Cảm xúc đương đại trong vở kịch thơ 'Hoạn Thư ghen'
Vở kịch thơ 'Hoạn Thư ghen' là một trích đoạn tiêu biểu trong 'Truyện Kiều' của Đại thi hào Nguyễn Du do NSƯT Trần Tường đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật từ kịch bản cùng tên của tác giả Phương Văn - Hội Kiều học Việt Nam, do nhà giáo Hoàng Xuân Khóa – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Kiều học Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Kiều học Việt Nam TP Hải Phòng biên tập.
Vở diễn đã để lại bao cảm xúc cho người xem trước hết bởi sự tham gia tích cực, tâm huyết của cả một ê kíp sáng tạo gồm các văn nghệ sĩ như: NSƯT Trần Tường, NSND, nhạc sĩ Đào Trung, NSƯT Thanh Thanh Hiền … Sau sáu tháng tập luyện tích cực, các nghệ sĩ CLB Sân khấu "Biển hẹn" đã mang lại bao cảm xúc và lấy đi nước mắt của không ít khán giả. Đây là công trình nghệ thuật hướng tới kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (1820- 2020).
Truyện Kiều là kiệt tác của Đại thi hào Nguyễn Du. Thiên tài Nguyễn Du thể hiện trong nhiều phương diện nghệ thuật, trong đó phải kể đến cách xây dựng tạo ra một thế giới nhân vật phong phú, đa dạng với cá tính độc đáo, riêng có. Trong thế giới ấy nổi bật là các kiểu nhân vật lý tưởng, nhân vật anh hùng, nhân vật đại diện cho cái ác, cái xấu... Những cái tên: Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, Hoạn Thư, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh… trong Truyện Kiều đã quá quen thuộc trong đời sống của của người dân Việt Nam. Quen đến mức chỉ cần khẽ chạm tên là nhân vật hiện lên bản chất giai tầng xã hội với sự phác họa đậm nét, sống động mang tính biểu tượng, khái quát cao. Nổi bật trong hệ thống biểu tượng ấy phải nói đến là nhân vật Hoạn Thư, trong đó "Hoạn Thư ghen" là một trích đoạn tiêu biểu nhất, mang dấu ấn đặc sắc nhất về cái ghen đặc biệt - một kiểu ghen rất đời và cũng rất đàn bà. Đúng là đòn ghen của Hoạn Thư chỉ "nhẹ như bấc, nặng như chì", "Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen"…mà đã làm nên một Hoạn Thư bằng xương bằng thịt.
Diễn biến tâm lý các nhân vật trong vở diễn "Hoạn Thư ghen" đã được khai thác một cách khá hợp lý và nhất là đạo diễn đã thổi cảm xúc đương đại vào câu chuyện hơn 2 thế kỷ trước vẫn nguyên tính thời sự. Trong đoạn trích xoay quanh trục "nhân vật tay ba", "quan hệ tay ba". Bi kịch xót đau cũng từ "Tình yêu tay ba" này mà ra.
Hoạn Thư là nhân vật đặc biệt nhất trong Truyện Kiều. Chỉ cần hai câu lục bát, con quan Thượng Thư Bộ Lại hiện ra với chân dung đặc biệt "Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao". Cũng chính phẩm tính này đã chi phối Hoạn Thư trong mọi cách ứng xử với chồng, với tình địch, với cả người ăn người ở trong nhà... Hoạn Thư phong thanh biết chuyện Thúc Sinh "Từ khi vườn mới thêm hoa / Miệng người đã lắm, tin nhà thì không". Tâm lý Hoạn Thư diễn biến khá phức tạp, đan xen nhiều mâu thuẫn: âm mưu, thâm độc, toan tính, cay nghiệt, nương tay, đồng cảm, thương người, tha thứ... Lúc đầu, nàng chỉ trách giận chồng "Lửa tâm càng dập càng nồng / Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa". Hoạn Thư thừa biết cuộc hôn nhân chẳng qua là "Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa" chứ đâu phải là tình yêu chân thành, say đắm. Thúc Sinh vốn "cũng nòi thư hương" trong gia đình dòng dõi và buôn bán "Theo nghiên đường mở ngôi hàng Lâm Tri" sao có thể sánh được với "Con quan Lại bộ" họ Hoạn danh gia.
Dẫu cũng chẳng phải "Môn đăng hộ đối" lắm, nhưng Hoạn Thư không lên mặt, không cậy thế, cậy quyền mà vẫn đối xử với chồng đúng bổn phận người vợ "Ở ăn thì nết cũng hay/ Nói điều ràng buộc thì tay cũng già". Hoạn Thư đã cố gắng vun vén cho hạnh phúc riêng, nhưng nàng có nỗi đau đàn bà khi chồng ở bên mà chỉ như cái xác không hồn. Lúc nào Thúc Sinh cũng chỉ hướng đến Lâm Tri có người tình mặn nồng thắm thiết. Thêm nữa, lại có nỗi buồn riêng khi chưa có con nối dõi tông đường, nên Hoạn Thư cũng rất biết phận mình. "Ớt nào là ớt chẳng cay", nhưng vì thể diện là con quan Lại Bộ, Hoạn Thư âm thầm, kìm chế có cách "xử êm" theo cách riêng của mình. Trước hết, không làm ầm ĩ, to chuyện, giữ danh dự cho chồng vì "xấu chàng hổ ai", điều quan trọng cần giữ cho gia đình êm ấm như không có chuyện gì "Nỗi lòng kín chẳng ai hay/ Ngoài tai để mặc gió bay mé ngoài".
Đúng là khi yêu thật khó mà tỉnh táo. Thúc Sinh dẫu có che chắn đến đâu thì hương yêu cứ khiến "tự bạch" con người thật "chẳng khảo mà xưng" không qua mặt được tiểu thư khôn ngoan. Thế nên, khi làm "phép thử", nhất là gợi ý cho chồng trở lại Lâm Tri "Cách năm, mây bạc xa xa/ Lâm Truy cũng phải tính mà thần hôn" thì chàng vội vã, hoan hỉ ra mặt "Được lời như mở tấc son/ Vó câu thẳng ruổi nước non quê người". Đến nước này, Thúc Sinh đã vi phạm nghiêm trọng nề nếp, gia phong của gia đình quý tộc thì tất nhiên kẻ bội bạc, trăng hoa phải nhận một bài học thích đáng. Cơn cuồng phong, thịnh nộ, giận dữ bắt đầu bằng trận ghen "độc nhất vô nhị" này: "Làm cho nhìn chẳng được nhau/ Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên!/ Làm cho trông thấy nhãn tiền/ Cho người thăm ván bán thuyền biết tay". Kế hoạch được lên một cách chu đáo, êm nhẹm, không để lại dấu vết: bắt cóc Kiều, đốt nhà thế xác, tạo hiện trường giả… cũng là để Thúc Sinh nguôi ngoai thương nhớ người tình mà toàn tâm toàn ý trở về với chính thất "Chạnh lòng nhớ cảnh gia hương/ Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê". Thúy Kiều bị đưa về nhà cha mẹ Hoạn Thư để "dạy" những phép tắc thông thường. Nhưng thấy mẹ "ra tay" tàn độc quá, thì lại chính Hoạn Thư lại can ngăn, khiến Hoạn Bà cũng không hiểu suy nghĩ của con gái. Từ nhà họ Hoạn, Kiều được đưa về làm con hầu, nô tì ở nhà Hoạn Thư…
Tình thế trớ trêu của cả ba người. Liệu Hoạn Thư có vui? Thúc Sinh thì: "Sinh càng như dại như ngây/ Giọt dài giọt ngắn chén đầy chén vơi". Khó ăn khó nói chỉ còn cách giả vờ say thì lại phải trở lại trạng thái nói cười "Sinh càng nát ruột tan hồn/ Chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay" khi "Tiểu thư vội thét con Hoa/ Khuyên chàng chẳng cạn thì ta cho đòn". Tiếng đàn của Kiều "như thóc như than", càng Thúc sụt sùi thì phải vội câm nín gượng gạo "Vội vàng gượng nói gượng cười cho qua" khi nghe thấy "hoa nô" bị kết tội là "chẳng biết ý tứ gì/ Cho chàng buồn bã tội thì tại ngươi"…
Biết chồng lén vào Quan Âm Các gặp hoa nô mang pháp danh Trạc Tuyền đang làm nhiệm vụ chép kinh, Hoạn Thư đứng ngoài nghe hai người than khóc sự tình. Sợ sự thâm hiểm của Hoạn Thư, sợ sự an toàn của tính mạng và nhiều nỗi khiếp sợ khác, Kiều bày tỏ nguyện vọng duy nhất muốn thoát khỏi nơi đây và chỉ xin Thúc Sinh một đặc ân cuối cùng: "Liệu mà mở cửa cho ra/ Ấy là tình nặng ấy là ơn sâu". Thúc Sinh dẫu yêu Kiều đến mấy cũng chỉ biết ngậm ngùi một tình yêu bất lực
Sự trừng trị chồng chuyển cho tình địch để cả hai cùng phải ngấm đòn đau. Tưởng là "nhẹ tay" không dấu vết với chồng. Tưởng là chuyển trọng lực căm giận vào chỉ vào tình địch, nhưng thực ra Hoạn Thư càng đau hơn vì chính nàng đang tự hành hạ mình, xát muối cho trái tim cô đơn. Nhất là khi chứng kiến chồng mình gặp lại Kiều vẫn tình nồng duyên thắm; xa xót khi tâm trạng của Thúc Sinh chỉ hướng đến tâm trạng Thúy Kiều mà chả để tâm đến nỗi đau của vợ; kể cả khi đã "nhổ được cái gai" giành được chồng khỏi tay tình địch thì Hoạn Thư đâu có mãn nguyện? Chữ ĐAU là bi kịch dành cho "Tình yêu tay ba". Kiều đau. Thúc Sinh đau. Và Hoạn Thư càng đau hơn. Nàng đau ngay trong chính tiếng cười, niềm vui, hả hê đã hạ nhục được đối thủ "Lòng riêng khấp khởi mừng thầm/ Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay". Theo tôi, Hoạn Thư nói vậy mà không phải vậy…
Đoạn trích "Hoạn Thư ghen" đã được ê kíp sáng tạo dàn dựng hướng theo bằng cái nhìn nhân văn, cảm thông. Cảm xúc đương đại đã được thổi vào câu chuyện hơn 2 thế kỷ trước vẫn nguyên tính thời sự, vẹn nguyên thông điệp đến hôm nay về hôn nhân, gia đình; cách ứng xử văn hóa trong quan hệ chồng vợ với mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc…
Ngày 14/12/2019, Chi hội Kiều học Việt Nam TP Hải Phòng, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hải Phòng và CLB Sân khấu "Biển Hẹn" đã công diễn thành công vở kịch thơ "Hoạn Thư ghen" tại Nhà hát Tháng Tám (TP Hải Phòng). Đến dự đêm công diễn có lãnh đạo, Ban Chấp hành Trung ương Hội Kiều học Việt Nam; lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao TP Hải Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng; lãnh đạo Chi hội Kiều học Việt Nam TP Hải Phòng, Chi hội Kiều học Việt Nam TP Hà Nội; cùng đại diện các Sở, Ban, ngành, Ban Giám hiệu các trường học, các Hiệp hội của TP Hải Phòng; các cơ quan báo chí, truyền thông Hải Phòng và đông đảo khán giả yêu thích Nguyễn Du và Truyện Kiều.