Cảm xúc ngày giải phóng trong dân ca Xứ Lạng

Cuối tháng Tư, cảm xúc về ngày non sông thu về một mối trào dâng trong lòng người dân Xứ Lạng. Với niềm xúc động, tự hào, các nghệ nhân, những người yêu dân ca trên địa bàn tỉnh đã kể lại câu chuyện về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước một cách mộc mạc mà sâu sắc qua những làn điệu then, sli, lượn… Qua từng câu hát được cất lên, người nghe như được sống lại một thời khói lửa, cảm nhận được sâu sắc ý nghĩa của sự đoàn kết, lòng yêu nước và hơn hết là sự tự hào về cội nguồn văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Clip: Những người yêu dân ca trên địa bàn tỉnh tập luyện một số bài hát về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Hàng chục năm qua, những câu then “Rồi đến ngày chiến tranh kết thúc/Nước nhà được độc lập vẹn toàn, Tổ quốc Bắc liền Nam thống nhất/Trong niềm vui dào dạt hân hoan/Mẹ biết rồi, chồng con của mẹ chỉ còn trong nỗi nhớ vô biên” trong “Bài then tặng mẹ” xúc động đi vào lòng người do cố nhạc sĩ Đinh Quang Khải (thành phố Lạng Sơn) đặt lời thường xuyên được cất lên trong nhiều chương trình văn nghệ hướng về Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) hằng năm trên địa bàn tỉnh.

Chị Hoàng Ánh Hồng, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng chia sẻ: Mỗi lần cất lên những câu hát ấy, trong tôi luôn dâng lên cảm xúc khó tả. Tôi thấy bóng dáng của những người mẹ Việt Nam anh hùng trong từng câu hát, cảm nhận được nỗi đau, sự mất mát cũng như niềm tự hào của người phụ nữ sau khi đất nước toàn thắng. Cùng với "Bài then tặng mẹ", tôi hát được khoảng 10 bài then có nội dung về ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và thường xuyên hát trong các chương trình văn nghệ ở xã, thôn.

Từ sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975) đến nay, nhiều thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân, người yêu dân ca trên địa bàn tỉnh đã sáng tác, đặt lời và biểu diễn các bài dân ca theo làn điệu then, sli, lượn… để kể lại ngày vui toàn thắng. Đó có thể là những câu dân ca có nội dung về ngày đất nước thống nhất được lồng ghép trong các bài dân ca ca ngợi quê hương, đất nước... hoặc có thể là cả một bài dân ca viết riêng về chủ đề này.

Chủ nhiệm CLB dân ca Bjoc Vẻn, huyện Văn Quan sáng tác bài then về ngày đất nước thống nhất

Chủ nhiệm CLB dân ca Bjoc Vẻn, huyện Văn Quan sáng tác bài then về ngày đất nước thống nhất

Theo thống kê chưa đầy đủ từ cơ quan chức năng, hiện nay, trong kho tàng dân ca của người dân các dân tộc tại Lạng Sơn có trên 60 bài then, sli, lượn có nội dung về ngày đất nước thống nhất. Số lượng này còn tiếp tục tăng bởi hằng năm, cứ mỗi dịp 30/4, trong không khí tưng bừng của ngày lễ lớn, các nghệ sĩ, nghệ nhân lại cầm bút sáng tác, đặt lời, hoặc hát ngẫu nhiên theo dòng cảm xúc trong các sự kiện hướng tới ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Không chỉ là sáng tác, đó còn là quá trình gìn giữ ký ức bằng âm nhạc dân tộc, là cách để kể lại câu chuyện lịch sử bằng tiếng nói quen thuộc với cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi biên cương Tổ quốc.

Bà Lâm Bích Liêm, thôn Trung Cấp, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Tôi không phải nhà văn hay nhà thơ, tôi chỉ là người biết hát sli và yêu tiếng dân tộc mình. Mỗi khi gần đến dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, trong lòng tôi lại tràn ngập niềm tự hào, lời sli như vang lên trong đầu thôi thúc tôi viết để lưu giữ và chia sẻ cho các anh chị em cùng hát. Từ khi biết hát sli đến nay, tôi đã đặt lời 6 bài hát có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước sau ngày thống nhất. Mới đây, tôi đã đặt lời bài "Vằn slam slíp bươn slì" (có nghĩa là Ngày ba mươi tháng Tư) theo làn điệu sli Nùng Phàn Slình.

Bài hát sli "Vằn slam slíp bươn nhì"

Bài hát sli "Vằn slam slíp bươn nhì"

Những câu hát mộc mạc, thắm đượm tình yêu đất nước ấy được bà mang đến các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, trong các lễ hội trên địa bàn tỉnh như một cách thể hiện tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước.

Ông Phùng Văn Muộn, Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cho biết: Các làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc như Tày, Nùng ở Lạng Sơn không chỉ gắn bó với đời sống thường nhật mà có thể coi như một ‘phương tiện’ lưu giữ ký ức lịch sử, phản ánh ‘thời sự’ sâu sắc. Mỗi sự kiện, mỗi đổi thay của đất nước đều được các nghệ sĩ, nghệ nhân thổi hồn vào những câu dân ca, rồi những câu hát ấy lại được lan tỏa theo hình thức truyền miệng trong cộng đồng các dân tộc. Do đó, hằng năm, hội luôn khuyến khích các câu lạc bộ tạo điều kiện cho các hội viên có năng khiếu sáng tác, đặt lời dân ca gắn với các ngày lễ và truyền dạy rộng rãi để lan tỏa trong cộng đồng.

Bài then "Bắc Nam sum họp một nhà" do Chủ nhiệm CLB dân ca Bjoc Vẻn, huyện Văn Quan sáng tác

Bài then "Bắc Nam sum họp một nhà" do Chủ nhiệm CLB dân ca Bjoc Vẻn, huyện Văn Quan sáng tác

Theo đó, trong các dịp lễ như ngày 30/4, Quốc khánh 2/9, nhiều câu lạc bộ dân ca quần chúng thường tổ chức sinh hoạt gắn với chủ đề lịch sử. Tại các cuộc sinh hoạt, các hội viên lại cùng nhau trao đổi cách viết lời mới theo chủ đề, truyền dạy lẫn nhau những bài dân ca mà các hội viên mới sáng tác theo cảm hứng về ngày lễ lớn của đất nước. Những buổi sinh hoạt ấy mang giá trị tinh thần sâu sắc, như một dịp ôn lại lịch sử giúp mỗi người thêm hiểu biết và thêm tự hào về lịch sử đấu tranh của dân tộc.

Trong những ngày này, khi cả nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những câu hát lại được cất lên ở nhiều nơi trên mảnh đất Xứ Lạng. Đó chính là cách mà dân ca góp phần lưu giữ và truyền tải ký ức về ngày đất nước thống nhất đến người dân. Qua lời ca, tiếng hát, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc được lan tỏa một cách tự nhiên trong cộng đồng các dân tộc Lạng Sơn, để mỗi người càng thêm trân trọng và phấn đấu góp sức mình xây dựng và bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

HOÀNG NHƯ

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/cam-xuc-ngay-giai-phong-trong-dan-ca-xu-lang-5045090.html