Cam Vinh trên đất Tân Long

Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là bà con vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2016, mô hình trồng cam Vinh đã được triển khai tại xã Tân Long (Đồng Hỷ) với quy mô 2ha. Đến nay, qua 3 năm thực hiện, mô hình này đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Mỗi gốc cam Vinh, gia đình ông Hoàng Ngọc Triều, ở xóm Làng Giếng, xã Tân Long thu được 2-3 tạ, giá bán trung bình 30 nghìn đồng/kg.

Mỗi gốc cam Vinh, gia đình ông Hoàng Ngọc Triều, ở xóm Làng Giếng, xã Tân Long thu được 2-3 tạ, giá bán trung bình 30 nghìn đồng/kg.

Gia đình ông Hoàng Ngọc Triều, ở xóm Làng Giếng là một trong những hộ dân tham gia mô hình với gần 400 gốc cam Vinh trồng trên diện tích gần 0,5ha. Năm nay là năm thứ 2 liên tiếp diện tích cam của gia đình ông cho thu hoạch. Ông Triều cho biết: Năm ngoái, vườn cam gia đình tôi mới ra quả nhưng cũng thu được gần 1 tấn. Với giá bán trung bình 30 nghìn đồng/kg, gia đình tôi thu được hơn 30 triệu đồng, trừ các chi phí thu lãi khoảng 25 triệu đồng.

Cũng giống như ông Triều, gia đình ông Hoàng Văn Tân, ở xóm Ba Đình đã trồng hơn 300 gốc cam Vinh. Ông Tân cho biết: Qua một thời gian thực hiện, tôi thấy, trồng cam chỉ mất công chăm sóc khi cây ra hoa, đậu quả, đồng thời cần chú ý sâu vẽ bùa ở thời điểm cây ra lộc và bướm, ruồi vàng ở thời điểm cây đậu quả. Ở giai đoạn sau thu hoạch, bà con cần xới đất xung quanh gốc để bón phân, giúp cây phục hồi, sinh trưởng tốt cho lứa thu hoạch sau.

Mô hình trồng cam Vinh được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đồng Hỷ triển khai từ tháng 7-2016, với 8 hộ dân ở 3 xóm (gồm: Làng Giếng, Ba Đình và Làng Mới) của xã Tân Long tham gia. Bà con tham gia mô hình này ngoài được hỗ trợ 100% giá cây giống còn được hỗ trợ 70% giá phân bón, tập huấn các kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ biết cách chăm sóc, hiện nay, toàn bộ diện tích cam trong mô hình đều sinh trưởng, phát triển tốt. Qua đánh giá, giống cam Vinh phù hợp với đồng đất Tân Long, cây cho quả có vị ngọt thanh, đậm đà, quả tròn đều, mọng nước, có mùi thơm đặc trưng ngay khi bóc. Giống cam Vinh càng chín càng ngọt, do đó, dù bắt đầu cho thu hoạch vào tháng 10 âm lịch hàng năm nhưng nhiều hộ dân để tới 2-3 tháng sau, vào dịp Tết Âm lịch mới thu để bán với giá 50-60 nghìn đồng/kg. Ông Triệu Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Hỷ cho biết: Mục đích của việc đưa giống cam Vinh về xã Tân Long là nhằm lựa chọn những cây trồng phù hợp với điều kiện đồng đất, từ đó để nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là bà con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua triển khai thực hiện, chúng tôi đánh giá giống cam này phù hợp với đất ở đây, cam cho năng suất, chất lượng cao. Hiện nay, dù mới là năm thứ 2 thu hoạch nhưng mỗi cây đã cho thu được từ 1-2 tạ quả, có cây đã đạt trên 3 tạ quả, về lâu dài, có thể thu từ 4-5 tạ quả/ cây.

Ông Hoàng Hồng Nhật, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết: Tân Long là xã đặc biệt khó khăn. Đời sống của nhân dân phụ thuộc vào nông nghiệp là chính nên còn nhiều khó khăn. Mô hình trồng giống cam Vinh đến nay là năm thứ 3 thực hiện, cho thấy bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì thế mà nhiều hộ dân trong xã và các xã lân cận, như: Quang Sơn, Hóa Trung, Hòa Bình... đã tự trồng, với diện tích khoảng 25ha (riêng xã Tân Long 20ha). Về tiêu thụ sản phẩm, do là giống cam ngọt, có mùi vị thơm đặc trưng, giá bán hợp lý (từ 25-40 nghìn đồng/kg) nên bà con bán rất dễ, có tư thương vào thu mua hoặc đem đi chợ bán. Vụ năm ngoái, nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua về sử dụng. Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ đề nghị các ngành chức năng của tỉnh, huyện tiếp tục có cơ chế, chính sách hợp lý nhân rộng mô hình này, đồng thời có kế hoạch nhằm quảng bá sản phẩm ra thị trường...

Chung An

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/cam-vinh-tren-dat-tan-long-266958-108.html