Cấm xe máy vào nội đô: Bài toán chưa có đáp án chính xác?
Mới đây, UBND TP.Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND Thành phố về Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông, giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, thành phố tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục, để phê duyệt đề án về phân vùng, hạn chế hoạt động xe máy và tiến tới dừng hoạt động loại phương tiện này trên địa bàn các quận trong những năm tới.
Như vậy, theo tờ trình, việc cấm xe máy tại các quận dự kiến sẽ được triển khai sau năm 2025. Nghĩa là sớm hơn 5 năm so với kế hoạch trước đó. Ngay sau khi thông tin được công bố, người dân và giới chuyên gia bày tỏ nhiều băn khoăn về tính khả thi của đề án, cũng như lo ngại sẽ "không biết đi bằng gì", nếu cấm xe máy.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS Trần Thế Tuân – Giảng viên Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải nhận định: “Trước hết phải thừa nhận đây là một chủ trương lớn, đúng đắn phù hợp với xu hướng phát triển. Có thể dễ dàng nhận thấy, mục tiêu của các cơ quan chức năng hướng đến khi xây dựng đề án này nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, ở đây là xe máy ra đường qua đó xử lý nạn tắc đường tại Thủ đô. Hai là hạn chế khí thải, qua đó góp phần giảm ô nhiễm không khí...".
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Tuân thì để giải quyết được 2 vấn đề đã đề cập ở trên cơ quan chức năng TP.Hà Nội cần phải trả lời được các đáp số có ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. Thứ nhất, nếu lấy năm 2025 là mốc để thành phố ban hành quyết định cấm, hạn chế xe máy vào nội đô thì liệu các cơ quan chức năng TP.Hà Nội có đủ thời gian, lộ trình chuẩn bị về kết cấu hạ tầng giao thông nội đô hay chưa? Vấn đề quan trọng hơn nữa là từ nay đến đó Thành phố có các phương án nhằm nâng cao năng lực của các phương tiện giao thông thay thế khác chưa? Theo tôi đây là vấn đề then chốt, bởi đặc thù của Thù đô nước ta hiện nay xe máy được cho là phương tiện đi lại và tham gia vào các chuỗi cung ứng chính của người dân và doanh nghiệp.
Tiến sỹ Tuân cũng đánh giá đây là một chủ trương đúng đắn, nhưng để biến chủ trương này thành hiện thực không hề đơn giản, nếu thành phố không thực hiện một cách khoa học và bài bản sẽ phản tác dụng.
Nếu UBND TP.Hà Nội quyết tâm áp dụng chủ trương này vào năm 2025, thì những người đứng đầu thành phố, các nhà chính sách cần phải nhìn thấy những tác động của đề án này đến các vấn đề kinh tế - xã hội.
Nếu cấm xe máy vào nội đô, thì buộc những người tham gia giao thông sẽ phải lựa chọn các loại hình tham gia giao thông thay thế. Ví dụ lúc đó, các phương tiện công cộng tại Thủ đô vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, thì sẽ có một lượng lớn phương tiện thay thế xe máy như ô tô, xe đạp điện,… đổ xô ra đường. Nhất là với việc lượng ô tô vào nội thành tăng lên khiến giao thông khu vực nội đô vốn đã thường xuyên ùn tắc nay càng nghiêm trọng hơn, ô nhiễm không khí tăng cao. Chẳng phải nhìn đâu xa, bài học nhãn tiền đến nay vẫn còn nguyên giá trị thể hiện trong quá trình xây dựng tuyến bus nhanh BRT, quá trình xây dựng đường vành đai 2 trên cao,…
Thứ nữa, nếu cấm xe máy vào nội đô sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động phi chính thức như xe ôm, shipper? Trước khi cấm xe máy vào nội thành, chúng ta cần có những chính sách an sinh cho họ để cho chủ trương chính sách của Thành phố không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân?
Chưa kể khi Thành phố cấm xe máy vào nội đô, chưa kể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đang kinh doanh,… Chưa kể các nhà sản xuất xe máy, sản xuất phụ trợ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Từ đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách trên địa bàn thành phố là rất lớn, xét về mặt kinh tế.
Từ những quan điểm ở trên, Tiến sỹ Tuân cho rằng, Thành phố cần có những bước đi thận trọng tránh ảnh hưởng tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp có sử dụng phương tiện là xe máy.
Cũng theo Tiến sỹ Tuân thì TP.Hà Nội quyết tâm “cấm” xe máy vào nội đô thì trước hết nên làm thí điểm ở một số tuyến đường, tuyến phố để từ đó rút ra bài học, cũng như có lộ trình cụ thể nhằm giải quyết được các vấn đề như đã phân tích ở trên…