Cam Lộ nỗ lực phát triển lâm nghiệp bền vững
Địa bàn huyện Cam Lộ phần lớn thuộc vùng bán sơn địa nên có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 25/7/2017 của HĐND huyện về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025, những năm qua, nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp của huyện đã đạt được những kết quả tích cực.
Nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp
Huyện Cam Lộ có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 21.000 ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 1.700 ha và rừng trồng gần 19.000 ha. Đến nay, diện tích trồng rừng thâm canh đã đạt trên 12.000 ha. Để tăng cường quản lý và bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, giúp cho các khu rừng đều có chủ và người dân được hưởng lợi từ rừng, trong những năm qua, huyện Cam Lộ đã tiến hành giao trên 91 ha rừng tự nhiên cho 22 hộ gia đình quản lý bảo vệ và hưởng lợi, đưa tổng diện tích rừng tự nhiên đã giao toàn huyện lên trên 1.700 ha với 513 hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng.
Đến năm 2020 cơ bản toàn bộ diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn huyện được giao cho các hộ gia đình quản lý bảo vệ. Đa số người dân quan tâm đến công tác bảo vệ rừng. Do vậy những năm qua rừng tự nhiên trên địa bàn cơ bản được bảo vệ ổn định, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ đầu nguồn các sông, suối trong khu vực, cung cấp nước cho sinh hoạt, canh tác cho vùng hạ lưu và bảo vệ các giá trị sinh thái môi trường đa dạng của rừng.
Bằng chính sách hỗ trợ phát triển một số loại cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 23/2017/QĐUBND của UBND tỉnh Quảng Trị, huyện đã triển khai trồng được trên 684 ha rừng gỗ lớn, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh tuyên truyền vận động người dân tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Hiện nay diện tích rừng FSC trong toàn huyện đạt trên 500 ha. Trong năm 2019, huyện đã triển khai trồng được 10 ha rừng tập trung bằng giống nuôi cấy mô. Hiện nay cây sinh trưởng khá tốt.
Việc cấp chứng chỉ rừng đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của rừng, ổn định đầu ra cho các sản phẩm từ rừng, góp phần giải quyết nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến hàng hóa xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng rừng gỗ lớn và rừng tham gia chứng chỉ FSC không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình, tạo việc làm, giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân mà còn thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển bền vững; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu toàn cầu; đặc biệt, khi mùa mưa đến sẽ làm giảm xói mòn, rửa trôi đất, phòng chống lũ lụt, hạn hán.
Trong những năm gần đây, diện tích trồng rừng tập trung của huyện mỗi năm trên 1.400 ha và 15 vạn cây phân tán. Công tác giống được người dân đặc biệt quan tâm, là yếu tố hàng đầu quyết định đến năng suất, chất lượng của rừng trồng. Bên cạnh đó công tác chăm sóc rừng sau trồng cũng rất được chú trọng.
Hiện nay, diện tích rừng trồng sản xuất trên địa bàn huyện có trên 15.000 ha, chủ yếu là rừng trồng keo các loại. Mỗi năm diện tích rừng khai thác trên 1.400 ha, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trên địa bàn huyện là 162.000 m3 , khai thác nhựa thông trung bình trên 40 tấn/năm. Đặc biệt đã đưa năng suất rừng trồng đạt 100 m3 /ha/chu kỳ (5 - 6 năm). Giá trị một héc ta rừng thâm canh bình quân đạt 60 - 70 triệu đồng, tăng bình quân 6-8 triệu đồng/ha /năm. Giải quyết việc làm ổn định cho trên 2.000 lao động; thu nhập bình quân của lao động lâm nghiệp đạt trên 5 triệu đồng/ tháng. Tạo ra giá trị ngành lâm nghiệp đạt 112 tỉ đồng/năm.
Từng bước đưa chế biến gỗ trở thành ngành công nghiệp chủ lực
Nếu sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trên địa bàn huyện là 162.000 m3 mỗi năm thì gần 120.000 m3 gỗ rừng trồng được các doanh nghiệp trên địa bàn liên kết thu mua, đạt 70% sản lượng khai thác hằng năm.
Theo đánh giá, sản lượng gỗ khai thác hằng năm đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu của các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn huyện, tạo động lực thúc đẩy công tác phát triển trồng rừng, đưa lâm nghiệp từng bước đi vào sản xuất theo hướng chuỗi giá trị từ sản xuất, khai thác, chế biến và thương mại lâm sản theo định hướng phát triển bền vững trong sản xuất, kinh doanh rừng trồng.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến gỗ của huyện đang phát triển, trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ gỗ rừng trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho chủ rừng và người sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn. Hiện toàn huyện có 12 nhà máy chế biến gỗ và 21 cơ sở kinh doanh chế biến nhỏ làm theo mùa vụ.
Theo Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn, huyện đang tăng cường công tác quản lý, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên rừng; phát triển ngành lâm nghiệp thành ngành sản xuất chủ lực, đóng góp quan trọng vào giảm nghèo bền vững và làm giàu cho người dân sản xuất lâm nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp thông qua tăng năng suất và giá trị rừng trồng theo hướng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thâm canh rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong canh tác, thiết lập chuỗi liên kết giữa trồng rừng, chế biến lâm sản và tiêu thụ sản phẩm; quản lý, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên rừng nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế và phát huy tốt chức năng bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học của rừng.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2025 được xác định đến năm 2025, giá trị sản xuất lâm nghiệp của huyện đạt 200 tỉ đồng; năng suất gỗ rừng trồng đạt 25 m3 /ha/năm; sản lượng khai thác gỗ đạt 250.000 m3 / năm tương đương 200.000 tấn; sản xuất cây giống lâm nghiệp đạt 4 triệu cây/năm; diện tích trồng rừng gỗ lớn, rừng được cấp chứng chỉ FSC đạt 2.000 ha; duy trì độ che phủ rừng 51%. “Trong công tác chỉ đạo, điều hành, huyện tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 25/7/2017 của HĐND huyện Cam Lộ về “Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025”.
Triển khai xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động 175-CTHĐ-TU ngày 20/7/2020 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 4650/KH-UBND ngày 12/10/2020 của UBND tỉnh Quảng Trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021 - 2025”, ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm.