Cam Lộ nỗ lực giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), phát triển kinh tế - xã hội. Để giảm thiểu tình trạng này, thời gian qua, huyện Cam Lộ đã triển khai nhiều biện pháp, góp phần nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của nhiều đối tượng trong cộng đồng về mất cân bằng GTKS.
Triển khai thực hiện Kế hoạch số 5170/KHUBND, ngày 5/12/2016 của UBND tỉnh Quảng Trị về thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng GTKS giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, ngành Y tế huyện Cam Lộ đã phối hợp với các cấp, ngành nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng GTKS. Trong đó công tác tuyên truyền được quan tâm với nhiều hình thức đa dạng như: Truyền thông qua loa truyền thanh của xã, thị trấn, của thôn, bản, khu phố hay tổ chức nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền nhóm nhỏ tại hộ gia đình... Mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020 là giảm tỉ số GTKS xuống dưới 0,2 điểm phần trăm/ năm, phấn đấu đưa tỉ số giới này xuống dưới mức 112 trẻ nam/100 trẻ nữ vào năm 2020. Giảm tỉ số GTKS, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỉ số này đạt khoảng 107 trẻ nam/100 trẻ nữ để sau năm 2025 trở lại mức cân bằng tự nhiên.
Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hoạt động truyền thông cho các cặp vợ chồng, những người đứng đầu dòng họ và gia đình, nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và những người cung cấp dịch vụ có liên quan về tình trạng mất cân bằng GTKS, nhất là giới và bình đẳng giới (BĐG) bằng các hình thức tiếp cận thông điệp phù hợp. Tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng GTKS và phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về nghiêm cấm tuyên truyền, phổ biến, chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi tại các xã, thị trấn. Tại các trường học trên địa bàn huyện, Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ đã phối hợp tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa phù hợp như sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện, các cuộc thi về giới và BĐG cho học sinh…
Nhờ thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền nên nhận thức của Nhân dân đã được nâng cao, nhiều gia đình dù sinh 2 con đều là gái nhưng không có dự định sinh thêm con trai. Chị Trần Thị Phương Anh ở thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy cho biết: “Gia đình tôi có 2 cháu đều là gái. Vợ chồng tôi luôn quan niệm rằng dù là trai hay gái, con cái lớn lên chăm ngoan, học giỏi, khỏe mạnh là hạnh phúc, dừng lại ở hai con để có điều kiện nuôi dạy tốt”.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, hằng năm Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến chẩn đoán giới tính thai nhi, các đơn vị sản xuất kinh doanh ấn phẩm, sản phẩm truyền thông liên quan đến lựa chọn GTKS trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo công khai, rộng rãi các đơn vị, cá nhân vi phạm và kết quả xử lý.
Qua 5 năm thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng GTKS giai đoạn 2016 -2020 ở huyện Cam Lộ đã đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2016 tỉ số GTKS là 119 bé sơ sinh trai/100 bé sơ sinh gái, đến năm 2020 tỉ số giới tính này giảm còn 110 bé sơ sinh trai/100 bé sơ sinh gái.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ đề ra mục tiêu khống chế tốc độ tăng tỉ số GTKS ở huyện mỗi năm tăng không quá 0,2 điểm phần trăm so với năm trước. Đến năm 2025 khống chế tỉ số GTKS dưới 110 bé trai/100 bé gái. Những địa phương có tỉ số GTKS cao từ 111 trở lên thì giảm bình quân mỗi năm ít nhất 0,2 điểm phần trăm so với năm trước, đưa chỉ tiêu tỉ số GTKS xuống dưới mức 107 bé trai/100 bé gái. Ông Nguyễn Quảng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ cho biết: “Để đạt được mục tiêu này cần đẩy mạnh và duy trì các hoạt động tuyên truyền vận động nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, sự ủng hộ và tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa và giải quyết tình trạng mất cân bằng GTKS. Cung cấp thông tin về giới và tình trạng mất cân bằng GTKS cho người dân, trước hết là nam giới, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai, những người có uy tín trong cộng đồng nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên. Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, nâng cao nhận thức của người dân và xã hội”.
Một trong những giải pháp quan trọng nữa là cần tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông đại chúng và truyền thông trực tiếp về lựa chọn giới tính thai nhi, đặc biệt là giới và BĐG trong đời sống gia đình với cách tiếp cận và thông điệp phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các cặp vợ chồng, những người đứng đầu dòng họ và thanh niên chuẩn bị kết hôn. Tuyên truyền để người dân tiếp cận được những quy định pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, hệ lụy của mất cân bằng GTKS đối với gia đình và xã hội.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=154219