Cảm nhận từ Nhìn qua năm tháng
'Nhìn qua năm tháng', tác phẩm Tản văn- tự sự mới nhất của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành (tháng 2-2021). Sách dày 264 trang, khổ 13X20cm, gồm 20 bài viết, cùng phụ lục và nhiều hình ảnh minh họa đẹp. Lời tựa Trần Nhã Thụy, trình bày La Thanh Hiền.
“Nhìn qua năm tháng”, tác phẩm Tản văn- tự sự mới nhất của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành (tháng 2-2021). Sách dày 264 trang, khổ 13X20cm, gồm 20 bài viết, cùng phụ lục và nhiều hình ảnh minh họa đẹp. Lời tựa Trần Nhã Thụy, trình bày La Thanh Hiền.
Ấm áp mùa xuân là tựa đề mở đầu tập sách, tác giả viết về một tai nạn bất ngờ, giữa sự sống và cái chết gần như chẳng hề có biên giới. Chuyện xảy ra vào một buổi chiều, khi trên đường về nhà, từ việc bị một chiếc Honda 67 từ phía sau phóng vượt qua, móc vào xe, hất ngã xe, rơi xuống đường…, tác giả tự sự: “Chính trong những ngày nằm viện, tôi đã có dịp nghĩ nhiều về những lẽ được thua, thành bại của cuộc đời”, để rồi, lần lượt qua từng trang “Nhìn qua năm tháng” bạn đọc có dịp gặp gỡ những câu chuyện thú vị về chữ nghĩa, về thế thái nhân tình, với bao hương vị của kỷ niệm, của thời gian… Nhà văn Trần Nhã Thụy trong lời giới thiệu tập sách, cho rằng: “Không phải từ trên cao nhìn xuống, với cái nhìn phán xét, mang màu sắc Thượng đế. Cũng không phải nhìn từ dưới nhìn lên, như cái nhìn khẩn cầu, cứu xét của một sinh thể. Mà nhìn qua, tức nhìn ngang, nhìn xuyên qua lớp thời gian, chạm vào quá khứ. Nhưng nhìn qua, cũng có nghĩa là nhìn lại. Bởi tác giả không định vị một chỗ đứng hay mặc định một ngôi vị”.
Với tâm thế một nhà giáo, một nhà thơ, Tần Hoài Dạ Vũ có nhiều trang viết từ những hoài niệm về mái trường, về thời đi học và đi dạy. Chẳng hạn ở bài “Nhớ những năm tháng quốc học”, tác giả nhắc lại quảng thời gian học ở bậc Trung học Đệ nhị cấp ở trường Quốc học đã nỗ lực hết mình để không chỉ học giỏi, thi đỗ, mà còn để kiếm miếng cơm sinh sống và tự lập thân, mà bây giờ nhớ lại, nhiều khi ông băn khoăn tự hỏi, làm sao ông có thể vượt qua được những năm tháng ấy; làm sao có thể đi qua cuộc chiến tranh với bao tai ương chồng chất; làm sao có thể vẫn giữ được tấm lòng đôn hậu trước những đảo điên của cuộc thế?... ; hoặc ở bài “Dạy văn, một nghệ thuật sống của tâm hồn”, tác giả cho biết, tuy chỉ đứng trên bục giảng có 9 năm, nhưng ông kịp rút ra được cho mình một bài học quan trọng là, làm một nhà giáo, nhất là thầy giáo dạy Văn, điều quan trọng nhất là dạy cho học sinh lòng nhân ái.
Ông viết: “Những cảm xúc và kiến văn tôi tiếp thu được từ những tác phẩm văn học đã dạy tôi rằng, những ngã đường tình cảm không bao giờ là con đường thẳng, mà nhiều khi, rất nhiều khi, lại là những con đường vòng; nhưng chính con đường vòng này lại đúng là con đường ngắn nhất để ta đến với mọi trái tim ta trước khi đến được với mọi trái tim mọi người”. Ở bài “Nhớ Quảng Điền” có đoạn: “ Tôi nhớ ngôi trường Quảng Điền và nhớ những con sóng nhỏ mà vào buổi trưa tôi hay ra đứng bên bờ phá Tam Giang một mình chiêm nghiệm về phận mình và lẻ loi. Hơn 40 năm sau, bây giờ đây, tưởng như những con sóng ấy còn vỗ mãi, còn mãi xao động lòng tôi”.
Tuy nhiên, chủ đề tập trung nhiều nhất trong tác phẩm “Nhìn qua năm tháng”, đó là tình cảm gia đình, cha mẹ, anh em; hoàn niệm tình yêu quê hương xứ Quảng. Viết về người cha: “Cho đến ngày cuối cùng, trước khi ra đi, ba tôi còn cầm tay tôi dặn dò, giúp được cái gì cho người đời thì phải cố gắng nghe con! Thú thật, tôi chẳng bao giờ học hết được tấm lòng bao dung, rộng rãi và sẵn sàng giúp đời của ba tôi!” (Cuối năm thương nhớ). Về người mẹ: “Tôi chẳng bao giờ dám đặt mẹ tôi ngang hàng với những bậc hiền phụ của các chí sĩ, danh nhân đất Quảng quê tôi, như các bà Võ Thị Quyên (vợ của cụ Trần Cao Vân), bà Lê Thị Tỵ (vợ của cụ Phan Châu Trinh) hay bà Nguyễn Thị Sắt (vợ của cụ Huỳnh Thúc Kháng)…
Nhưng tôi vẫn thường nghĩ, giữa những bà mẹ xứ Quảng, dù là vợ một bậc chí sĩ, khoa bảng trí thức hay vợ một người nông dân nghèo không biết chữ, không tên tuổi, thì vẫn có một mẫu số chung: Đó là tấm lòng hy sinh cho con; lặng lẽ làm một người vợ, một người mẹ, để nâng bước cho chồng cho con trên mọi nẻo đường đời…” (Mẹ quê). Về quê nhà: “Khi lưu lạc, xa quê, bao giờ tôi cũng nhớ về những làng quê thân yêu, với tất cả lòng biết ơn sâu nặng. Vì chính những cánh đồng dâu xanh ngát ở quê nội Giao Thủy, và những ruộng mía xanh biếc ở quê ngoại Phong Thử; kể cả những bến sông trong lành, cát mịn, nước xanh trong kia, đã làm nên tâm hồn tôi, đời thơ tôi. Có lẽ đến lúc thanh thản ra đi khỏi cuộc đời này, tôi vẫn sẽ luôn luôn giữ nguyên cái hương vị đậm đà tình nghĩa của chốn làng quê, và cùng với tiếng trống đình làng vào những ngày hội, Tết, mãi mãi sẽ là hồn thiêng Đất Mẹ, giúp tôi luôn biết giữ mình và cố gắng hiến dâng cái phần đẹp nhất của tâm hồn cho quê hương”.
Đáng chú ý, cuối tập sách là phần phụ lục có tên “Nguồn gốc tộc Nguyễn Văn Giao Thủy”, tác giả đã kỳ công đưa ra nhiều tư liệu nói rõ về nguồn gốc tộc Nguyễn Văn Giao Thủy (xa Đại Hòa, H. Đại Lộc, Quảng Nam) của mình. Tần Hoài Dạ Vũ tâm nguyện: “Dù bây giờ hay đến mai sau, dù đang sống trên mảnh đất dựng nghiệp của Tiền hiền hay phải lập nghiệp phương xa; dù sống trong bất cứ cảnh ngộ nào cũng sẽ mãi mãi nhớ đến quê hương, dòng tộc, không bao giờ dám quên công ơn cao dày của Tiên Tổ, không bao giờ làm điều gì để tổn thương đến thanh danh của dòng tộc. Được như vậy, tức là phần nào đã bày tỏ lòng biết ơn, là cách báo hiếu tưởng không có gì bằng. Mong thay!”.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_241178_cam-nhan-tu-nhin-qua-nam-thang.aspx