Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025, người hút và mua bán thuốc lá điện tử có bị xử lý hình sự?

Theo luật sư, từ 2025, nếu vừa sử dụng thuốc lá điện tử vừa có hành vi mua bán thuốc lá điện tử có thể bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025.

Như vậy, khi thuốc lá điện tử chính thức bị cấm từ 2025 thì hành vi buôn bán thuốc lá điện tử được xem là buôn bán hàng cấm và sử dụng thuốc lá điện tử cũng tương tự việc sử dụng chất cấm.

Khi thuốc lá điện tử trở thành hàng cấm, người có hành vi sử dụng, sản xuất, buôn bán tiêu thụ thuốc lá điện tử tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh liên quan.

Bộ luật Hình sự hiện hành chưa quy định bất kỳ tội danh nào với hành vi sử dụng chất cấm. Do đó, nếu người chỉ sử dụng thuốc lá điện tử nhưng không buôn bán, tàng trữ thì sẽ không bị xử lý hình sự.

Nếu vừa sử dụng thuốc lá điện tử vừa có thêm hành vi mua, bán có thể bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Hiện nay, về xử phạt hành chính người sử dụng chất cấm được quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo căn cứ này, thì người sử dụng thuốc là điện tử có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Đối với người (chủ thể) thực hiện hành vi kinh doanh, sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền và bị áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại điều 7, điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 190, 191 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung với khung hình phạt cao nhất có thể tới 15 năm tù và bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt tiền cao nhất tới 9 tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cam-thuoc-la-dien-tu-tu-nam-2025-nguoi-hut-va-mua-ban-thuoc-la-dien-tu-co-bi-xu-ly-hinh-su-169241222145536507.htm