Ký ức 'khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt' chín năm làm một Điện Biên

Giờ đây, họ đã là những cụ ông tóc bạc trắng, sống bình dị giữa đời thường. 71 năm trước, họ là những người lính tuổi mười tám đôi mươi, can trường quả cảm, mình đồng da sắt làm nên chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'.

Tay rớm máu kéo pháo vào lại nhận lệnh kéo ra

Một sáng đầu hạ, trong ngôi nhà yên tĩnh trong ngõ phố nhà binh Điện Biên Phủ (Hà Nội), đại tá Nguyễn Hữu Tài (96 tuổi) chăm chú dõi theo màn hình, khi bản tin Lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang phát.

Hình ảnh cờ đỏ sao vàng bay rợp Mường Phăng, kéo ông trở lại những tháng năm tuổi trẻ không thể nào quên.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân huấn. Ảnh: Dương Thy.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân huấn. Ảnh: Dương Thy.

Năm 1952, ở tuổi 25, ông Tài là Chính trị viên phó Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, tham gia chiến dịch Tây Bắc. "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt", đó mới chỉ là phần nổi. Giai đoạn trước đó – hành quân, chuẩn bị – mới là thử thách khốc liệt nhất", ông nhớ lại.

Tháng 12/1953, cả đại đoàn hành quân bộ 500 cây số từ Phú Thọ lên Điện Biên. Vào đến nơi, lại tiếp tục mở đường 70 cây số từ Tuần Giáo vào lòng chảo – mở đường cho pháo.

Đường cũ chỉ đủ xe bò qua, giờ phải khoét núi, hạ dốc để đưa pháo nặng hàng tấn vượt rừng. Mỗi khẩu pháo một đại đội phụ trách, kéo suốt ngày đêm. Lính tráng quần áo thiếu thốn, tay bọc giẻ, da phồng tróc từng mảng, rướm máu tươi. Có những đoạn dốc phải làm tời để giữ pháo không tụt.

Vừa đặt pháo xong, đơn vị nhận lệnh kéo pháo ra – mệnh lệnh khiến nhiều người bàng hoàng. Công sự bị lộ, địch pháo kích dữ dội, đơn vị thương vong gần 100 người.

"Kéo được pháo ra là coi như tiêu diệt một đại đội địch", ông nhớ lại lời cấp trên và hồi tưởng: "Đêm Giao thừa, khẩu pháo cuối cùng ra khỏi trận địa, anh em báo cáo xong được mời ăn bữa cơm nóng với canh cải và thịt lợn sao ngon thế! Một giao thừa không bao giờ quên".

Ông Nguyễn Hữu Tài trở lại Điện Biên Phủ tháng 5/1959 xem lại khẩu đại bác 4 nòng bảo vệ Sở chỉ huy địch đã ngăn chặn quân ta khi tiến qua cầu Mường Thanh để xung phong vào hầm chỉ huy bắt sống tướng Đờ Cát. Những hiện vật này trải qua thời gian, rất tiếc đến nay không còn nữa. Ảnh: NVCC.

Ông Nguyễn Hữu Tài trở lại Điện Biên Phủ tháng 5/1959 xem lại khẩu đại bác 4 nòng bảo vệ Sở chỉ huy địch đã ngăn chặn quân ta khi tiến qua cầu Mường Thanh để xung phong vào hầm chỉ huy bắt sống tướng Đờ Cát. Những hiện vật này trải qua thời gian, rất tiếc đến nay không còn nữa. Ảnh: NVCC.

Từ đó, ta đổi từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" theo quyết định táo bạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Pháo được ém sâu, phân tán, mỗi điểm là một căn cứ có hầm ở, bếp, khu vệ sinh – cả một mặt trận công trường ngầm.

Từ tháng Giêng đến đầu tháng Ba, bộ đội ngày đêm đào chiến hào xuyên rừng, tiến thẳng vào cứ điểm. Máy bay địch bắn phá liên tục. Để chống bom, lính dùng rơm, cành cây làm "con cúi" chắn đạn.

"Mỗi nhát cuốc là một giọt mồ hôi, có khi là máu. Nếu không có quyết định kéo pháo ra, đã không có chiến thắng Điện Biên Phủ", ông Tài nói.

Chiến sĩ thông tin Phạm Danh Mạch - Trung đoàn 36. Ảnh: NVCC.

Chiến sĩ thông tin Phạm Danh Mạch - Trung đoàn 36. Ảnh: NVCC.

Nhớ người đồng đội nằm bên chiến hào

Cùng dòng hồi tưởng về chiến thắng Điện Biên, người lính thông tin Phạm Danh Mạch (94 tuổi) lại giữ trong mình những ký ức khác. Lớn lên ở làng Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội), ngay từ nhỏ, ban ngày ông bị bắt đi phu xây đồn, đêm về ông lại vẽ khẩu hiệu, phá đường tàu.

Năm 17 tuổi, ông trốn đi bộ đội cùng bạn đồng niên. Sau huấn luyện ở Phú Thọ, ông được phân vào Trung đoàn 308, rồi sang Trung đoàn 36 làm lính thông tin nhờ biết chữ.

Chiếc xe tăng của địch còn sót lại ở Sở chỉ huy bảo vệ hầm tướng Đờ Cát (tháng 5/1959). Ảnh: NVCC.

Chiếc xe tăng của địch còn sót lại ở Sở chỉ huy bảo vệ hầm tướng Đờ Cát (tháng 5/1959). Ảnh: NVCC.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Mạch trực tiếp tham chiến ở các điểm nóng. "Chiến sĩ thông tin đi trước về sau, chỉ huy ở đâu là thông tin ở đó", ông nhớ lại.

Vai vác máy, tay kéo dây, vượt núi băng rừng, phá bom, lội suối. Trung đoàn 36 tiến công Bản Khéo, vòng sang đánh sân bay, từng bước siết vòng vây địch.

Ngày 7/5/1954, khi quân Pháp giơ cờ trắng đầu hàng, tiếng reo vang dậy chiến hào, nhưng ông Mạch vẫn lao vào đồn mới chiếm, thu máy móc, bảo đảm liên lạc.

Cựu chiến binh - chiến sĩ Điện Biên Phạm Danh Mạch. Ảnh: Mai Thu.

Cựu chiến binh - chiến sĩ Điện Biên Phạm Danh Mạch. Ảnh: Mai Thu.

Trong một hồi ức khác, chiến sĩ Đường Minh Tỵ (năm nay 96 tuổi), thuộc Tiểu đoàn 428, Đại đoàn 351 vẫn nhớ rõ đêm đầu tập kết trong rừng: "18h có mặt, 18h30 Đại tướng Giáp xuất hiện. Không ai nói gì, nhưng ánh mắt ai cũng bừng sáng". Sau mệnh lệnh, mỗi chiến sĩ viết thư quyết tâm hứa sẽ chiến thắng dù có hy sinh.

Ngày 13/3/1954, trận Him Lam nổ ra. "Khoảng 17h chiều, pháo đồng loạt khai hỏa, đất trời rung chuyển. Từ chân đồi nhìn lên, lửa cháy rực trời", ông kể.

Đường dây liên lạc bị đứt, một chiến sĩ đi nối dây mãi không trở lại. Ông Tỵ tiếp tục, lần theo đường hào đêm tối, tìm thấy đồng đội hy sinh, tay vẫn nắm chặt hai đầu dây chưa kịp nối. Ông nối dây, rồi quay về đơn vị, né pháo sáng, báo cáo xong mà mắt rưng rưng.

Chiến sĩ Điện Biên Đường Minh Tỵ giờ đã là cụ ông 96 tuổi.

Chiến sĩ Điện Biên Đường Minh Tỵ giờ đã là cụ ông 96 tuổi.

Trở về từ trận mạc, sống một đời giản dị

Đại tá Nguyễn Hữu Tài chia sẻ, với ông, hạnh phúc là được sống cuộc đời binh nghiệp từ những năm tháng kháng chiến gian khổ đến những vị trí công tác quan trọng sau ngày đất nước thống nhất.

Sau Chiến thắng Điện Biên, ông được phân công làm Bí thư Văn phòng Quân ủy Trung ương – công việc đòi hỏi sự chính xác, bản lĩnh và cho phép ông tiếp xúc, làm việc thường xuyên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thứ trưởng Hoàng Anh, Thứ trưởng Trần Quang Bửu…

Trong vai trò này, ông tham dự nhiều cuộc họp chiến lược, tổng hợp báo cáo từ các đơn vị toàn quân trước khi trình lên Ban Bí thư và Bộ Chính trị. Quãng thời gian đó là môi trường rèn luyện nghiêm khắc, giúp ông trưởng thành nhanh chóng trong tác phong, tư duy, kỷ luật.

Năm 1957, ông làm Chính ủy Trung đoàn 88 "Trung đoàn Tu Vũ", sau thời gian công tác tại Trung đoàn 3 và Trung đoàn Sông Lô, đều là những đơn vị anh hùng.

Từ 1958 - 1965, ông chuyển sang phụ trách công tác thể dục thể thao trong quân đội, được học tập và công tác nhiều nơi trên thế giới. Nhưng khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, ông chủ động xin trở lại đơn vị chiến đấu.

"Trong thời chiến, đánh giặc là quan trọng nhất", ông nói. Và đầu năm 1966, ông vào chiến trường miền Nam, bắt đầu hành trình tám năm gian khổ trên mặt trận Đông Nam Bộ, cả bên kia biên giới Campuchia.

Cũng từ chiến trường trở về, ông Đường Minh Tỵ cưới vợ ngay sau kỳ nghỉ phép năm 1954, sống giản dị, tận tụy trong vai trò người thầy giáo, người cán bộ cơ sở.

Sau khi xuất ngũ năm 1958, ông được tuyển làm giáo viên, rồi giữ các cương vị hiệu trưởng, cán bộ Phòng Giáo dục, cán bộ huyện ủy. Được kết nạp Đảng năm 1963, ông luôn sống chan hòa, được đồng nghiệp và nhân dân quý trọng.

Gần 5 tháng sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến sĩ Phạm Danh Mạch cùng Trung đoàn trở về tiếp quản Thủ đô, tiếp tục hơn 30 năm cống hiến cho cách mạng. Nhưng đến tận hôm nay, ba chữ "Điện Biên Phủ" vẫn là ký ức hào hùng nhất trong cuộc đời người lính ấy.

"Chiến dịch ấy ghi công rất nhiều anh hùng liệt sĩ, mà anh Phan Đình Giót – người lấy thân mình lấp lỗ châu mai – là một trong những tấm gương sáng nhất. Trong tình thế sống còn, anh Giót chấp nhận hy sinh mạng sống để mở đường cho đồng đội tiến lên, tiếp thêm sức mạnh để quân ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Tinh thần quyết tử chính là một trong những yếu tố làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ", ông Mạch chia sẻ.

Có một điểm chung giữa những cựu chiến binh trưởng thành trong trận mạc, sống gần trọn một thế kỷ là họ đều còn rất khỏe mạnh, minh mẫn, là chỗ dựa tinh thần quan trọng cho con cháu.

Lý do đơn giản bởi họ vẫn rèn luyện lối sống lành mạnh, duy trì thể thao, hoạt động trí óc và hòa mình với dòng chảy cuộc sống mỗi ngày.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài chia sẻ bí quyết sống khỏe của ông là duy trì một cuộc sống điều độ với những nguyên tắc sống bất biến trong mọi giai đoạn: Luôn suy nghĩ lạc quan, tích cực tin tưởng vào tương lai sẽ tốt đẹp hơn; không bao giờ ngồi lâu quá 1 giờ đồng hồ; không bia rượu.

Từng là kiện tướng bơi lội, đến nay ông vẫn duy trì tập thể dục buổi sáng và bơi 2 giờ vào buổi chiều mỗi ngày.

Dương Thy

Tú Quân

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ky-uc-khoet-nui-ngu-ham-mua-dam-com-vat-chin-nam-lam-mot-dien-bien-192250507015112766.htm