Cấm nhà trọ kết hợp kinh doanh được không?

Sau vụ cháy nhà trọ khiến 14 người tử vong ở Hà Nội, nhiều ý kiến đề xuất cần có giải pháp kịp thời để ngăn những vụ việc đau lòng tương tự có thể xảy ra.

Đặc biệt, có ý kiến đề xuất cấm nhà thuê trọ kết hợp với kinh doanh. Xung quanh vấn đề này, Báo Giao thông trao đổi với ông Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Ông Lê Thanh Vân.

Đánh giá kỹ để có giải pháp ngăn chặn

Không chỉ dư luận mà ngay trên diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu đề xuất cấm nhà trọ kết hợp kinh doanh. Quan điểm của ông thế nào?

Thực tiễn các vụ cháy nổ gần đây cho thấy rằng, việc kết hợp cho thuê nhà ở với sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề hay loại công việc có nguy cơ cháy nổ cao cần được xem xét để hạn chế hoặc nghiêm cấm.

Chẳng hạn với trường hợp các tầng trên cho thuê, tầng dưới lại sản xuất các sản phẩm có nguy cơ cháy nổ như pin sạc, ắc quy; hay khi kinh doanh nhà hàng ăn uống phải dùng bếp gas để nấu thức ăn, cần phải đánh giá kỹ tác động để có biện pháp ngăn chặn, hạn chế.

Tại kỳ họp đang diễn ra, Quốc hội sẽ thảo luận Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Để cấm những hành vi như ông vừa đề cập, có cần bổ sung thêm quy định nào hay không?

Trong ngắn hạn, đây là những giải pháp trong quản lý, điều hành. Nhưng về lâu dài, cần phải tổng kết đánh giá sâu sắc thực trạng thi hành các luật liên quan đến nhà ở, phòng cháy. Từ đó sửa đổi, bổ sung những nội dung phù hợp với đòi hỏi mà thực tiễn đang đặt ra.

Kiểm tra, rà soát cần thực chất hơn

Sau khi xảy ra vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân, Thành ủy Hà Nội đã có chỉ thị, đưa ra nhiều giải pháp, cá thể hóa trách nhiệm với người đứng đầu cấp ủy. Nhưng rồi cháy vẫn cứ xảy ra. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Tôi cho rằng, chỉ thị của Thành ủy Hà Nội là đúng đắn, kịp thời. Khung pháp luật đã rõ, vấn đề là xác định lỗi và chủ thể là ai trong vụ cháy nhà trọ Trung Kính lần này.

Ngôi nhà xảy ra cháy là nhà ở gia đình, cho thuê để ở và sửa chữa xe điện, cách mặt phố Trung Kính khoảng 200m, được xây dựng trên diện tích khoảng 150m2. Ảnh: P.V.

Quan sát tình hình dễ dàng thấy ba chủ thể có thể vi phạm. Trước hết là chủ nhà trọ, nếu họ biết quy chuẩn, tiêu chuẩn không đủ để vừa cho thuê nhà ở vừa kinh doanh, nguy cơ cháy nổ cao nhưng vẫn cố tình cho thuê.

Thứ hai là chính quyền sở tại, kể cả họ đã phát hiện/chưa phát hiện vi phạm của nhà trọ. Nếu chưa phát hiện thì cho thấy họ chưa sâu sát, để người dân cho thuê khi không đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy, nguy cơ mất an toàn cao.

Nếu chính quyền đã kiểm tra, cảnh báo, ngăn cấm nhưng người dân vẫn tiếp tục thực hiện, đó vẫn là lỗi của chính quyền vì lơ là giám sát. Cấm là một chuyện, chính quyền địa phương còn cần phải nắm địa bàn, kiểm tra thường xuyên xem người dân có tuân thủ hay không. Đồng thời, cũng cần đánh giá xem lỗi là cố ý hay vô tình.

Thứ ba có thể là lỗi chủ quan của chính người thuê trọ khi sử dụng các vật liệu dễ cháy, sử dụng ổ cắm không đạt chuẩn, sơ hở để gây ra cháy nổ.

Trong từng trường hợp cần xác định các chủ thể liên quan để xử lý.

Sau mỗi vụ cháy, chính quyền lại tiến hành rà soát và lần này cũng vậy. Theo ông, vậy việc rà soát phải thế nào mới đảm bảo hiệu quả?

Sau vụ cháy ngày 24/5 tại Cầu Giấy, tôi cho rằng, cần phải thường xuyên rà soát các căn nhà cho thuê. Việc kiểm tra cần phải thực chất hơn. Tổng rà soát rồi phải có giải pháp cụ thể và triển khai quyết liệt, giám sát liên tục mới không xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vừa rồi.

Nếu nhà cho thuê không đáp ứng đủ tiêu chí, phải kiên quyết ngăn chặn hoặc không cho tồn tại. Trường hợp đã lập danh sách không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn tiếp tục hoạt động, phải xem xét rõ trách nhiệm ai là người vi phạm để xử nghiêm.

Người lao động khi đến sinh sống, làm việc ở Hà Nội đều muốn thuê nhà để có nơi trú ngụ, còn người có nhà cho thuê cũng là việc bình thường. Vậy phải làm thế nào để hạn chế được nguy cơ cháy nổ, thưa ông?

Với thực trạng đất chật người đông, nhiều ngõ hẻm sâu như ở Hà Nội mà áp đặt cứng nhắc, ngay lập tức quy định mới hoàn toàn về tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy thì số lượng nhà không đáp ứng tiêu chuẩn rất nhiều.

Do đó sẽ khó cho cả người dân và chính quyền. Chúng ta phải nhìn thấy thực trạng, phân loại đối tượng và cho người dân thời gian khắc phục, thích nghi với quy định mới.

Phân loại để xử lý

Vậy theo ông, trước mắt cần có giải pháp gì để vừa đảm bảo cuộc sống người dân, vừa giảm nguy cơ cháy nổ nghiêm trọng?

Ngõ vào một dãy nhà trọ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội chật hẹp, nếu không may xảy ra sự cố sẽ rất nguy hiểm.

Ngõ vào một dãy nhà trọ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội chật hẹp, nếu không may xảy ra sự cố sẽ rất nguy hiểm.

Cần phân loại thành 3 nhóm công trình: Một nhóm trước khi có quy định tiêu chuẩn, chuẩn mực về phòng cháy, chữa cháy vừa được ban hành; nhóm hai là đã có giấy phép xây dựng và sắp hoàn thành; loại ba là hoàn toàn nằm trong giới hạn khung thời gian quy định mới.

Sau khi phân loại, cần giao cho chính quyền sở tại, đặc biệt là cơ quan chuyên môn kiểm tra về xây dựng, tiêu chuẩn quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy. Ở nhóm nào thì có quy định ứng xử với nhóm đó cho phù hợp.

Ông có thể nói cụ thể hơn về việc phân loại này?

Với nhóm một, cần giới hạn thời gian để chủ nhà khắc phục sửa chữa, cải tạo cho phù hợp với chuẩn mới. Song song với đó, phải điều chỉnh, cảnh báo người dân thường xuyên.

Chẳng hạn với căn nhà 100m2 xây 5 tầng, chia làm 10 phòng cho thuê trong ngõ sâu chỉ có 2 xe máy tránh nhau, không đủ điều kiện phòng chống cháy nổ thì phải hạn chế số người cho thuê để giảm mật độ, dễ dàng xử lý khi có trường hợp khẩn cấp.

Đồng thời phải có các biện pháp bổ sung như lối thoát hiểm, thang dây qua ô cửa sổ, bắt buộc mỗi phòng trọ phải có cửa sổ thoát hiểm. Tuy nhiên, cần cho chủ nhà có thời gian để điều chỉnh, phù hợp với khả năng tài chính.

Với nhóm thứ hai, có thể yêu cầu họ điều chỉnh theo quy định mới và cũng cần cho họ thời gian điều chỉnh cho phù hợp.

Ở nhóm ba thì bắt buộc phải theo quy định mới. Cứ theo khung đó để xác định đối tượng và mức độ vi phạm để xử lý.

Cảm ơn ông!

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương):

Cần phát triển nhà ở xã hội cho thuê

Để ngăn chặn những vụ cháy nổ thương tâm ở nhà trọ, chung cư mini, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến phân khúc nhà ở xã hội cho thuê.

Theo kết quả giám sát và khảo sát hiện nay, dù đã được hưởng rất nhiều ưu đãi nhưng phân khúc nhà ở xã hội giá thành vẫn khá cao so với thu nhập của những người lao động có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở các đô thị lớn.

Qua giám sát, rất nhiều người lao động chia sẻ, với mức lương hiện nay của họ chỉ đủ sống ở các đô thị. Khi không có tích lũy hoặc tích lũy không đáng kể, làm sao có thể bỏ ra từ ít nhất 500 - 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng để mua một căn nhà ở xã hội? Đa phần nguyện vọng của người lao động có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở các đô thị lớn là được thuê một căn nhà ở xã hội.

Chúng ta nên quan tâm nhiều hơn nữa đến phân khúc này để cho người lao động có thu nhập thấp có thể tiếp cận một cách dễ dàng hơn. Khi nhà ở xã hội được hình thành, chắc chắn đáp ứng được rất nhiều các tiêu chí, kể cả về diện tích, về kết cấu và những điều kiện phòng cháy, chữa cháy qua đó mới nâng cao an toàn hơn.

ĐBQH Trần Kim Yến (TP.HCM):

Đảm bảo đủ tiêu chuẩn an toàn mới được cho thuê

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn như Việt Nam, nếu mong muốn ngay có khu vực nhà ở riêng, kinh doanh riêng thì khó khăn. Chúng ta cần chấp nhận hiện tại để có bước đi phù hợp.

Nhưng một khi đã kết hợp giữa ở với kinh doanh cần phải đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn, quy định hiện hành để đảm bảo an toàn cao nhất.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai):

Rà soát quy định phòng cháy với nhà ở

Tại kỳ họp này, chúng ta đang xem xét để sửa Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Khi thẩm tra dự luật này cách đây khoảng vài tuần, cá nhân tôi đã đề cập câu chuyện phải rà soát lại quy định về phòng cháy nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp với kinh doanh. Đặc biệt là nhà ở kết hợp kinh doanh hiện hữu rất rõ, nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất kể khi nào, nhất là nhà cho người lao động, cho học sinh, sinh viên thuê.

P. Đô - T. Trần (ghi)

Chuyên gia Hoàng Tùng (Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển):

Bổ sung quy định để quản chặt

Hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể cấm việc sử dụng một bất động sản vừa để kinh doanh buôn bán vừa cho thuê trọ. Tuy nhiên, việc kết hợp này cần tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Ví dụ, theo Điều 10 và 11 của Luật Nhà ở 2014, chủ sở hữu nhà ở có quyền sử dụng nhà vào mục đích kinh doanh và cho thuê, nhưng cũng phải tuân thủ các nghĩa vụ đi kèm.

Bên cạnh đó, các quy định về xây dựng yêu cầu việc sử dụng nhà phải phù hợp với mục đích xây dựng ban đầu và đảm bảo các điều kiện an toàn. Nếu muốn thay đổi mục đích sử dụng (ví dụ từ nhà ở sang kinh doanh hoặc ngược lại), cần phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, việc đề xuất cấm kinh doanh buôn bán và cho thuê trên cùng một bất động sản cần được xem xét kỹ lưỡng. Việc kết hợp kinh doanh và cho thuê trên cùng một bất động sản vô cùng phổ biến, nên nếu cấm hoàn toàn có thể gặp phải sự phản ứng.

Thay vì cấm hoàn toàn, có thể xem xét điều chỉnh và bổ sung các quy định để quản chặt, nếu đảm bảo mới cho phép kinh doanh. Cần rà soát lại toàn bộ các nhà ở cho thuê trọ kết hợp với kinh doanh, phát hiện nơi có nguy cơ cao cháy nổ, không có lối thoát hiểm phải cưỡng chế, yêu cầu thiết kế, xây dựng thêm các lối thoát hiểm, vật cản.

Xa hơn, Luật Đất đai cần quy định rõ ràng hơn về mục đích sử dụng đất và bổ sung các chi tiết về phân loại và quản lý đất đai đa mục đích, bao gồm các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh môi trường và quy hoạch.

Đức Hùng (ghi)

Trang Trần

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cam-nha-tro-ket-hop-kinh-doanh-duoc-khong-192240530223028002.htm