Cấm ô tô trên 29 chỗ vào trung tâm Nha Trang
Doanh nghiệp du lịch phải thay đổi việc chở du khách đến tận cửa khách sạn ở Nha Trang bằng ô tô trên 29 chỗ ngồi như trước đây, theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Tại buổi đối thoại với doanh nghiệp lần thứ 2 năm 2024, sáng 17/12, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân thẳng thắn cho biết, doanh nghiệp du lịch, lữ hành cần thay đổi cách thức hoạt động ngay từ bây giờ, bởi "không có ai chở khách du lịch bằng ô tô trên 29 chỗ đến tận cửa khách sạn".
“Đường Trần Phú nhỏ như vậy mà trùng trùng, điệp điệp xe. Trong khi đó, các doanh nghiệp du lịch và lữ hành đã đóng góp gì để cải thiện môi trường xanh, sạch, đẹp cho thành phố Nha Trang?”, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đặt câu hỏi.
Đầu tháng 12, UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất chủ trương cấm ô tô trên 29 chỗ, kể cả xe du lịch có phù hiệu, vào trung tâm Nha Trang trong giờ cao điểm (6h30-7h30 và 16h30-18h30). Phạm vi cấm từ đông đường Lê Hồng Phong đến Trần Phú, nam sông Cái đến bắc cầu Bình Tân.
Đây là biện pháp được tỉnh Khánh Hòa đưa ra nhằm giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn và hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống người dân tại Nha Trang. Sau khi khảo sát, cho thấy ô tô trên 29 chỗ, bao gồm xe gắn phù hiệu "xe du lịch", thường xuyên lưu thông vào giờ cao điểm, gây ùn tắc tại các tuyến đường trung tâm, đặc biệt ở khu vực nhiều nhà hàng, khách sạn, công sở, trường học,... khiến người dân và du khách bức xúc.
Theo thống kê, Sở GTVT Khánh Hòa đã cấp phù hiệu "xe du lịch" cho 450 ô tô trên 29 chỗ ngồi và tiếp tục xử lý hồ sơ cho các phương tiện đủ điều kiện. Chưa kể, còn có phương tiện mang phù hiệu từ tỉnh, thành khác hoạt động tại Nha Trang.
Tuy nhiên, tại buổi đối thoại, ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Nha Trang-Khánh Hòa nhận định, tình trạng ùn tắc giao thông ở Nha Trang gần đây chỉ xảy ra "cục bộ" trên một số tuyến đường trong thời gian diễn ra sự kiện, lễ hội. Ông cũng kiến nghị chính quyền Nha Trang nên điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý hơn thay vì cấm, đặc biệt tại giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Tô Hiến Thành và tuyến đường Trần Phú.
Theo ông Phạm Minh Nhựt, taxi công nghệ và xe điện đậu tràn lan khiến xe 29 chỗ khi đến khách sạn đón trả khách phải dừng ở lòng đường, gây ùn tắc. Và đề xuất chỉ cấm tại một số tuyến đường, vì nếu cấm toàn bộ Nha Trang sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển du lịch địa phương.
Ông Phạm Minh Nhựt nêu dẫn chứng, khách tàu hỏa thường xuống rạng sáng để vào Nha Trang nghỉ dưỡng. Tương tự, tàu biển đến lúc 6h sáng và rời đi lúc 16h. Việc cấm xe như chủ trương của tỉnh sẽ gây khó khăn trong việc đón trả khách, ảnh hưởng đến doanh nghiệp du lịch.
Trả lời kiến nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân đề nghị các doanh nghiệp du lịch thay đổi cách chở khách bằng xe lớn đến tận cửa khách sạn. Doanh nghiệp cần tìm phương án trung chuyển khách phù hợp hơn vào trung tâm, khách sạn, điểm du lịch.
Ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định, Khánh Hòa sẵn sàng đồng hành, chia sẻ với các doanh nghiệp du lịch để xây dựng Nha Trang thành điểm đến văn minh, thân thiện, sạch đẹp. Ông nhấn mạnh doanh nghiệp cần đóng góp cho cộng đồng và mong muốn hợp tác trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", đồng thời gợi mở khả năng đường Trần Phú có thể trở thành phố đi bộ dọc bờ biển Nha Trang trong tương lai./.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cam-o-to-tren-29-cho-vao-trung-tam-nha-trang-20241217144006873.htm