Cảm nhận bài 'Mùa xuân xanh' của Nguyễn Bính

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thơ tự do là một bài học bắt buộc...

Cánh đồng lúa xuân 2023. Ảnh: Văn Lự

Cánh đồng lúa xuân 2023. Ảnh: Văn Lự

Làm thế nào để trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng căn bản, cần thiết nhất để họ có thể tự chủ, tự do và linh hoạt trình bày hiểu biết về một bài thơ bất kỳ theo năng lực bản thân? Đó vừa là yêu cầu chuyên môn, vừa là trách nhiệm của mỗi thầy cô dạy Ngữ văn.

Đọc và hiểu thơ tự do

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thơ tự do là một bài học bắt buộc. Muốn đọc và hiểu thơ tự do, người đọc cần hiểu đặc điểm thể loại của thơ tự do, nhân vật trữ tình, hình ảnh, ngôn từ và cảm hứng chủ đạo của bài thơ…

Căn cứ ngôn từ và cấu trúc của văn bản thơ để hiểu các lớp ý nghĩa (nghĩa gốc, nghĩa chuyển) của sự vật, sự việc và cảm xúc, tâm trạng, thái độ nhìn nhận và miêu tả của tác giả. Văn bản thơ tự do viết theo mạch cảm xúc, không bị gò bó, quy phạm như thơ lục bát hay thơ Đường luật, thơ thất ngôn...

Người ta đọc và hiểu, và trình bày hiểu biết, nhận xét theo năng lực văn học và năng lực ngôn ngữ của mình. Bài luận về tác phẩm thơ nói chung cần giải mã nội dung (chủ đề, cảm hứng trữ tình…) qua các yếu tố hình thức (nhân vật trữ tình, hình ảnh, ngôn từ và tu từ…). Việc tham khảo, mượn dẫn hoặc suy diễn thoát ly câu chữ văn bản sẽ không còn thích hợp với kiểm tra Ngữ văn viết bài luận khoảng 500 chữ.

Thực hiện Chương trình Ngữ văn 2018 đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó có hiện tượng học sinh đọc không hiểu câu chữ, không nói, không viết được đoạn văn, bài văn; và vẫn còn thầy cô Ngữ văn muốn trò so sánh, mở rộng bình sâu. Cách hiểu thoát ly văn bản, viết dài chưa biết khi nào chấm dứt và thầy trò còn lúng túng trước văn bản mới, hoặc hiểu chưa thấu đáo bài luận mẫu.

Sẽ là sai lầm khi giáo viên muốn học sinh nào cũng cần viết hay, viết sâu về văn bản thơ nào đó. Thầy cô Ngữ văn làm thế nào để trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng căn bản nhất, cần thiết nhất để họ có thể tự chủ, tự do và linh hoạt trình bày hiểu biết về một bài thơ bất kỳ theo năng lực bản thân? Đó vừa là yêu cầu chuyên môn và cũng là trách nhiệm của mỗi thầy cô dạy Ngữ văn hiện nay.

Bài thơ tình mùa Xuân mới lạ

Bài thơ Mùa xuân xanh (trong bộ sách Kết nối tri thức) của Nguyễn Bính viết về đề tài mùa Xuân quen thuộc theo thể thơ tự do đã thâu tóm cả cảnh xuân và tình xuân. Sự quấn quýt của màu xanh của sự vật, sự việc tạo nên một bài thơ tình mùa Xuân mới lạ của thơ Mới.

Mùa xuân là cả một mùa xanh

Giời ở trên cao, lá ở cành

Lúa ở đồng tôi và lúa ở

Đồng nàng và lúa ở đồng anh.

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

Tôi đợi người yêu đến tự tình

Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy

Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.

-1937-

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Khổ thơ đầu ngập trong mùa xanh, giời xanh, lá xanh, đồng xanh. Mắt ngước lên, mắt nhìn ra xa, mãi tít đằng xa cánh đồng và rồi bỗng nhớ “đồng nàng”… Xuân về, chàng trai bước ra khỏi bờ tre, mái giạ để nhìn, để cảm nhận và chờ đợi, hi vọng. Mùa Xuân luôn gắn với màu xanh chồi lá và màu rực rỡ của hoa xuân và lòng người háo hức, tươi vui…

Từng dòng thơ, từng sự vật như tơ vương kết với nhau. Câu thơ “Mùa xuân là cả một mùa xanh” như một thừa nhận. Ba dòng thơ tiếp chứng minh: Giời ở trên cao xanh, lá ở cành xanh, lúa trên đồng tôi, đồng nàng và đồng anh cũng xanh. Một liên tưởng bất ngờ rất ngẫu nhiên giữa cái xanh chung của giời đất, cỏ cây vẫn còn cái xanh riêng của hai người.

Màu xanh từ trên “giời” xuống “đồng”, từ “đồng tôi” đến “đồng nàng” và “đồng anh”. Hiệp vần “anh” của khổ thơ thứ nhất, kết hợp dấu phảy giữa câu 2, và 2 liên từ “và” tạo nên sự gắn kết, liền nhau được liệt kê thường thấy trong thơ. Màu xanh lá cây (Geen) là một trong hai màu phổ biến của cỏ cây Trái đất xanh. Màu xanh tượng trưng cho sự phát triển, niềm tin, hòa thuận và an toàn.

Nhân vật trữ tình lộ diện qua cách xưng hô “tôi” - “nàng” - “anh” là người con trai trẻ đang thầm yêu người con gái đồng quê. Màu xanh của đồng lúa, giời cao và lá ở cành đều căng tràn sức sống cũng như tình yêu của tôi với nàng xanh niềm tin hi vọng và hạnh phúc. Nguyễn Bính luôn biết chắt chiu từ chữ, từng lời mộc mạc mà đằm thắm, chân tình. Một mối tư tình kín đáo của chàng trai thôn quê dần lộ ra.

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

Tôi đợi người yêu đến tự tình

Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy

Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.

Một buổi sáng mùa Xuân trong trẻo, xanh cây, xanh niềm hy vọng, chàng nhìn giời, nhìn cây, nhìn khắp cánh đồng lúa chiêm xuân xanh mơn mởn trong sự đợi chờ. Chàng ngẫm ra “cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh”, đợi mưa xuân, gió ấm để mọc lên thêm lá, sinh sôi phát triển.

Còn tôi, “tôi đợi người yêu đến tự tình”, để nói chuyện lứa đôi, thỏa mong nhớ xa cách. Không còn giấu giếm, chàng trai thừa nhận đang bồn chồn đợi người con gái làng bên. Lời thơ như lời nói hàng ngày, thấy gì thì viết vậy mà tình ý sâu xa và tế nhị, kín đáo. Nỗi nhớ mong cồn cào kiên nhẫn đợi người yêu - giống như cỏ xanh kia nằm đó suốt mùa Đông lạnh giá đợi mưa xuân, nắng xuân. Cả trái tim, ánh mắt chàng hướng về con đường phía lũy tre làng.

Giữa bao người áo váy đủ màu, rực rỡ hội xuân từ xa, người trai cày vẫn nhận thấy “cái thắt lưng xanh” - dấu hiệu của người yêu mà chàng đã khắc sâu trong tim. Người yêu của chàng thắt lưng màu xanh và chàng cũng chỉ chờ mỗi cái thắt lưng xanh ấy, giờ đã xuất hiện, và chuyện không cần kể tiếp mà người đọc vẫn hình dung được sẽ tuyệt thế nào. Màu xanh nhỏ bé kia làm rạo rực con tim người con trai đã khép lại bài thơ về đề tài tình yêu lứa đôi.

Nhà thơ đã dùng ngôn ngữ thơ giản dị, cấu tứ mộc mạc của lối thơ tự do xem trọng cảm xúc, mạch thơ uyển chuyển và cách kết bất ngờ tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn của bài thơ. Câu chuyện của chàng trai đồng quê chỉ kể chuyện trông giời, trông đất, trông cây đã giúp người đọc hiểu được tình yêu rất đằm thắm, thủy chung của hai người.

Thơ Mới (1932 - 1945) đem đến giới trẻ nguồn cảm hứng mới, hấp dẫn và mãnh liệt, gợi cảm và gợi tình khi viết về tình yêu lứa đôi. Cách biểu đạt của thơ Mới phá vỡ sự gò ép, khuôn thước quy phạm của thơ Đường luật cả về hình thức và nội dung cảm hứng.

Chàng thi sĩ Nguyễn Bính gắn bó với làng quê, sử dụng thành công lời ăn tiếng nói của người quê tạo nên phong cách thơ riêng, phong cách thơ chân quê và đậm đà hồn cốt dân tộc. Bài thơ Mùa xuân xanh xứng đáng là một trong những bài thơ viết về mùa Xuân hay nhất của thơ hiện đại nước ta.

Nguyễn Văn Lự

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cam-nhan-bai-mua-xuan-xanh-cua-nguyen-binh-post674855.html