Cẩm nang giúp đồng hành với người bị trầm cảm

Ngày 24/5, tại Hà Nội diễn ra giao lưu và ra mắt sách 'Hãy nói rằng con cần mẹ'. Cuốn sách được ví như cẩm nang để đồng hành với người bị trầm cảm.

PGS.TS. Nguyễn Phương Hoa chia sẻ tại buổi tọa đàm, ra mắt sách “Hãy nói rằng con cần mẹ”.

PGS.TS. Nguyễn Phương Hoa chia sẻ tại buổi tọa đàm, ra mắt sách “Hãy nói rằng con cần mẹ”.

Tác giả “Hãy nói rằng con cần mẹ” là PGS.TS. Nguyễn Phương Hoa, chuyên gia tâm lý học được đào tạo tại Nga và Pháp, đồng thời là một người mẹ nhiều năm đồng hành với con bị trầm cảm.

Trong những năm gần đây, trầm cảm ở trẻ vị thành niên, thanh niên trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, khiến nhiều gia đình rơi vào hoang mang, bất lực.

PGS.TS. Nguyễn Phương Hoa chia sẻ con số: Trung bình, cứ 20 người thì có 1 người bị bệnh trầm cảm (5% dân số thế giới, theo WHO). Hiện có 300 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm và con số ấy không ngừng tăng lên sau Covid 19. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ người được chẩn đoán trầm cảm dao động từ 3,1 - 6% dân số tùy theo vùng.

Những ngộ nhận về bệnh trầm cảm đã hạn chế sự tiếp cận đầy đủ và đúng đắn về kiến thức của căn bệnh này, đồng thời giới hạn khả năng tiếp cận của người bệnh với hệ thống trợ giúp y tế. Kéo theo đó, người thân của người bị bệnh trầm cảm cũng không được trang bị kiến thức, sự chuẩn bị đầy đủ về tinh thần để có thể đồng hành hiệu quả với người bệnh.

Điều này dẫn đến nhiều hệ quả đáng tiếc. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do trầm cảm là 40.000 người/ năm (cao gấp 4 lần so với tai nạn giao thông) - theo một nghiên cứu của Bệnh viện Bạch Mai công bố năm 2017.

Chia sẻ về “Hãy nói rằng con cần mẹ”, PGS.TS. Nguyễn Phương Hoa cho biết, cuốn sách gồm 3 phần. Phần I đề cập một số tình huống thực tiễn trong hành trình đồng hành cùng các bạn bị trầm cảm, giúp người đọc có cái nhìn chung về những khó khăn mà căn bệnh này gây ra.

Phần II, tập trung vào thách thức cụ thể: Các triệu chứng, biểu hiện, tình huống thường gặp khi sống cùng người trầm cảm (tâm trạng thất thường, giấc ngủ rối loạn, hành vi tự làm đau bản thân…). Từ đó, giúp người đọc học cách hiểu và chấp nhận hoàn cảnh như một phần của cuộc sống, thay vì tức giận hay tuyệt vọng.

Phần III khám phá phương pháp và hy vọng để kiên trì, can đảm đồng hành cùng người bị trầm cảm: Từ các liệu pháp điều trị, thay đổi lối sống, cho đến sức mạnh của kết nối gia đình, bạn bè, niềm tin, nghệ thuật, thú cưng… giúp gia đình chiến đấu với trầm cảm.

Cuốn sách cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của gia đình, không chỉ ở sự đồng hành, mà còn ở việc chăm sóc tốt chính những thành viên khác, kiên trì trong yêu thương và dũng cảm trao lại quyền quyết định cho người đang đau khổ.

“Trầm cảm, hơn cả một bệnh lý, là một cuộc chiến thầm lặng mà người trong cuộc rất cần có người trợ giúp đồng hành; không phán xét, không áp đặt, chỉ đơn giản là nắm tay họ và cùng bước tiếp”, PGS.TS. Nguyễn Phương Hoa chia sẻ.

Cuốn sách cũng là một tài liệu tham khảo khoa học quý với 500 nguồn trích dẫn từ các nghiên cứu khoa học quốc tế và cập nhật nghiên cứu mới nhất.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cam-nang-giup-dong-hanh-voi-nguoi-bi-tram-cam-post732553.html