Cám ơn Vasili Arkhipov, người anh hùng chặn đứng chiến tranh hạt nhân
Giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc đối với tàu ngầm B-59, Vasili Arkhipov có hai sự lựa chọn: Giữ nguyên quan điểm của mình, ngăn cản cuộc tấn công và nổi lên đầu hàng, chấp nhận mọi rủ ro kể cả việc bị tàu chiến Mỹ tiêu diệt.
Vasili Arkhipov là một sĩ quan Hải quân Liên Xô, người được coi là đã có quyết định mang tính sống còn khi cứu nhân loại khỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân - điều mà nhân loại luôn lo sợ trong suốt thời gian diễn ra Chiến tranh Lạnh.
Ba năm kể từ sau khi Vasili Arkhipov mất, vào ngày 13/10/2002, ở lễ kỷ niệm 40 năm cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba kết thúc, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Mỹ ông Thomas Blanton đã khẳng định rằng một trong những người hùng Liên Xô từng cứu cả nhân loại chính là Vasili Arkhipov.
Vasili Arkhipov trưởng thành trong một gia đình nông dân ở ngoại ô khu vực Moscow - thủ đô của Liên Bang Nga. Được gia nhập trường sĩ quan Hải quân của Liên Xô, Vasili sau khi tốt nghiệp đã vinh dự được tham chiến trong quân đội vào những ngày tháng cuối cùng trước khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai chính thức kết thúc.
Sau đó, Vasili tiếp tục theo học tại trường sĩ quan cao cấp Caspian của Liên Xô và chuyển sang học chuyên sâu về tàu ngầm. Sau khi tốc nghiệp trường sĩ quan chỉ huy cao cấp, Vasili đã phục vụ trong nhiều hạm đội của Liên Xô bao gồm Hạm đội Biển Bắc, Hạm đội Biển Baltic và Hạm đội Biển Đen. Năm 1961, ông được vinh dự trở thành chỉ huy trưởng tàu ngầm K-19 lớp Hotel của Hải quân Liên Xô - đây là một tàu ngầm tấn công mang tên lửa đạn đạo của Moscow.
Cùng thời gian đó, cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô cũng đang ở giai đoạn căng thẳng nhất. Tàu ngầm K-19 khi đó được coi là niềm hy vọng mới của Liên Xô khi nó có khả năng tấn công hạt nhân thượng thừa, vượt trội hơn mọi tàu ngầm khác của Mỹ hay của châu Âu.
Người chỉ huy đầu tiên của tàu ngầm K-19 là Trung tá Nikolai Shumkov. Trong nhiệm vụ ra khơi đầu tiên của tàu ngầm K-19, Nikolai đã thực hiện thử nghiệm ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân với sức nổ tương đương 4,8 kiloton.
Trong một cuộc tập trận ở Bắc Đại Tây Dương, K-19 đã bị một sự cố nghiêm trọng đó là rò rỉ bộ phận làm lạnh lõi phản ứng hạt nhân khiến hệ thống radio liên lạc tầm xa của K-19 bị hư hỏng nặng và sau đó phải tháo bỏ, không sửa chữa được - điều này khiến K-19 mất đi sự liên lạc trực tiếp tới tổng hành dinh từ Moscow - nơi duy nhất trên khắp nước Liên Xô có đủ thẩm quyền để ban hành lệnh tấn công hạt nhân. Vụ tai nạn này cũng khiến một vài thành viên thủy thủ đoàn trên tàu K-19 bị phơi nhiễm phóng xạ nặng.
Trong vụ việc này, chính Vasili Arkhipov đã đưa ra những quyết định cực kỳ táo bạo để cứu sống được tàu K-19 và đưa nó quay trở về Liên Xô an toàn mà không cần phải kêu cứu các tàu của Mỹ khi đó đang sát sao theo dõi cuộc tập trận của Hải quân Liên Xô trên khu vực Bắc Đại Tây Dương. Hành động của Vasili đã cứu sống tàu K-19 nhưng một năm sau đó, ông thậm chí còn cứu sống cả nhân loại.
Trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, Vasili Arkhipov lúc này đã là phó sĩ quan chỉ huy trên tàu ngầm B-59 lớp Foxtrot của Liên Xô khi đó đang hoạt động ngoài khơi Cuba. Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng này, các tàu vận tải của Mỹ rõ ràng không nhận ra sự có mặt của các tàu ngầm mang ngư lôi hạt nhân của Liên Xô trong khu vực. Quá chủ quan, các tàu hải quân Mỹ đã sử dụng bom ngầm để tấn công tàu ngầm Liên Xô nhắm ép các tàu ngầm này phải nổi lên mặt nước đầu hàng.
Nạn nhân xấu số của việc bị tấn công bởi bom ngầm nay chính là B-59. Thuyền trưởng B-59 là Đại tá Valentin Grigorievitch Savitsky tin rằng chiến tranh đã nổ ra chính là lý do khiến tàu của ông ta bị tấn công bởi Hải quân Mỹ và muốn ra lệnh phóng ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân để "phủ đầu" và phản đòn đối phương.
Ba sĩ quan chỉ huy cấp cao nhất trên B-59 lúc bấy giờ bao gồm Thuyền trưởng tàu Đại tá Valentin, phó thuyền trưởng là Vasili Arkhipov và sĩ quan chính trị Ivan Semonovich Maslennikov nhanh chóng ngồi lại với nhau và bắt đầu hội ý đưa ra phương án giải quyết. Trong khi thuyền trưởng và sĩ quan chính trị tán thành việc khai hỏa tấn công thì Vasili Arkhipov lại phủ quyết, cho rằng việc tấn công phải được sự thông qua của Moscow và nếu chiến tranh chưa nổ ra và đây chỉ là đòn khiêu khích của Mỹ thì hậu quả sẽ khó có thể lường trước được.
Cuối cùng, tàu B-59 đã không tấn công phản đòn lại tàu chiến Mỹ do cả ba sĩ quan chỉ huy cấp cao nhất trên tàu không tìm được tiếng nói chung. Sau nhiều giờ chịu trận, tàu B-59 đã buộc phải nổi lên và đầu hàng các khu trục hạm của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ. Đến bấy giờ, họ mới nhận ra là chưa hề có chiến tranh nổ ra giữa Liên Xô và Mỹ và nếu như B-59 khai hỏa bằng ngư lôi hạt nhân vào tàu chiến Mỹ, rất có thể chính tàu ngầm B-59 cùng các thủy thủ đoàn của mình mới là những người khơi mào cho Chiến tranh Thế giới thứ ba.
Thực tế thì phía Mỹ cũng không "cố tình" tấn công tàu ngầm Liên Xô bằng bom ngầm. Washington thậm chí còn gửi điện cho Moscow về việc sẽ cho các khu trục hạm của mình tập trận với bom chìm tại khu vực ngoài khơi bờ biển Cuba cùng tọa độ rõ ràng cho phía Liên Xô. Liên Xô đã gửi thông điệp về tọa độ nơi Mỹ tập luyện thử bom ngầm này cho mọi lực lượng tàu ngầm và tàu chiến của họ, đáng tiếng là B-59 khi đó đang lặn hơi sâu quá nên không nhận được thông điệp này và cứ thế tiến thẳng vào nơi Mỹ thử bom ngầm và tưởng rằng đang bị tấn công.
Nhìn lại vụ việc, có thể thấy giữa lúc căng thẳng ngàn cân treo sợi tóc của tàu ngầm B-59, Vasili có hai sự lựa chọn: Giữ nguyên quan điểm của mình, ngăn cản cuộc tấn công (việc khai hỏa trên tàu ngầm khi không có lệnh từ Moscow buộc phải có sự đồng thuận của toàn bộ các sĩ quan chỉ huy cấp cao nhất, một người không đồng ý, tàu ngầm sẽ không được phép khai hỏa) và nổi lên đầu hàng, chấp nhận mọi rủ ro kể cả việc bị tiêu diệt ngay khi nổi lên. Hai là bắn trả và cũng có nguy cơ cao sẽ bị đối phương tiêu diệt ngay sau khi khai hỏa. Với cái đầu lạnh của mình, Vasili đã quyết định không tấn công.
Do chiến tranh chưa nổ ra và vụ va chạm cũng chỉ là hiểu nhầm, tàu ngầm Liên Xô chiếc B-59 sau khi nổi lên mặt nước cũng chỉ vẫy chào các tàu chiến Mỹ rồi "lủi thủi" bỏ đi mà không có bất cứ vấn đề gì xảy ra, họ không biết rằng quyết định nổi lên đầu hàng của mình đã vừa cứu cả nhân loại khỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Còn người anh hùng Vasili, ông tiếp tục phục vụ trong Hải quân Liên Xô và sau đó lên tới hàm Đô đốc trước khi trở thành Giám đốc Học viện Hải quân Kirov. Tới giữa thập niên 80, Vasili nghỉ hưu. Ông mất năm 1999.
Khi Vasili mất, không mấy ai biết tới các công trạng của ông. Mãi tới những năm 2000, khi CIA giải mã những tài liệu mật liên quan tới khủng hoảng tên lửa Cuba, danh tính của ông mới được lan truyền rộng rãi và trở trành người hùng của toàn nhân loại chứ không chỉ riêng với người dân Nga và các nước Liên Xô trước kia.