Cảm ơn 'anh Tý' y sinh học

Năm mới Canh Tý 2020 là năm con chuột sắp đến, nói chuyện về loài chuột một chút. Trong nghiên cứu y sinh học, chuột thường được sử dụng với vai trò là cộng tác viên để cho ra kết quả những sản phẩm nghiên cứu y sinh học rất có giá trị nhằm phục vụ nhiều lợi ích của con người, trong đó có công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Mang tiếng xấu nhưng hữu ích trong nghiên cứu

Chuột là động vật gắn liền với sinh hoạt của con người khá lâu và chúng có khả năng thích nghi rất tốt với các quần thể định cư đa dạng của con người. Tuy vậy, do đặc tính sinh thái và tác hại của chúng đối với con người nên chúng ta đã tìm mọi cách để tiêu diệt chúng. Trong dân gian nước ta, chuột được xem là một hình tượng của những điềm không tốt, mang tính xấu nhiều hơn là sự gắn bó thân thiện và hữu ích với con người. Ở phương

Tuy nhiên, hệ thống sinh học trong cơ thể chuột như các cơ quan, bộ máy cũng hoạt động rất giống người nên được xem là loại động vật quan trọng cho các công trình nghiên cứu y sinh học, nhất là loài chuột bạch.

Chuột bạch thuộc loài chuột nhắt Mus musculus; chúng có bộ lông màu trắng, được sử dụng khá phổ biến trong các thí nghiệm khoa học về lĩnh vực y học, sinh học, tâm lý học hoặc các lĩnh vực khác... Các nhà khoa học thường dùng loại chuột bạch để thực hiện các thí nghiệm nghiên cứu vì chúng có tính hiền lành, kích thước nhỏ và vô hại, được nuôi không cần nhiều không gian sống và tốc độ sinh sản nhanh, nhân đàn lên một cách dễ dàng, có vòng đời ngắn chỉ trong một vài năm và đặc biệt có hệ gien tương đồng gần giống với gien của con người gần đến 90%.

Mặt khác, các gien của chuột bạch được giải mã để làm giàu thêm ngân hàng gien nhưng với mục đích chính là phục vụ cho con người. Ngoài ra, chuột bạch cũng còn được dùng để thử nghiệm tác dụng bảo vệ và tác dụng phụ của các loại vắcxin phòng bệnh; thử nghiệm tác dụng ảnh hưởng của thuốc chữa bệnh, các tia xạ, các loại thức ăn...

Tây cũng vậy, chuột tiếng Anh là “mouse” mang một ý nghĩa xấu vì nó bắt nguồn từ gốc chữ Latin là “mus”, tiếng Hy Lạp là “mys” và tiếng Phạn cổ là “mush”... đều có nghĩa là “ăn cắp”. Từ đó chuột được xem là kẻ cắp, ăp cắp nguồn thực phẩm của con người khi nền nông nghiệp ra đời. Tuy vậy, từ quan niệm là một kẻ cắp xấu xa nhưng thực tế chuột đã góp phần giúp ích, hỗ trợ cho con người rất nhiều trong khoa học với vai trò cộng tác viên thuộc lĩnh vực nghiên cứu y sinh học...

Động vật thí nghiệm và sự lựa chọn

Việc sử dụng các loài động vật trong nghiên cứu y sinh học đã có từ lâu.Lúc đầu các nhà khoa học sử dụng một số động vật như lợn, khỉ không đuôi, chó... để thực hiện việc nghiên cứu sinh lý học áp dụng cho con người. Sau đó, với sự phát triển của khoa học, việc sử dụng động vật trong nghiên cứu y học đã đóng góp cho con người một số vấn đề quan trọng về mặt giải phẫu học, sinh lý học, bệnh lý học cho đến mô hình thử nghiệm và di truyền học. Ước tính mỗi năm khoảng 17 triệu - 23 triệu động vật được sử dụng cho công tác nghiên cứu khoa học, trong đó chuột là loài được sử dụng nhiều nhất chiếm tới 95% các nghiên cứu trên mô hình động vật.

Chuột là động vật ưu tiên hàng đầu trong những nghiên cứu y sinh học.Gần đây các nhà khoa học đã nâng cấp mô hình nghiên cứu trên chuột lên một bước tiến mới là có thể làm thay đổi cấu trúc gien trong chuột để gây ra các bệnh lý giống như bệnh lý ở người.

Từ khi có công nghệ cao chuyển và tách gien ra đời, chuột càng chứng tỏ vai trò của mình được con người lựa chọn trong nghiên cứu khoa học; ngày nay việc sử dụng chuột đã được thay đổi gien trong phòng thí nghiệm y sinh học trở thành phổ biến. Các nhà khoa học đã sử dụng loại công nghệ mới này để nghiên cứu các bệnh lý trên người như bệnh Parkinson, ung thư, xơ nang, bệnh tim, mất trí nhớ, teo cơ giả phì đại và bệnh lý cột sống... Vì vậy, cần phải vinh danh loài chuột.Để có được kết quả các công trình nghiên cứu có giá trị về mặt y sinh học như hiện nay, không biết bao nhiêu con chuột đã hy sinh.

Chuột có hệ gien gần giống với gien của con người đến 90%

Thực tiễn từ một công việc thí nghiệm

Tôi nhớ lại một câu chuyện khi đang còn học năm thứ ba y khoa với môn học dược lý theo giáo trình đào tạo bác sĩ đa khoa. Sau khi học xong phần lý thuyết, chúng tôi được vào phòng thí nghiệm để thực hiện công việc. Lần đầu tiên tiếp xúc với mấy con chuột bạch để làm thí nghiệm về ảnh hưởng của thuốc gây mê đối với cơ thể khi phẫu thuật ngoại khoa nên rất thú vị. Theo bài học, trước khi phẫu thuật, để thực hiện phương pháp gây mê bảo đảm an toàn, người bệnh cần được chuẩn bị về mặt tinh thần, tâm lý vào ngày và đêm hôm trước để yên tâm bằng giấc ngủ an lành. Sáng hôm sau trước khi vào phòng phẫu thuật, bệnh nhân phải được can thiệp tiền mê bằng thuốc hỗ trợ để không quá bị lo lắng và sợ hãi; nếu thực hiện đầy đủ vấn đề này, khi gây mê trước phẫu thuật sẽ bảo đảm sự an toàn, tránh phản ứng của cơ thể đối với thuốc gây mê nếu người bệnh ở trong trạng thái lo lắng hay sợ hãi.

Trên bàn thí nghiệm, có 2 lô chuột bạch được đặt vào 2 lồng thủy tinh, chúng tôi đưa từng con chuột ra ngoài đánh số để cân và tính cân nặng nhằm lấy cơ sở tính lượng thuốc gây mê phù hợp tiêm cho từng con.Bỏ lại chuột vào 2 lồng thủy tinh và bắt đầu tiến hành thử nghiệm. Lồng thứ nhất kích thích chuột bằng cách gõ quanh bên ngoài lồng kính làm cho chuột bị hoảng loạn, sợ hãi chạy nhảy lung tung. Lồng thứ hai cho chuột nghỉ ngơi, thư giãn, tránh tiếng động và ánh sáng kích thích. Sau đó, dùng thuốc mê với liều lượng được tính theo cân nặng của từng con chuột theo lô thí nghiệm ở 2 lồng thủy tinh để tiêm cho chuột với mục đích gây mê làm cho chuột ngủ sâu và theo dõi diễn biến tình hình thời gian sau đó.

Kết quả ghi nhận những con chuột trong lồng thủy tinh bị kích thích hoảng loạn, sợ hãi không hồi tỉnh lại được và chết luôn. Trái lại những con chuột trong lồng thủy tinh được yên nghỉ, thư giãn đã hồi tỉnh trở lại bình thường sau khi hết tác dụng của thuốc gây mê. Điều này cho thấy trước khi thực hiện việc gây mê bằng thuốc, nếu để chuột ở trong trạng thái bị kích động sẽ dẫn đến nguy cơ tai biến tử vong do ảnh hưởng của thuốc gây mê đối với trạng thái bất an này; nếu để chuột ở trong trạng thái nghỉ ngơi, thư giãn, sau khi hết tác dụng của thuốc gây mê sẽ được hồi tỉnh lại, không có một phản ứng nguy cơ nào.

Một thí nghiệm thật là đơn giản trên chuột bạch nhưng đã giúp sinh viên y khoa thấy rõ được vấn đề từ thực nghiệm nghiên cứu để lưu ý và cảnh báo trong thực hành y khoa khi tiến hành các thủ thuật hay phẫu thuật có liên quan đến việc phải sử dụng thuốc gây mê.

Tri ân chuột thí nghiệm

Hiện nay hàng năm các trường Đại học Y Dược đều tổ chức lễ Macchabeé một cách trang trọng để thành kính tri ân những con người đã hiến thân xác của mình phục vụ cho công tác y học. Năm mới này là năm con chuột Canh Tý 2020, bài viết này như bài một lời tri ân hay vinh danh loài chuột đã góp phần mình vào các công trình nghiên cứu khoa học với vai trò cộng tác viên được khẳng định và không ai phủ nhận. Mặc dù mang tiếng xấu là kẻ cắp lương thực nhưng trên thực tế đã có biết bao nhiêu con chuột cũng đã hy sinh phục vụ cho công tác nghiên cứu y sinh học vì lợi ích của con người. Những kết quả có giá trị này là cơ sở bước đầu để các nhà khoa học tiếp tục thực hiện những nghiên cứu thực nghiệm trên con người nhằm hoàn chỉnh giá trị các công trình nhằm có thể ứng dụng vào thực tiễn.

BS. NGUYỄN VÕ HINH

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cam-on-anh-ty-y-sinh-hoc-n168183.html