Cảm xúc... Ơ kìa Hà Nội!

Khi sáng tạo không gian văn hóa 'Ở kìa Hà Nội' cùng kiến trúc sư Nghiêm Quốc Cường, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp mong có thể tạo ra một kho báu - nơi lưu giữ những ký ức, kỷ niệm đẹp và những thứ chỉ thuộc riêng về Hà Nội.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp.

Ra đời từ năm 2017 nhưng không gian nghệ thuật có tên “Ơ kìa Hà Nội” đã được nữ đạo diễn nổi tiếng của bộ phim Đập cánh giữa không trung ấp ủ từ rất lâu rồi. Là người thích những thứ xưa cũ, Nguyễn Hoàng Điệp hy vọng nơi đây kết nối công chúng – nghệ sĩ – nghệ thuật với không gian tươi xanh, một cái rạp chiếu bóng nhỏ nhất thế gian Okia Cinema, một Thư viện Ơ kìa…

Ghé chân bến “Ơ kìa”

May mắn được tham gia “Sang sông ở bến Ơ kìa!” - là một trong những hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện văn hóa nghệ thuật sau thời gian giãn cách xã hội, tác giả mới cảm nhận được chuyến đò tưởng tượng bên bến sông ấy đặc biệt nhường nào. Bởi đây chính là nơi rất nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân, trí thức cũ, bạn trẻ yêu văn hóa nghệ thuật, hot vlog, MC, họa sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa… đã cùng đến bến Ơ kìa để gặp gỡ.

Ở đó, những câu chuyện riêng tư, những tâm tình ấp ủ, những tin đồn hay những giai thoại dân gian, những nết – nếp – nét trong con người và văn hóa Việt Nam, cứ thế hiện ra, rõ nét mà lãng mạn, trữ tình. Tất cả đều xoay quanh bến sông, bến đò, dòng chảy trôi nơi làng quê Việt Nam.

Nghệ sĩ trẻ Phạm Trang trình bày bài Xẩm – lời cổ Sướng khổ vì chồng khiến không khí trở nên sôi động khác thường. Nhà văn Trung Sỹ và nhà văn Ngô Thảo đem đến lớp nghĩa khác – góc nhìn cho câu chuyện sang sông khi rưng rưng kể về mơ ước của rất nhiều người lính – nhiều người đã vĩnh viễn nằm xuống trong cuộc chiến mà không thể quay về bên bến sông quê.

Cũng tại đây, nhóm vlog 1977 lại chia sẻ những tình cảm nhớ thương về con sông trong ký ức tuổi thơ. Nghệ nhân Nguyễn Thị Sang và Nguyễn Thị Thềm từ làng Diềm, cái nôi gốc của quan họ Bắc Ninh thể hiện những làn điệu quan họ công chúng rất ít khi được tiếp cận. Hai nghệ nhân đều chia sẻ rằng cuộc chơi quan họ kéo dài nhiều chục năm chính là một cách lưu giữ lại bến sông cho riêng mình.

Có lẽ, điểm đặc biệt nhất tại Ơ kìa Hà Nội chính là Okia Cinema – câu lạc bộ cho người yêu điện ảnh thực sự. Rất nhiều đoàn phim, đạo diễn, diễn viên… đã chọn Okia Cinema là nơi gặp gỡ, ra mắt công chúng, giới thiệu dự án hoặc đồng hành với rạp chiếu phim này trong các sự kiện khác.

Bên cạnh đó, Thư viện Ơ kìa lại là một thế giới khác để bạn đọc ghé qua, rút một trang sách bất kỳ và có thể bỏ túi nó bên mình suốt cả ngày hôm đó. Được sự cho phép của gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ cùng với sự giúp đỡ của bạn bè, Nguyễn Hoàng Điệp còn phục dựng căn phòng 6m2 đầy ắp kỷ niệm của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh mang tên “Thư viện Mây Trắng” nhân kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 71 của Lưu Quang Vũ.

Hoạt động văn hóa nghệ thuật tại Ơ kìa Hà Nội

Vì một Hà Nội đáng sống

Nói về không gian Ở kìa Hà Nội, Nguyễn Hoàng Điệp kể rằng một thời gian dài chị không tìm được nơi nào như ý cho đến khi nhìn thấy chốn có một tán tre, có những cái cây bóng mát lớn, có kiểu kiến trúc nhà hai tầng cổ xưa... Ban đầu, chị định giữ cho riêng mình nhưng lại nhận thấy rằng một không gian cũng cần sức sống từ tinh thần và sinh khí của con người mang đến...

Chị “làm vì một Hà Nội đáng sống - theo cách thiết thực nhất là sống sao cho thật đáng để không phụ nơi mình ở - nơi mình yêu - nơi mình thương mến - nơi mình nhớ về. Mà bạn biết đấy, Hà Nội bao dung - ôm ấp - chở che. Hà Nội đẹp biết là bao nhiêu, đáng sống biết là bao nhiêu. Nếu có gì khiến Hà Nội xấu đi, thì lỗi đâu phải ở Hà Nội?”.

Cũng theo chị, “nơi đó là những ký ức chẳng bao giờ quên, vui có buồn có, lãng mạn có cười sằng sặc càng có… đã được nghệ sĩ và công chúng chia sẻ với nhau dưới tán cây trong khu vườn xanh mướt, có chim chóc chứng giám”. Mỗi khi có sự kiện, mọi người có thể đến để lấp đầy rạp chiếu bóng nhỏ nhất thế gian, đã bung tỏa năng lượng tốt lành trên từng rễ cây bạch đàn, nụ hoa lựu hạnh, đóa hoa điệp vàng, chùm hoa mai chiếu thủy… và cả đám mây vô tình lượn qua khoảnh sân inh ỏi chim ca.

Nữ đạo diễn cũng mong Ơ kìa Hà Nội ngày càng hoàn thiện hơn để trở thành một nơi mà bất kỳ ai có thể gặp gỡ một vài người, quen hay không quen không quan trọng, có thể đến để cùng họ đọc sách, uống cà phê hoặc trà trong quán nhỏ “Úi chà trà”, hít hà mùi hương tinh dầu từ thảo dược, hoặc đơn giản là được ngắm bọn trẻ con hò hét, leo trèo.

“Một phần ký ức của những người thuộc về thế hệ 8x như tôi được tái hiện ở đây, hoặc có thể thông qua gác sách, phòng chiếu phim, hay một khoảng sân, cách bài trí, bức tranh của nhà văn Trương Quý hay là những tập thơ, cuốn sách, cuốn truyện do bạn bè viết ra”, chị tâm sự.

QUỲNH ANH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cam-xuc-o-kia-ha-noi-119002.html