Cầm sách lên em nhé!
Văn hóa đọc đang dần mai một. Ngày nay hiếm khi thấy ai đó cầm quyển sách để đọc. Công nghệ đã chen vào cuộc sống của con người và đang dần xóa bỏ đi một thói quen của nhiều thế hệ. Thú thật người thầy lớn nhất trong đời ta chính là sách. Sách chẳng những cung cấp cho ta tri thức, vốn sống, vốn từ... mà còn rèn cho não bộ của chúng ta luôn tư duy, luôn vận động.
Ở các nước phương tây, hình ảnh quen thuộc ở các bến tàu, nhà ga, xe buýt, phòng đợi... là người người trên tay cầm sách. Họ tranh thủ thời gian rảnh hiếm hoi để đọc một quyển sách về lĩnh vực ưa thích. Còn ở ta là điện thoại. Ăn điện thoại, ngủ điện thoại, cà phê điện thoại và ngay cả khi đi... toilet cũng điện thoại. Chiếc smartphone giờ trở thành vật bất ly thân.
Trẻ con bây giờ gần như không còn thói quen đọc sách. Ngay khi chào đời đã được cha mẹ cho làm quen với công nghệ nên không hình thành thói quen này được. Lớn lên một chút chúng được xem bao video nhảm nhí, vô duyên, vô bổ tràn đầy trên internet nên nhiễm vào người thứ ngôn ngữ tầm phào, vô văn hóa. Những hình ảnh ăn uống xồng xộc, khoe thân mất nết, nói năng bằng những ngôn từ dung tục cứ nhan nhãn, thì hỡi ôi sách có đẹp, có hay đến mấy chúng cũng không thèm đoái hoài làm gì. Ở thời buổi mà bất kỳ ai cũng có thể trở thành diễn viên, nhà báo, đạo diễn... thì sách là đồ bỏ. Họ bận quay phim, chụp ảnh, livestream thì còn đâu thời gian đọc sách.
Khi được hỏi Albert Einstein, Ludwig van Beethoven hay Thomas Edison là ai, những cô cậu học trò lớp 11 trố mắt như họ là những người đến từ sao Hỏa. Nhưng khi được hỏi đến những nhân vật trên mạng... thì chúng trả lời ngay tắp lự. Suốt cả một đời học sinh mà nhiều bạn trẻ chưa từng đọc một cuốn tiểu thuyết, không chịu khó ngồi đọc hết một truyện ngắn thì thầy cô giáo dạy văn có ba đầu sáu tay cũng không thể nhét vào não chúng được. Học văn giờ chỉ enter và chép văn mẫu mà thôi. Bây giờ mọi thứ phải nhanh, ngắn gọn. Đứa học trò của tôi làm truyền thông kể rằng đi quay ba ngày ròng về dựng lại chỉ là một video clip chừng một phút rưỡi vì dài hơn nữa giới trẻ không xem cho nên quyển sách đôi ba trăm trang chỉ có... xếp xó.
Nhớ ngày xưa dành dụm được tí tiền là đi mua sách. Vào hiệu sách cứ quanh quẩn hàng giờ mà chẳng biết mua gì vì sách nào cũng hay mà tiền thì hạn hữu. Có những quyển sách đọc đi đọc lại đến sờn gáy, rách bìa. Người ta thường khoe cái tủ sách của mình sở hữu, khoe số lượng sách mà mình đã đọc. Các thư viện lúc nào cũng kín người đọc, người học, vì ở đó là những kho sách khổng lồ và không khí học nghiêm túc nhất. Nhớ thời sinh viên ăn cơm chiều xong là lên thư viện dành chỗ cho buổi đọc sách tối. Các thư viện của các trường phổ thông thì lúc nào cũng nườm nượp học sinh tới đọc và mượn đến nỗi cô thủ thư phải “tuyển” một đội ngũ giúp việc. Giờ văn hóa đọc không còn nên thư viện chỉ tồn tại cho có. Thủ thư chỉ ngồi ngáp ruồi chứ chẳng có học sinh nào bén mảng tới nơi này.
Gần đây thấy có một số trường học thành lập câu lạc bộ đọc sách nhằm khơi dậy lại văn hóa đọc. Một số trường thành lập tủ sách ngay tại lớp giao cho học sinh tự quản và trao đổi để đọc. Một vài nơi có ngày hội văn hóa đọc... Hình ảnh một số học sinh đã chịu khó bỏ điện thoại để cầm sách lên trở nên quý hiếm. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Phải khơi dậy thói quen đọc sách đã ngủ quên lâu nay trong giới trẻ. Thầy cô giáo giao việc về nhà nên có liên quan đến việc đọc sách để kích thích thói quen đọc. Cha mẹ cần khuyến khích con mình đọc nhiều hơn thay vì coi tivi, điện thoại. Mỗi ngày dăm ba trang rồi tăng dần lên khi niềm đam mê bắt đầu được khơi lại. Chỉ có đọc mới phát triển vốn kiến thức, ngôn ngữ và làm con người thông thái lên được.
Thêm một Ngày sách và văn hóa đọc nữa đang đến rất gần. Hãy cầm sách lên các em nhé, để văn hóa đọc không mai một.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/cam-sach-len-em-nhe/27047.htm