Cầm tay bước đi, tiếng yêu cất lời

Với nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, niềm hạnh phúc được ôm đứa con đầu lòng ra đời không gì diễn tả được. Hành trình 'tìm con' của họ với biết bao vất vả, áp lực để được làm cha, làm mẹ, minh chứng một tình yêu thủy chung, son sắt.'Điều trị hiếm muộn gặp muôn vàn áp lực, nhưng điều quan trọng nhất là vợ chồng phải hòa thuận, bởi gặp khó khăn mà buông bỏ thì bụng mình không chịu được. Tựa vào nhau thì sẽ vượt qua được hết'.

Mất tiền chứ không để mất nhau

Một ngày giữa tháng ba, chị Nguyễn Thị Kiều Vân (40 tuổi) ở khu dân cư Hòa Thọ, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) tất bật chuẩn bị bữa cơm trưa cho chồng là anh Lê Văn Trận (42 tuổi), trước giờ anh vào Đồng Nai mưu sinh sau thời gian ngắn ngủi được ở bên vợ con. Bữa cơm chia tay tuy đạm bạc, nhưng rộn rã tiếng nói cười. Chị Vân cho biết: "Vợ chồng mình cưới nhau 9 năm mới có con. Nhà có hai cháu nhỏ, nên lúc nào cũng vui tươi. Ngày trước, chưa có các cháu, buồn hiu hắt".

Đứa con trai đầu lòng của vợ chồng anh Trận, chị Vân sau chín năm điều trị hiếm muộn. ẢNH: NGỌC VIÊN

Mến nhau từ thời còn là học sinh, mãi đến năm 2006 anh Trận, chị Vân mới được về sống chung một mái nhà. Hai vợ chồng làm nông, thu nhập bấp bênh, bao nhiều tiền tích cóp được đều dành cho những chuyến đi xa để điều trị bệnh hiếm muộn. Suốt một thời gian dài, hành trình “tìm con” của anh chị vẫn chìm trong vô vọng. Anh Trận nhớ lại: Những năm tháng điều trị hiếm muộn, thấy thương vợ vô cùng. Tuổi càng lớn thì cơ hội có con cũng sẽ ít dần. Có hôm buồn quá, mình bảo với vợ, thôi thì anh cho em cơ hội để em đi bước nữa, chứ sống với anh mà không sinh được con, thì em cũng khổ tâm. Nghe mình nói, vợ nghiêm giọng, sao mà tui bỏ ông được. Bao nhiêu năm tình nghĩa trọn vẹn với nhau. Nói bỏ là bỏ sao. Một năm không sinh được con thì hai năm, thậm chí dài hơn nữa, vợ chồng mình cũng phải cố gắng...

Anh Trận kể: Năm 2012, được người quen giới thiệu một thầy thuốc chuyên chữa hiếm muộn bằng đông y ở TP.Nha Trang. Hai vợ chồng mua thuốc của người thầy này uống, thì đến cuối năm 2013, vợ mình mang thai. Thời khắc hai vợ chồng đón nhận tin vui, không một từ nào diễn tả được. Cảm thấy người lâng lâng, phấn chấn lạ thường.

Tháng 8.2014, chị Vân sinh được một cháu trai kháu khỉnh. Những ngày đầu vợ sinh, thiếu sữa cho thằng bé, anh Trận cầm bình đi khắp Khoa sản của Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi xin sữa của các sản phụ khác. Anh Trận nhớ lại: Thấy mình đi xin sữa, nhiều sản phụ cười vì tưởng tôi đùa cợt họ, nhưng sau biết chuyện ai nhiều sữa đều tình nguyện vắt sữa cho. Thương vợ nên cái gì tốt cho vợ con, mình không nề hà, hay ngại ngùng chi hết.

Đến tháng 2.2016, vợ chồng anh chị tiếp tục sinh được một cháu gái bụ bẫm. Hôm chúng tôi đến, vợ chồng anh chị đang gói ghém đồ đạt để anh Trận chuẩn bị vào miền Nam mưu sinh. Hành trình của anh lần này không nặng trĩu như những chuyến đi điều trị hiếm muộn vào những năm trước, mà mang theo biết bao hy vọng về một cuộc sống tươm tất hơn cho vợ và các con.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hành Phước Hồ Ngọc Chí chia sẻ: Vất vả, tốn kém rất nhiều tiền của, vợ chồng anh Trận, chị Vân mới sinh được hai đứa con. Để tiếp sức cho anh chị, tháng 3.2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã vận động, hỗ trợ gia đình chị Vân 50 triệu đồng để xây nhà mới. Có nhà mới, có con ngoan, chắc chắn cuộc sống của vợ chồng anh chị sẽ hạnh phúc, cũng là quả ngọt bù đắp cho họ, sau những năm tháng vất vả, nhưng vẫn quyết tâm sống trọn vẹn đạo nghĩa vợ chồng.

Anh LÂM VIỆT HÙNG, ở xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh).

Trọn niềm hạnh phúc

Cùng chung cảnh ngộ như vợ chồng anh Trận, chị Vân, vợ chồng anh Lâm Việt Hùng (38 tuổi) và chị Lê Thị Mai Trâm (37 tuổi) ở xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh) phải mất hơn 6 năm điều trị hiếm muộn mới hạ sinh được đứa con đầu lòng. Vợ chồng anh Hùng, chị Trâm làm nghề bán quán ăn. Chị Trâm cho hay: Ngày trước tôi buôn bán quần áo, còn chồng làm bảo vệ ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Sau ngày cưới, bao nhiều tiền của cũng dồn hết vào điều trị hiếm muộn. Vất vả sao kể xiết, nhưng vợ chồng vẫn động viên nhau, không chùn bước. Vợ chồng một mực yêu thương, ba mẹ hai bên giúp đỡ, nên năm 2016, vợ chồng tôi cũng sinh được một cháu gái. Cô con gái Lâm Lê Bảo Châu giờ là viên ngọc quý của gia đình tôi, như chính tên gọi của bé.

Sau sáu năm điều trị hiếm muộn, vợ chồng anh Hùng, chị Trâm cũng sinh được con gái đầu lòng. ẢNH: NV

Thời điểm trước tháng 3.2019, ở Quảng Ngãi chưa có bệnh viện nào điều trị hiếm muộn, nên vợ chồng chị Trâm thường xuyên khăn gói vào TP.Hồ Chí Minh để điều trị. Có năm đi nhiều nhất khoảng 30 lần. "Đi TP. Hồ Chí Minh nhiều đến mức tôi trở thành khách quen của nhà ga Quảng Ngãi. Nhiều khi ngày lễ, ngày Tết, nhiều người sum vầy bên gia đình, còn vợ chồng tôi phải khăn gói vào TP.Hồ Chí Minh tái khám", chị Trâm bộc bạch.

Anh Hùng chia sẻ: Điều trị hiếm muộn gặp muôn vàn áp lực, cưới nhau về mà chưa thấy sinh con là đi đâu ai cũng hỏi thăm. Hỏi đến mức mà mình ám ảnh luôn. Nhưng điều quan trọng nhất là vợ chồng phải hòa thuận, bởi gặp khó khăn mà buông bỏ thì bụng mình không chịu được. Tựa vào nhau thì sẽ vượt qua được hết.

Cô gái Lâm Lê Bảo Châu giờ đã được 5 tuổi. Cháu bé như sợi dây vô hình kéo hai vợ chồng xích lại gần nhau hơn. Có con, ngôi nhà của vợ chồng anh chị trở nên đầm ấm hẳn, tạo động lực để cả hai cùng nhau phấn đấu. Nhờ cật lực lao động, vợ chồng chị Trâm mua được đất ở vị trí đắc địa, xây được nhà mới khang trang, không còn cảnh ở nhà thuê. Hành trình cả trăm lần, vượt hàng nghìn cây số vào TP.Hồ Chí Minh của anh chị đã chấm dứt, giờ đây trước mắt vợ chồng anh Hùng, chị Trâm sẽ là quãng đường hạnh phúc. Họ cùng nhau chăm lo cho con và vun vén cho mái ấm của mình.

Nhìn những cặp vợ chồng dắt tay nhau vượt qua hành trình nhọc nhằn để sinh con, chúng tôi chợt nhớ đến câu nói của nhà văn Nguyễn Khải trong tác phẩm Mùa Lạc: “Ở đời không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy”.

NGỌC VIÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2481/202103/cam-tay-buoc-di-tieng-yeu-cat-loi-3048660/