Cấm túi nilon: Bước đi cần thiết và dũng cảm

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa trở thành vấn nạn toàn cầu, việc HĐND TP. Hà Nội thông qua lộ trình cấm sản phẩm nhựa dùng một lần tại chợ và cửa hàng tiện lợi từ ngày 1/1/2028 là bước đi cần thiết và dũng cảm.

Người dân sử dụng túi giấy và làn nhựa đi chợ để hạn chế sử dụng túi nilon. Ảnh: T.L

Người dân sử dụng túi giấy và làn nhựa đi chợ để hạn chế sử dụng túi nilon. Ảnh: T.L

Theo quy định, từ ngày 1/1/2026, các khách sạn, khu du lịch trên địa bàn Hà Nội sẽ không được sử dụng và lưu hành các sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm: bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm bông, mũ tắm; bao bì nhựa dùng một lần đựng kem đánh răng, sữa tắm, sữa dưỡng thể, dầu gội, sữa dưỡng tóc.

Từ ngày 1/1/2027, các chợ và cửa hàng tiện lợi không được cung cấp miễn phí túi nilon khó phân hủy sinh học. Từ ngày 1/1/2028, các cơ sở này phải dừng hoàn toàn việc lưu hành và sử dụng túi nilon khó phân hủy, trừ trường hợp đóng gói hàng hóa,…

Không khó để nhận thấy túi nilon hiện diện khắp mọi ngóc ngách đời sống đô thị. Từ khu chợ truyền thống tấp nập đến các siêu thị hiện đại, từ quán ăn vỉa hè đến cửa hàng tiện lợi, túi nilon được sử dụng một cách vô tội vạ. Chúng gói ghém mọi thứ, từ mớ rau, miếng thịt đến ly cà phê mang đi, rồi sau đó bị vứt bỏ chỉ sau vài phút sử dụng.

Hệ quả là hàng tấn túi nilon thải ra môi trường mỗi ngày, gây tắc nghẽn cống rãnh, ô nhiễm đất và nước. Hình ảnh những con kênh đen ngòm nổi lềnh bềnh túi nilon, hay những bãi rác khổng lồ chất chồng đủ loại nhựa đã trở nên quen thuộc, cho thấy một bức tranh môi trường đáng báo động.

Việc hạn chế lượng rác thải nhựa, đặc biệt là túi nilon, sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Nhưng chính sách này sẽ kèm với thách thức. Bởi thay đổi một thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức của đại bộ phận người dân không phải dễ dàng. Ngay cả khi có quy định, nhiều người vẫn có thể tìm cách lách luật hoặc phớt lờ.

Nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là ở các chợ truyền thống, đã quen với việc nhận túi nilon miễn phí và sẽ cần thời gian để thích nghi với việc mang theo túi riêng hoặc trả tiền cho túi thay thế.

Dù gặp trở ngại nhưng việc Hà Nội mạnh dạn ban hành quy định cấm sử dụng túi nilon dùng một lần không chỉ là một hành động đơn lẻ mà nằm trong lộ trình tổng thể về giảm thiểu rác thải nhựa, hướng tới một thủ đô xanh, sạch, đẹp hơn.

Từ câu chuyện của Hà Nội, ngẫm đến Thái Nguyên. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều phong trào và hoạt động nhằm hạn chế sử dụng túi nilon, hướng tới lối sống xanh và bảo vệ môi trường. Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã triển khai mô hình “Đi chợ bằng làn” tới hội viên để hạn chế tối đa việc thải rác nilon ra môi trường.

Nhiều cửa hàng, siêu thị có thời điểm dừng việc cung cấp túi nilon, khuyến khích khách hàng mang theo túi riêng hoặc mua túi có thể tái sử dụng.

Các tổ chức, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày, hướng tới việc phân loại rác thải và giảm thiểu lượng rác thải nhựa. Nhưng sau những chiến dịch, phong trào mọi chuyện lại trở về như cũ. Bởi vậy, Thái Nguyên cũng nên có động thái như Hà Nội.

Chiếc túi nilon tưởng chừng đơn giản, vấn đề đặt ra là cách chúng ta tiêu dùng và thải bỏ. Nếu mỗi hành động nhỏ được thực hiện hàng ngày sẽ tạo nên xã hội tiêu dùng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm nhựa và kiến tạo một nền kinh tế tuần hoàn thực chất.

X.A

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202507/cam-tui-nilon-buoc-di-can-thiet-va-dung-cam-cde05f7/