Cẩm Thủy xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua huyện Cẩm Thủy đã chú trọng phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương, qua đó mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Sản phẩm miến dong của HTX miến dong Đồi Ao đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Sản phẩm miến dong của HTX miến dong Đồi Ao đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy, chúng tôi đến thăm HTX miến dong Đồi Ao (xã Cẩm Bình). Ông Phạm Văn Thuyết, thành viên HTX cho biết, nghề làm miến dong là nghề truyền thống lâu đời của địa phương, vì vậy gia đình ông gắn bó với nghề này từ nhiều đời nay. Trước đây, hầu hết các gia đình trong xã chỉ sản xuất nhỏ lẻ mang tính tự cung tự cấp, đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của thị trường. Mọi công đoạn làm miến cũng hoàn toàn bằng thủ công. Do nhu cầu thị trường tăng cao, năm 2018 xã Cẩm Bình thành lập HTX miến dong Đồi Ao. HTX đã đầu tư mua trang thiết bị máy móc giúp nâng cao chất lượng miến và mẫu mã sản phẩm. Hiện, HTX có 7 thành viên và hàng chục lao động địa phương tham gia sản xuất. Mỗi năm HTX sản xuất được trên 20 tấn miến dong, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Hiện sản phẩm miến dong Đồi Ao đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, qua đó góp phần nâng tầm chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy Hà Thanh Sơn, cho biết: Trên cơ sở lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng để xây dựng thành sản phẩm OCOP, huyện Cẩm Thủy đã hướng dẫn các chủ thể xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, thay đổi hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, HTX; mở rộng sản xuất, tăng cường liên kết để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại địa phương để có nhiều sản phẩm OCOP; kiểm soát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp lợi thế của địa phương thành sản phẩm OCOP. Tính đến tháng 8/2024, huyện Cẩm Thủy đã có 11 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên. Để nâng tầm giá trị của các sản phẩm OCOP, UBND huyện Cẩm Thủy đã kết nối với doanh nghiệp và các chủ thể đưa 11 sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử Voso.vn và posmart. Đây đều là những sản phẩm thế mạnh, đặc sản của địa phương, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo về chất lượng, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên. Tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, các cơ sở sản xuất được hướng dẫn, đào tạo về kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; kỹ năng thực hiện quy trình đóng gói, kết nối tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn; hỗ trợ đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn và quy trình thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn; tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia hội chợ thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm với người dân, du khách. Hiện các sản phẩm OCOP của huyện đã có mặt trong hệ thống siêu thị, các cửa hàng trong và ngoài huyện.

Huyện Cẩm Thủy phấn đấu hết năm 2024 có thêm 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên. Để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, huyện đang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, đăng ký bổ sung các sản phẩm lợi thế, đặc trưng của địa phương để đưa vào danh mục thẩm định, công nhận hàng năm và giai đoạn. Bên cạnh đó, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn đảm bảo kịp thời, đúng quy định; áp dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để khuyến khích các chủ thể phát triển sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương...

Bài và ảnh: Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/cam-thuy-xay-dung-va-phat-trien-cac-san-pham-ocop-224168.htm