Cảm thụ văn học: Bất ngờ đến nghẹn lòng!
Có 2 cuộc gặp gỡ mang màu sắc đối lập trong truyện 'Người thợ chữa đồng hồ tại đường hầm số 1' của nhà văn Hữu Mai.

Ngày 13/3/1954, pháo binh mở đầu chiến dịch. Ảnh: TTXVN.
Hơn 70 năm đã trôi qua, thế nhưng, những ký ức về mặt trận Điện Biên Phủ ác liệt cùng những người chiến sĩ không chỉ dũng cảm ra trận mà còn ăm ắp sự lạc quan, yêu đời vẫn được lưu giữ đầy sinh động trong truyện ngắn “Người thợ chữa đồng hồ tại đường hầm số 1” của nhà văn Hữu Mai.
Câu chuyện rất giản dị: Trước thời điểm đánh Điện Biên Phủ, một chính trị viên đi công tác qua trận địa cao xạ. Chiếc đồng hồ bị hỏng bấy lâu của anh bất ngờ được sửa khi vào “hiệu chữa đồng hồ” ngay trong đường hầm ở trận địa ấy… Giản dị là vậy nhưng khi dừng lại ở những dòng cuối truyện, người đọc không khỏi nghẹn lòng…
Lát cắt chân thực…
“Người thợ chữa đồng hồ tại đường hầm số 1” không kể trực diện hay dành nhiều trang để tái hiện trận đánh cam go nhưng vẫn là lát cắt chân thực về sự khốc liệt của chiến tranh. Theo chân anh chính trị viên ở Tiểu đoàn 2, đang phòng ngự tại Đồi Cháy đi công tác qua trận địa cao xạ và cũng là ngôi kể số 1, người đọc có thể hình dung về những gì đã và đang xảy ra nơi đây.
Đầu tiên là sự ngạc nhiên từ chính trải nghiệm của người trong cuộc để rồi đưa ra so sánh: “Không phải cánh đồng bằng phẳng mà là mặt biển đang nổi sóng. Trong kia, tại trận địa phòng ngự của chúng tôi, đại bác địch cũng bắn rất nhiều, nhưng đất ở đấy chỉ lỗ chỗ những hố nho nhỏ như mặt một người bị bệnh đậu mùa nặng, chứ nó không giống như ở đây. Đúng là một cánh đồng đang nổi sóng…”.
Thật tài tình khi tác giả không kể một cách quá chi tiết về mặt đất bị đại bác, bom mìn của quân Pháp cày xới sau mỗi trận đánh tại trận địa cao xạ mà người đọc vẫn có thể cảm nhận sự ác liệt, sức tàn phá khủng khiếp đến mức nào. Ở đây, ông sử dụng hình ảnh “mặt biển”, “cánh đồng” không phải đang êm ả, du dương mà “đang nổi sóng”, “giông tố”.
“Sóng” đó ầm ào, sâu hoắm được ước lượng “bằng chiếc ao” và không phải chỉ có một vài chiếc mà là “nằm loạn khắp nơi”. Vậy chúng được tạo ra từ đâu? Chắc chắn không thể là những loạt đại bác khiến mặt đất “chỉ lỗ chỗ hố nhỏ như mặt một người bị bệnh đậu mùa nặng” mà “tôi” vẫn chứng kiến ở trận địa phòng ngự của đơn vị mình. Và chắc chắn không phải là đôi ba lần quân Pháp phát hiện rồi thả bom mìn hú họa…
Vậy những ai đang ở đó trực chiến? – Là “binh chủng mới” pháo cao xạ có những khẩu pháo cao xạ đứng “chơ vơ”, “trống trải” nhưng vẫn hiên ngang “nòng ghếch cao” quần nhau với máy bay địch, “hút cả bọn chúng về phía mình”.
Giữa trận địa, các chiến sĩ và những khẩu pháo ấy chưa khi nào thảnh thơi mà luôn bị hiểm nguy rình rập nên “giống như con thuyền nhỏ đi giữa con giông tố. Những con sóng chỉ chờ bất thần gầm lên, chồm tới nuốt chửng cả người lẫn thuyền”.
Rõ ràng, có những lợi thế đặc biệt để sẵn sàng nghênh chiến với bọn “nhặng xanh” (máy bay địch) nhưng đâu phải binh chủng mới này không phải đối diện với cam go! Thực tế này là câu trả lời đầy đủ nhất cho ý nghĩ từ trước có phần xem nhẹ của người quan sát từ xa: “Mỗi khi có máy bay địch trên đầu, nghe tiếng đạn cao pháo nổ lóp bóp, nhìn máy bay lao xuống bắn phá, tôi vẫn nghĩ chúng đang hoành hành ở trận địa bộ binh, nơi an toàn nhất là trận địa của các đồng chí cao pháo”.
Chỉ bằng vài trăm chữ dạo đầu như thế mà nhà văn Hữu Mai đã đem đến cho độc giả một lát cắt mặt trận ở Điện Biên Phủ khi quân ta có pháo cao xạ để chuẩn bị cho chiến dịch cuối cùng luôn là những hiểm nguy rình rập qua góc nhìn chân thực, khách quan. Ở đây có cả những suy tư và kiểm nghiệm chứ không phải là sự cường điệu một chiều. Đồng thời, nhà văn dùng lối diễn đạt thật dung dị, câu văn giàu hình ảnh, sức gợi để tái hiện về hiện thực chiến tranh luôn là những tàn phá, hủy diệt sự sống.
Bình dị, cởi mở

Truyện 'Người thợ chữa đồng hồ tại đường hầm số 1' được in trong tập truyện cùng tên do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Ảnh: Bình Thanh.
Có lời kể rất dung dị và theo trình tự thời gian lần lượt với những gì “tôi” thấy nhưng truyện “Người thợ chữa đồng hồ tại đường hầm số 1” vẫn mang một sức hút đặc biệt bởi tình huống bất ngờ được đặt trong diễn biến… bình thường.
Bất ngờ đầu tiên là khó ai có thể hình dung giữa một nơi giao tranh đạn bom ác liệt trên trận địa cao xạ, người chiến sĩ dù ở bất cứ vị trí nào cũng phải rất tập trung và chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu. Vậy mà, ngay tại đó vẫn có một tiệm chữa đồng hồ, được chỉ dẫn bằng tấm biển viết nắn nót: “HIỆU CHỮA ĐỒNG HỒ KHÔNG LẤY TIỀN ĐƯỜNG HẦM SỐ 1 - ĐIỆN BIÊN PHỦ”, như thể nơi đây chưa hề có bom rơi, đạn nổ mà luôn là cuộc sống thường nhật yên ả, thanh bình.
Sự bất ngờ này đã khiến người kể chuyện “không cảm thấy vui mà lại hơi bực mình”, dù rằng, trong túi áo ngực của anh “kềnh kệnh” chiếc đồng hồ đeo tay bị hỏng. Mà đó là vật rất quan trọng đối với một chính trị viên: “Trong công tác của tôi, một người chính trị viên, phải chấp hành kỉ luật thời gian tại mặt trận, thiếu chiếc đồng hồ thật tai hại. Đầu óc tôi lúc nào cũng canh cánh chuyện giờ giấc. Suốt ngày đêm, tôi luôn luôn phải chạy đi hỏi giờ”.
Cảm xúc này thật dễ cảm thông vì khó có thể tin được sự tồn tại của hiệu đồng hồ ở mặt trận giao tranh này là sự thật mà chỉ có thể cho rằng đây là “một trò nghịch ngợm của các chiến sĩ cao pháo trẻ tuổi”.
Thế nhưng, nó thực sự đã ở sẵn đó và có người thợ tên Phòng say sưa làm việc khiến người thấy phải ngạc nhiên: “Mặc dầu đã được chuẩn bị tư tưởng từ trước, quang cảnh căn hầm vẫn làm tôi ngạc nhiên. Trước mặt tôi, một người thợ đồng hồ thực sự đang ngồi làm việc ở góc hầm, dưới ánh sáng tập trung của ngọn đèn điện có chao. Chiếc kính “lúp” lồi ra trên mắt phải của anh. Trên mặt chiếc bàn, có lẽ làm bằng một hòm đạn bọc vải dù, la liệt những dụng cụ nho nhỏ”.
Nếu ở phía ngoài là những “mặt biển”, “cánh đồng” đang “nổi sóng” thì ở đường hầm này lại là những bình yên, được đem lại từ chính những chiến sĩ như Phòng – một lính lái xe “đưa pháo lên mặt trận, kéo pháo vào mặt trận yên ổn rồi, còn ít thời giờ rỗi rãi, cậu ấy quay ra mở cửa hàng sửa chữa đồng hồ”.
Rõ ràng, bên cạnh những khẩu pháo to lớn, chiếc nhíp nhỏ xíu để chữa đồng hồ vẫn thật “được việc”. Đôi bàn tay tưởng chừng thô ráp, đâu đó có cảm giác nặng nề của người lính lái xe, sau khi hoàn thành nhiệm vụ lại bỗng trở nên thật khéo léo, cố gắng “hồi sinh” những chiếc đồng hồ của đồng chí, đồng đội đã ngừng chạy.
Rồi thì, để có phụ tùng thay thế, anh thợ này dùng “vốn cũ” từ những đồng hồ hỏng không thể sửa. Còn “xoay” dụng cụ sửa chữa thì vô cùng nhanh nhạy: “Khó nhất là cái kính “lúp” thì cậu ấy vớ được một cái ống nhòm vỡ, chiến lợi phẩm trên đồi Độc Lập mang về cải tạo lại. Dùi và “tua-vít” thì chỉ cần một đoạn dây thép gai là cậu ấy làm ra vô khối. Còn điện chạy bóng đèn là pin ra-đi-ô sụt thế hiệu của các đồng chí thông tin cho”.
Dù chỉ mới gặp người lạ nhưng Phòng luôn hồ hởi, thân quen. Anh xởi lởi mời khách điếu thuốc lào hút bằng phoi tre tẩm nước điếu mà gọi là “thuốc lào tự túc chế tạo tại Đường hầm 1”.
Rồi anh nhiệt tình “khám bệnh” chiếc đồng hồ của người mới đến, hướng dẫn sử dụng thế nào cho bền và sắp xếp việc trả hàng theo mức độ cần thiết của người dùng: “Tôi đưa cái đồng hồ của đồng chí lên số 6. Cái số 4 và số của mấy đồng chí ở bên pháo, họ cũng cần. Còn mấy cái cả các đồng chí quân khí để chậm một chút cũng được…”.
Cùng với Phòng còn có đại đội phó tên Căn mang gương mặt trẻ măng và cái cười “hệt như cái cười của một chú nhỏ”, nếu không “vướng tí ria mép”. Cũng chỉ là vừa mới gặp ở đường hầm nhưng anh bộ đội này đã giúp chính trị viên cởi bỏ sự bán tin bán nghi không chỉ về hiệu sửa đồng hồ, mà còn cả những e dè nhờ cậy sửa chiếc đồng hồ bị hỏng. Dù là chỉ huy nhưng giữa Căn và đồng chí, đồng đội không hề có khoảng cách mà luôn gần gũi, thân tình…
Nhờ thế, người tìm tới không chỉ không còn thấy e ngại, mà còn “chưa có dịp gặp nhau, nhưng một mối tình chiến đấu đã gắn bó chúng tôi. Lúc này, tôi cảm thấy các đồng chí cao pháo đã trở nên thân thiết với mình một cách lạ lùng”.
Cũng từ đây, anh thấu hiểu hơn về họ, vẫn từng khâm phục là “phượng hoàng” và thoáng nghĩ “không biết vì những chiến công mới mẻ mà trở nên kiêu ngạo với những người bộ binh đã chiến đấu lâu năm hay không”. Nhưng, các đồng chí cao pháo bằng xương bằng thịt ở ngay trước mặt anh đó: “Rất trẻ, rất vui. Họ không có một chút kiêu kỳ. Hơn nữa, họ còn dành sự biệt đãi cho chúng tôi”.
Lòng anh chính trị viên dâng đầy sự ấm áp, cảm tưởng như đang ở trong một gia đình. Chẳng thế mà khi trở lại, anh cảm thấy “mình đang trở lại gia đình của những người thân”… Có thể thấy, tác giả đã thành công trong việc biểu đạt sự chuyển biến suy nghĩ, tâm lý của nhân vật rất sinh động, sâu sắc. Qua đó, hình tượng chiến sĩ Điện Biên nói chung và chiến sĩ cao xạ nói riêng trong đời thường thật bình dị, cởi mở được tác giả khắc họa rõ nét, ấn tượng.
Và những nghẹn lòng
Thế nhưng, đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng với người thợ sửa đồng hồ của người kể chuyện. Cũng bởi, chỉ sau đó vài ngày, người chiến sĩ ấy đã anh dũng hy sinh khi cùng đơn vị cao pháo thực hiện nhiệm vụ chuyển gấp trận địa pháo vào phía trong.
Thật nghẹn lòng khi biết rằng, anh không chỉ quả cảm dưới lưới lửa đại bác để kéo những khẩu pháo cuối cùng vì “anh cho tôi tranh thủ kéo nhanh, để nằm lâu nó bắn pháo hỏng mất” mà trước đó vẫn kịp sửa xong chiếc đồng hồ và gửi lại cho người đến nhận cả lưu ý: Dây cót thay hơi bị ngắn, mỗi lần lên dây nhớ vặn từ từ…
Sự mất mát đau thương này được nhà văn gieo dần bằng các dấu hiệu: Sau những câu trả lời nhát gừng về Phòng là đôi mắt của anh nuôi chờ trả đồng hồ đỏ hoe. Rồi đến việc cảm nhận dần trong câu chuyện anh chính trị viên muốn gửi gói thuốc lào bằng bao diêm mà phải chạy vạy khá vất vả mới kiếm được trong những lần đi họp cho anh nuôi và đại đội phó Căn. Dòng chảy tâm lý ấy của các nhân vật cứ thế lan dần tới người đọc để mà rưng rưng, xót xa.
Và dù người kể chuyện vẫn vững vàng giải thích về sự hy sinh của chiến sĩ Phòng rằng: “Trên mặt trận này, trường hợp một người bạn đồng đội của chúng tôi nằm xuống vì bom đạn địch không hiếm…”; hay đại đội phó Căn ngắt câu chuyện sang ngày mai: “Ở trận địa mới, anh em đang kiến thiết “Đường hầm số 2 Điện Biên Phủ”… Lần sau, anh có cắt tóc thì ra chỗ chúng tôi. Chúng tôi sắp mở cửa hàng cắt tóc Thủ đô. Thợ cắt tóc có cả áo “lui” trắng.
Cắt tóc xong lại có nước hoa chải đầu. Anh em vừa vớ được một chiếc dù có mấy lọ nước hoa to kềnh. Cũng phục vụ không lấy tiền đâu”. Nhưng sâu thẳm trong lòng các anh là những đợt sóng cuộn trào: “Chúng tôi cùng đứng lặng một lúc. Đồng chí đó mất rồi ư?”.
Chiến tranh là thế - mất mát, hy sinh. Nhưng, để bảo vệ nền độc lập, hòa bình cho muôn đời sau thì người Việt Nam không tiếc máu xương. Người này ngã xuống sẽ có người sau tiếp bước. Tất cả đều dũng cảm ra trận và sống thân ái, chan hòa, hữu ích bất kể ở đâu, khi nào.
Có 2 cuộc gặp gỡ mang màu sắc đối lập trong truyện “Người thợ chữa đồng hồ tại đường hầm số 1”. Nếu ở phần đầu là những dí dỏm, vui vui mà đầy cởi mở, giao hòa từ đó gỡ bỏ tâm lý e dè, khúc mắc thì đến phần sau là nốt lặng sâu thẳm. Nốt lặng này vừa đem đến cho người đọc niềm xúc động, tự hào, biết ơn về những người chiến sĩ Điện Biên dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, hòa bình của dân tộc vừa không khỏi xót xa khi nghĩ về chiến tranh để thêm trân trọng giá trị của hòa bình.
Lẽ ra, những người chiến sĩ ấy sẽ trở thành anh thợ sửa đồng hồ, cắt tóc… giỏi nghề nếu như không có chiến tranh. Họ yêu hòa bình hơn hết thảy nên sẵn sàng cùng cả dân tộc Việt Nam cầm súng chiến đấu, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Vậy nên, giữa bom rơi, đạn nổ, khi nào có thể là họ lại trở thành những người thợ bình dị, hữu ích: “Cuộc sống của chúng tôi ở đây rất cần những con người như thế. Những con người vui vẻ hút thuốc bằng phoi tre, mày mò moi đến khả năng bé nhỏ nhất của mình ra để giúp ích mọi người…”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cam-thu-van-hoc-bat-ngo-den-nghen-long-post729188.html