Cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với lái xe: Triệt để thì hết chống chế!

Theo báo cáo của Bộ Công an thì từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do TNGT đường bộ gây ra, trong số đó 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra.

Điều tra xã hội học đối với 43.765 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an quản lý thì có 22.442 phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu, bia chiếm 51,28% đối với 7 nhóm tội danh như giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Như vậy, vì rượu bia mà hàng nghìn, hàng vạn gia đình tan nát, người chết, kẻ vào tù, người mang thương tật suốt đời. Đó là những nỗi đau không gì bù đắp được, không gì thay thế được, đặc biệt là những người già, trẻ em thơ mất con, mất cha mẹ thì những nỗi đau đó ám ảnh họ đến hết cuộc đời.

Công an Bắc Giang kiểm tra hiện trường vụ tai nạn giao thông làm 3 người chết.

Công an Bắc Giang kiểm tra hiện trường vụ tai nạn giao thông làm 3 người chết.

Trong chuyến đi công tác tại Trại giam Phú Sơn 4 ở Thái Nguyên, tôi ám ảnh mãi ánh mắt của phạm nhân N.T.H - một người từng gây tai nạn cho chính đứa con trai ruột của mình. Hôm đó, H đèo cậu con trai 6 tuổi đi chơi, gặp mấy đứa bạn học phổ thông nên rủ nhau vào quán “uống một tí” để mừng hội ngộ. Cuộc rượu từ chiều đến tận hơn 8h tối mới tan. H lái xe đèo con trai về nhà trong trạng thái lơ mơ, không kiểm soát nổi bản thân.

Khi đi gần đến nhà, H thấy chiếc xe ôtô cứ “lờn vờn” phía trước nên thấy ngứa mắt quyết vượt lên. Theo đó, anh ta đánh lái sang trái để vượt ôtô. Không ngờ, xe ôtô từ phía ngược chiều cũng vừa tới. H hoảng loạn lao sang hẳn bên trái đường, tông vào 1 xe máy đi ngược chiều, con trai của H văng ra giữa đường… Hậu quả của vụ tai nạn làm 2 người chết (con trai của H và người điều khiển xe máy đi ngược chiều), H bị thương nặng sau đó phải trả giá 6 năm tù. Cái giá đắt tới mức, suốt một thời gian dài, H không ăn không ngủ được.

Hơn 3 năm ở trại giam, không 1 lần vợ anh ta đến thăm bởi nỗi oán hận mất đi đứa con trai duy nhất do chính chồng mình gây ra đã khiến vợ H không tha thứ nổi. Quẹt nước mắt bằng bàn tay thô ráp, giọng H trầm trầm: “Tôi chỉ mong không còn ai vì rượu bia mà mất tất cả như tôi. Mất con, mất vợ, mất gia đình. Kể cả nay mai ra tù tôi cũng chưa biết phải đối diện như thế nào với chính mình. Thật sự, tôi sống không bằng chết, chỉ vì ham rượu bia mà tự đẩy cuộc đời vào vực sâu không đáy”.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe.

Còn đối với người mẹ là bà Nguyễn Thị Mai ở phường Song Mai, TP Bắc Giang thì nỗi đau còn lớn gấp bội bởi con gái và con rể bà đã mất trong 1 vụ tai nạn giao thông do lái xe sử dụng rượu bia gây ra. “Giờ tôi hơn 60 tuổi phải đi làm thuê nuôi 2 cháu ngoại, 1 đứa 2 tuổi 1 đứa 6 tuổi. Tôi chưa biết bà cháu tôi sẽ sống ra sao, tôi già yếu thì ai nuôi nấng, dạy dỗ các cháu tôi nên người” - bà Mai xót xa và đề nghị, nhà nước phải xử phạt thật nặng những kẻ uống rượu bia lái xe.

Trường hợp cháu Nguyễn H.T cũng đáng thương không kém khi chỉ trong phút chốc mất cả bố lẫn mẹ và em gái do đối tượng say rượu gây ra. Vụ tai nạn xảy ra đêm 2/6/2022, ôtô hiệu Audi do Nguyễn Đức Thịnh, cán bộ Sở GTVT Bắc Giang điều khiển đi trên đường Hoàng Văn Thụ hướng đi Ngô Văn Cảnh. Tới khu vực ngã tư Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ, ôtô này va chạm với xe máy do ông Nguyễn Mạnh Hưng, (là bố của cháu T) ở phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang cầm lái chở theo vợ và con gái. Vụ tai nạn khiến 3 người trên xe máy tử vong tại chỗ. Cơ quan Công an xác định tài xế Nguyễn Đức Thịnh có nồng độ cồn trong cơ thể là 0,604 mg/l khí thở. Nguyễn Đức Thịnh khai nhận có uống rượu, bia rồi hát karaoke với bạn, trên đường đi về đã không làm chủ được bản thân nên gây tai nạn.

Trên diễn đàn Quốc hội, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm khi thảo luận dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ đó là quy định cấm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Dự án luật này đã được Bộ Công an dày công nghiên cứu, xây dựng từ Quốc hội khóa XV. Trong chương trình Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến từ Kỳ họp thứ 6, đang tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và dự kiến bỏ phiếu thông qua vào ngày 26/6 tới đây.

Nói về điều này, đại biểu Tạ Văn Hạ (ĐBQH tỉnh Quảng Nam) dẫn chứng, từ năm 2009-2013, cả nước có đến hơn 379.000 vụ TNGT, chết trên 142.000 người, bị thương 367.000 người, trong đó bình quân mỗi năm có 9.000 người chết TNGT và 30.000 người bị thương; 90% các vụ TNGT có nguyên nhân chính là do người tham gia giao thông. Hậu quả để lại là gì? Rất nghiêm trọng, đến 70% người bị TNGT là trụ cột kinh tế gia đình.

“Chúng ta thấy rằng, tai nạn không những để lại nỗi đau cho các gia đình mà còn là gánh nặng, mấy trăm nghìn người bị thương đã để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội” - đại biểu nhấn mạnh và chia sẻ, TNGT sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thiệt hại tương đương 2,9% GDP hằng năm, tương đương với 400.000 tỷ đồng Việt Nam trên một năm, đấy là thiệt hại về kinh tế. So với khu vực năm 2019, tỷ lệ chết vì tai nạn giao thông trên 100.000 người dân thì Việt Nam là 31 người/100.000 người dân, trong khi đó Singapore là 2 người/100.000 người dân năm 2022, Indonesia có 11 người/100.000 người dân, trong khi đó dân số của Indonesia là 275,5 triệu dân.

“Hiến pháp đã quy định mọi người có quyền sống, được bảo hộ tính mạng, không ai có quyền tước đoạt tính mạng trái pháp luật, mỗi người có quyền bất khả xâm phạm thân thể. Do vậy, với tinh thần vì tính mạng con người, phòng là chính, tôi thống nhất nên cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn như Bộ Công an đề xuất” - đại biểu nhấn mạnh.

Kiểm tra thường xuyên là biện pháp hiệu quả, tác động trực tiếp đến ý thức của người tham gia giao thông.

Kiểm tra thường xuyên là biện pháp hiệu quả, tác động trực tiếp đến ý thức của người tham gia giao thông.

Còn ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) thì cho rằng, quy định này sẽ khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định. “Với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn thì người dân không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, còn nếu quy định có ngưỡng nhất định thì người dân khó xác định uống bao nhiêu thấp hơn ngưỡng đó, nhất là khi đã uống vào thì khó làm chủ bản thân, dễ bị vượt ngưỡng. Hơn nữa, quy định này đã dần đi vào cuộc sống, nhiều người dân đã hình thành từng bước thói quen đã uống rượu bia không lái xe, do vậy, tôi thống nhất quy định này” - đại biểu nêu quan điểm.

Mới đây nhất, ngày 11/6, tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chia sẻ về lý do vì sao phải cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với lái xe, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ: “Bằng kinh nghiệm chỉ đạo công tác đảm bảo TTATGT, tôi tha thiết đề nghị các đồng chí để 1 phương án là nồng độ cồn bằng 0 để đảm bảo sự thống nhất trong việc chấp hành pháp luật, đảm bảo an toàn cho người dân”.

Đồng chí Thứ trưởng cho biết, việc lực lượng Công an xử lý nghiêm nồng độ cồn nên năm 2023 giảm gần 2.000 người chết so với năm 2022. Nhờ đó, hàng nghìn gia đình không mất người thân, hàng nghìn trẻ em không bị mồ côi, bố mẹ không bị mất con và cũng giảm hàng nghìn người không phải vào vòng lao lý do gây TNGT. “Khi chúng tôi chỉ đạo quyết liệt xử lý vi phạm về nồng độ cồn thì tai nạn giao thông đã giảm rõ rệt như vậy nên chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ phương án nồng độ cồn bằng 0” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nêu.

Tạm giữ phương tiện của lái xe có vi phạm nồng độ cồn.

Tạm giữ phương tiện của lái xe có vi phạm nồng độ cồn.

Giải trình quy định về cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (khoản 2 điều 10), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, quy định trên được kế thừa quy định tại khoản 8 điều 8 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thống nhất với quy định tại khoản 6 điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và quy định cụ thể cho lĩnh vực giao thông đường bộ.

Nếu không tiếp tục kế thừa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, sẽ làm tăng số vụ TNGT, kéo theo làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội; đi ngược lại những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, gây lãng phí công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân.

Về nồng độ cồn nội sinh, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, đề xuất giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác. “Theo chuyên gia y tế thì cồn nội sinh là cồn tự sinh ra trong cơ thể mà không có bất kỳ tác động nào khác bên ngoài, có nồng độ rất thấp mà các phương tiện thông thường kiểm tra nồng độ cồn hiện nay không thể phát hiện được. Thực tiễn, qua hoạt động kiểm tra của lực lượng CSGT thời gian qua chưa phát hiện trường hợp nào oan sai về nồng độ cồn” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/cam-tuyet-doi-nong-do-con-doi-voi-lai-xe-triet-de-thi-het-chong-che--i734419/