tour tham quan các địa điểm của Triều Nguyễn tại kinh thành Huế và các địa điểm lịch sử gắn với Chúa tiên Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị. Sưu tầm các tư liệu, sự kiện lịch sử, hiện vật, các câu chuyện về thành Tân Sở, trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam gắn với các nhân vật lịch sử, các câu chuyện lịch sử và giả sử, các huyền thoại về các địa danh và nhân vật liên quan, tổ chức Lễ hội “Tân Sở dấy nghĩa Cần Vương” theo định kỳ…

Bên cạnh đó là tập trung quy hoạch, vận động đầu tư các công trình tưởng niệm, chứng tích kết nối các điểm trên Đường 9 như: Điểm cao 241, Đầu Mầu-Tân Lâm, cao điểm 544, căn cứ Rockpile…gắn du lịch về chiến trường xưa, về nguồn, tâm linh, danh lam thắng cảnh, cơ sở tôn giao lớn, nhà lưu niệm danh nhân. Xây dựng các tuyến du lịch trải nghiệm kết hợp với thể thao, khám phá lên điểm cao 544, rockpile, hang Dơi và Lèn đá. Cùng với đó là rà soát quy hoạch các địa điểm thắng cảnh có khả năng khai thác du lịch như: Khe Gió, Suối nước nóng Tân Lâm, các hồ, sông, tự nhiên và nhân tạo như đường giao thông, khu vực dã ngoại, cắm trại...hình thành các tuyến du lịch trải nghiệm, khám phá gắn với tham quan các di tích lịch sử, tiến hành khoan thăm dò trữ lượng suối nước khoáng nóng Tân Lâm phục vụ quy hoạch điểm du lịch nghỉ dưỡng. Xây dựng các điểm tham quan trải nghiệm nông thôn mới, vườn mẫu, làng nghề, kết nối quá khứ với hiện tại, lịch sử và tự nhiên để tạo nên điểm đến hấp dẫn, xứng danh Cam Lộ miền đất lành.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=159427&title=cam-lo-giua-hai-chieu-thoi-gian