Cẩm nang du lịch có hình lưỡi bò: Saigontourist bị Cty Trung Thế 'troll' hay nhận thức yếu kém?
Dù Saigontourist bị Công ty Trung Thế 'troll' hay nhận thức yếu kém thì hành vi phát cẩm nang du lịch có hình lưỡi bò cho khách là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.
Vụ việc Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cung cấp cho du khách cuốn cẩm nang ảnh giới thiệu về các điểm du lịch tại Phượng Hoàng cổ trấn và Trương Gia Giới (Trung Quốc) có hình ảnh bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” đang khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Tại buổi làm việc với đoàn thanh tra Sở Du lịch TPHCM, công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đã có những thông tin chính thức về 15 ấn phẩm có in hình ‘đường lưỡi bò” liên quan vụ việc trên.
Theo đại diện Saigontourist, cuốn ấn phẩm giới thiệu về các điểm du lịch tại Phượng Hoàng cổ trấn và Trương Gia Giới được đối tác là công ty Trung Thế gửi lại cho nhân viên công ty sau cuộc họp trao đổi thông tin sản phẩm du lịch vào ngày 30/9/2019. Công ty Trung Thế có văn phòng đại diện tại Trương Gia Giới cũng là đơn vị cung cấp sản phẩm tour du lịch Trương Gia Giới – Phượng hoàng cổ trấn cho các công ty du lịch Việt Nam.
Saigontourist đã phối hợp với đoàn thanh tra, thu hồi toàn bộ số ấn phẩm để nộp lại cho đoàn thanh tra, đã thu hồi toàn bộ 15/15 ấn phẩm. Đồng thời, ra quyết định xử phạt nghiêm khắc với cá nhân, phòng ban nhận ấn phẩm do đối tác đưa mà không qua khâu kiểm duyệt theo quy định của công ty. Chấm dứt ngay lập tức quan hệ với đối tác là công ty Trung Thế. Bên cạnh đó, công ty cũng xin nhận trách nhiệm trong việc để lọt ấn phẩm có nội dung không đúng, sơ sót trong việc kiểm tra nội dung. Công ty xin nhận lỗi và cho rằng đây cũng là kinh nghiệm sâu sắc.
Dư luận đặt câu hỏi liên quan đến sự việc trên, Saigontourist bị Cty Trung Thế "troll" hay nhận thức yếu kém và sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là hành vi không thể chấp nhận được trong lĩnh vực du lịch.
“Đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc bị nhiều quốc gia trên thế giới phản đối chứ không riêng gì Việt Nam. Nhà nước Việt Nam không thừa nhận việc tuyên bố chủ quyền biển đảo đơn phương từ phía Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và công ước luật biển năm 1982. Việc tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò đã xâm phạm nghiêm trọng đến Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, ảnh hưởng đến các lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Bởi vậy, mọi hành vi tuyên truyền, cổ xúy cho đường lưỡi bò phi pháp này đều là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Do vậy, Luật sư Cường cho rằng, dù lý do là gì thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào lỗi vô ý hay cố ý mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong vụ việc này cơ quan chức năng cần làm rõ yếu tố lỗi là vô ý hay cố ý làm cơ sở xác định trách nhiệm pháp lý. Nếu là lỗi cố ý tuyên truyền đường lưỡi bò phi pháp trên lãnh thổ Việt Nam thì cần phải xử lý hình sự về các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Trong trường hợp, hành vi chỉ là lỗi vô ý, không có mục đích tuyên truyền nhằm chống phá nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì sẽ không xử lý hình sự, hành vi này chỉ vi phạm quy định về lĩnh vực du lịch thì cũng cần phải xử phạt hành chính theo Điều 7, Nghị định 45/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch với mức phạt có thể lên đến 50.000.000 đồng.
Theo đó, thạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Sử dụng hướng dẫn viên du lịch có hành vi cung cấp, giới thiệu cho khách du lịch các nội dung thông tin mang tính chất xuyên tạc lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia....”
Ngoài ra, cơ sở này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 11 Điều này; Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12 tháng đến 18 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 12, khoản 13 Điều này; Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 18 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm c khoản 14 Điều này; Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 9 Điều này; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 14 Điều này.
Đồng thời, có thể bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 8, điểm b khoản 12, điểm a và điểm b khoản 13, khoản 14 Điều này; Buộc thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 7 Điều này.
Như vậy, với hành vi cung cấp, giới thiệu cho khách du lịch các nội dung thông tin mang tính chất xuyên tạc lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia thì sẽ bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại khoản 8, điều 9, Nghị định số 45/2019/NĐ-CP. Còn trường hợp sử dụng hướng dẫn viên du lịch cung cấp, giới thiệu cho khách du lịch các nội dung thông tin mang tính chất xuyên tạc lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia thì mức phạt cao hơn có thể từ 40.000.000 đến 50.000.000 đồng theo quy định tại khoản 9, điều 7 của Nghị định 45/2019/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch nêu trên.