Cảm xúc lắng sâu với 'Lời khẩn cầu từ dòng Đà Giang'

Tôi thực hiện bộ phóng sự ảnh 'Lời khẩn cầu từ dòng Đà Giang' với mong muốn duy nhất là gửi thông điệp đến cộng đồng về một dòng Đà Giang nói riêng và các dòng sông, môi trường tự nhiên nói chung đang bị cạn kiệt sức sống bởi biến đổi khí hậu và bởi sự tác động quá mức của con người'.

Bài liên quan

Lát cắt phi thường nơi “tâm dịch”

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư - VTV: Chỉ cảm xúc mới “chạm” được tới “tâm” của người xem

Thông tin dồn dập, số liệu tăng chóng mặt và sự thật hối thúc từng giờ

Nhà báo Nguyễn Ngân- VTV: Phải đến gần hơn với nhân vật, câu chuyện để truyền cảm xúc đến khán giả

10 năm trăn trở cùng vấn nạn của ngành y

Chiến dịch “giải cứu 24 Chúa Sơn Lâm”

“Tôi thực hiện bộ phóng sự ảnh “Lời khẩn cầu từ dòng Đà Giang” với mong muốn duy nhất là gửi tới một thông điệp đến cộng đồng về một dòng Đà Giang nói riêng và các dòng sông, môi trường tự nhiên nói chung đang bị cạn kiệt sức sống bởi biến đổi khí hậu và bởi sự tác động quá mức của con người” - nhà báo Lưu Trọng Đạt - Cơ quan thường trú TTXVN tại Hòa Bình chia sẻ về nguyên cớ anh thực hiện tác phẩm vừa được Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI - năm 2021 đánh giá cao. Nhà báo Lưu Trọng Đạt kể lại:

Nhận nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ tại Cơ quan thường trú TTXVN tại Hòa Bình vào cuối năm 2019, tôi đã nhanh chóng bắt nhịp được công việc, nỗ lực hoàn thiện mình để trở thành một phóng viên thường trú đa năng đúng nghĩa.

Trong hai năm 2020, 2021, tôi dành thời gian đi cơ sở huyện, xã nhiều để tìm hiểu sâu, cặn kẽ về con người, văn hóa, phong tục tập quán và sự phát triển kinh tế vùng miền của người dân địa phương.

Tôi luôn cảm thấy tiếc nuối với những giá trị, bản sắc đặc trưng dân tộc của địa phương này đang ngày càng bị mai một theo thời gian và cảnh quan thiên nhiên đang dần bị xâm lấn.

Tôi cố gắng đi thật nhiều, chụp thật nhiều hình ảnh còn sót lại, hy vọng sau này sẽ trở thành những tư liệu quý giá, không chỉ với tôi mà còn đối với nhân dân địa phương cho thế hệ mai sau sẽ biết về một Hòa Bình của quá khứ ra sao.

Và rồi, sau những ngày khám phá vùng đất này, những ngày lăn lộn, rong ruổi tại các huyện vùng cao khó khăn tại các huyện Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc… đã hình thành trong tôi những yếu tố để thực hiện một phóng sự ảnh về sông Đà.

Mùa khô và mùa mưa năm 2020, tôi bắt đầu nhận thấy mực nước thượng nguồn sông Đà, trên địa phận hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình bị sụt giảm nghiêm trọng. Các nhánh sông chảy về các xã Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong (huyện Đà Bắc) bị khô cạn gây hậu quả nặng như: Thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu, cá lồng bị chết hàng loạt… ảnh hưởng nặng nề cho sinh kế của nhiều người dân, đặc biệt cảnh quan bị tác động nghiêm trọng.

Cao điểm vào mùa mưa năm 2021, hầu như không xuất hiện lũ lớn, lượng nước về hồ Hòa Bình trên lưu vực sông Đà bị thiếu nghiêm trọng, từ tháng 6 trở đi mực nước hồ Hòa Bình không vượt qua mức 103m (Mức nước thấp nhất trong hơn 30 năm qua).

Với kinh nghiệm của một phóng viên ảnh TTXVN đã có nhiều năm quan tâm đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, tôi đã lên kế hoạch, đề cương chi tiết cho một phóng sự ảnh về thực trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng của sông Đà, những hệ lụy của biến đổi khí hậu và sự tác động của con người đến sinh kế và môi trường sống tự nhiên khu vực lòng hồ Hòa Bình.

Trong khoảng thời gian từ tháng 6-11/2021, ngoài việc đảm bảo về thông tin thời sự tại địa bàn, tôi luôn dành thời gian để đi về những vùng có nguy cơ xảy ra tình trạng khô hạn cao, chịu tác động tiêu cực đến đời sống sinh kế của người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc.

Đầu tháng 7/2021, thông thường là chu kỳ lũ về hồ Hòa Bình, nhưng do lượng mưa ít, lũ hầu như không về trên các nhánh sông làm mực nước sông Đà trên địa phận tỉnh Hòa Bình xuống thấp, cùng với đó là thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao lên tới 39-42 độ C kéo dài trong nhiều ngày, đã gây ra hiện tượng nước sông sục bùn, thiếu ôxy trong nước làm gần 30 tấn cá của các hộ nuôi cá lồng tại các xã Đồng Ruộng, Nánh Nghê, Đồng Chum, Mường Chiềng, Tiền Phong, Yên Hòa của huyện Đà Bắc sau một đêm bị chết trắng.

Theo sự phân công của Cơ quan thường trú TTXVN tại Hòa Bình, tôi đã báo cáo với Trưởng CQTT, và ngay lập tức lên đường bắt đầu hành trình qua những con đường xa gập ghềnh, quanh co đồi núi… Tôi tự nhủ sẽ phải cố gắng đến được các xã thật nhanh để có được những hình ảnh chân thực nhất về việc sinh kế của người dân đang bị ảnh hưởng, kinh tế hộ gia đình đang bấp bênh theo mực nước lên xuống của sông Đà.

Tôi không khỏi ngậm ngùi khi chụp người dân vớt lên những con cá chết nặng hàng chục kg, hay những hình ảnh người dân mắt đỏ hoe vì nước mắt, ôm những con cá chết trên tay mà đau xót khi tài sản mất trắng sau một đêm và những nỗi lo trước mắt với những khoản vay nợ đầu tư phát triển kinh tế không thành…

Nhận thấy việc phản ánh đề tài khô hạn tại hồ Hòa Bình không thể dừng lại chỉ một chuyến đi, những ngày tháng tiếp theo tôi bám sát thông tin từ các nguồn tin tại cơ sở để hình thành một đề tài xuyên suốt.

Tây Bắc vào mùa mưa tuy nhiên năm đó, đã không có thêm một cơn mưa nào và lũ cũng không về trên những nhánh sông chảy trên địa phận tỉnh Hòa Bình.

Cao điểm vào tháng 10,11/2021, hàng loạt các nhánh sông Đà chảy về các xã: Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong… cạn trơ đáy khô và nứt nẻ. Những lồng nuôi cá đã bị đẩy ra xa bờ, những lồng cá không kịp di rời, những con thuyền nằm lại, rải rác trên lòng sông...

Trên nhánh sông Đà chảy về xã Hiền Lương lác đác những gốc cây nơi đáy sống nằm trơ trọi. Nếu như trước đây những cây cổ thụ sừng sững nơi đáy sông không ai có thể nhìn thấy bởi nước sông Đà đủ nước, thì giờ đây người dân có thể đến tận gốc cây để ngồi chơi và bọn trẻ con có thể leo trèo gỡ đi những tấm lưới bắt cá vướng lại trên ngọn cây khô.

Tôi đứng tại nơi mà chỉ vài năm trước còn là lòng sông, mênh mông là nước, giờ trở thành bãi trống đầy cát và đá sỏi.

Tôi chụp những đàn bò chậm rãi đi dưới lòng sông hay những người dân chọn cách băng tắt qua lòng sông dẫm lên đáy sông khô cạn để về nhà.

Tôi chụp những con người đang đứng bần thần buồn bã bên những lồng bè mắc cạn, hay những đám cỏ cây chết khô trên bề mặt sông khô kiệt và nứt toác.

Nói thật là, tôi có cảm giác như đang chụp chính một thực thể hiện hữu của thiên nhiên đang thoi thóp, với làn da khô khốc cạn kiệt sức sống mà trong lòng dậy lên những xót xa và đầy bất an.

Tôi cảm nhận được một cách rõ nét những bất ổn nghiêm trọng về môi trường sống, cảnh quan đang bị tác động của biến đổi khí hậu cùng những tác động tiêu cực đang tàn phá tự nhiên tới từ con người.

Nhà báo Lưu Trọng Đạt.

Có thể nói, tôi thực hiện bộ phóng sự ảnh “Lời khẩn cầu từ dòng Đà Giang” với mong muốn duy nhất là gửi tới một thông điệp đến cộng đồng về một dòng Đà Giang nói riêng và các dòng sông, môi trường tự nhiên nói chung đang bị cạn kiệt sức sống bởi biến đổi khí hậu và bởi sự tác động quá mức của con người.

Con người chinh phục được sự hùng vĩ, hung hãn của sông Đà bằng việc chặn dòng, thực hiện dự án thủy điện để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên sự tác động quá mức vào tự nhiên đang mang đến những hệ lụy khó lường, gây tổn hại môi trường sống, sức khỏe và sinh kế của con người. Thiên nhiên là yếu tố tồn vong của nhân loại và chúng ta cần phải dừng lại hoặc hạn chế nhiều hơn sự tác động chủ quan của chúng vào môi trường và chúng ta phải giữ gìn và bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

An Vinh (Ghi)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cam-xuc-lang-sau-voi-loi-khan-cau-tu-dong-da-giang-post199670.html