Camera giấu kín, phát livestream mọi lúc trong khách sạn ở Trung Quốc
Những kẻ phạm tội gắn camera quay lén, sau đó bán quyền truy cập cho khách hàng vào các luồng phát trực tiếp ở hàng trăm khách sạn.
Loạt phóng sự gần đây của đài truyền hình Trung Quốc CCTV đã tiết lộ một thị trường chợ đen có tổ chức của những kẻ chuyên quay lén trong khách sạn và bán chúng ra ngoài.
"Phát livestream trong khách sạn" và những từ khóa liên quan thu hút lượng lớn người truy cập vào nội dung khiêu dâm, cho thấy đây là hoạt động tội phạm phức tạp: Từ mua thiết bị đến tuyển dụng người đặt máy quay lén, tổ chức phòng livestream và bán tài khoản cho những người muốn truy cập vào.
Quay lén, phát livestream mọi lúc
Trên một nền tảng xã hội phổ biến, các tài khoản tiếp thị công khai các video được gắn thẻ là "máy quay lén trong khách sạn" và "xem theo thời gian thực".
Các camera này thường được giấu ở những nơi kín đáo như lỗ thông hơi hoặc đèn ngủ, ghi lại hình ảnh có độ phân giải cao, kèm theo âm thanh.
Sau khi được cài đặt, thiết bị sẽ được liên kết với luồng phát trực tiếp, được quảng cáo và bán tài khoản dưới dạng "kênh". Một người bán nói rằng họ có quyền truy cập vào hơn 180 phòng khách sạn vào bất kỳ thời điểm nào.
Các phóng viên của BJNEWS.com đã tham gia vào một nhóm gồm 2.700 thành viên và phát hiện một quy trình cài đặt phức tạp, tuyển dụng người đặt máy quay lén thông qua các nền tảng mạng xã hội.
Người tham gia được cung cấp camera ngụy trang và có hướng dẫn từ xa trong quá trình cài đặt. Sau khi lắp đặt, họ nhận được khoản hoa hồng béo bở lên tới 10.000 nhân dân tệ (1.380 USD) cho mỗi camera.
Các thiết bị, thường nhỏ như hạt đậu, được giấu trong các vật dụng bình thường như hộp khăn giấy hoặc đèn chống muỗi. Nhiều thiết bị chạy bằng pin, có thể sử dụng trong nhiều tháng, ghi âm không bị gián đoạn.
"Chúng tôi ưu tiên những khách sạn có nhiều khách thuê hoặc những khách sạn gần khuôn viên trường đại học để có được số cảnh quay tối đa", một người bán video nói.
Video được bán theo nhóm hoặc dưới dạng kênh riêng lẻ, với giá truy cập từ 400-600 nhân dân tệ (55,2-82,8 USD).
Sự gia tăng của việc lắp đặt camera ẩn còn được thúc đẩy bởi các chiêu tiếp thị đa cấp. Một đại lý tiết lộ rằng anh ta kiếm được 30% doanh thu, trong khi cấp trên của anh ta bỏ túi hàng nghìn USD mỗi đêm từ việc bán loại hàng bất hợp pháp.
Các video cũng được đóng gói để bán lại, với các cảnh quay được tuyển chọn được gắn hashtag giật gân như "cảnh quay độc quyền" và "độ phân giải cao có âm thanh" sẽ thu hút người mua, thúc đẩy hơn nữa nhu cầu.
Nêu cao cảnh giác
Người bán thường khai thác các ứng dụng quản lý camera hợp pháp, chẳng hạn như TP-LINK, để truyền phát và chia sẻ cảnh quay. Các ứng dụng này hướng tới mục đích sử dụng hợp pháp nhưng bị kẻ xấu lợi dụng để phát nguồn cấp dữ liệu camera ẩn cho nhiều người dùng, khuếch đại phạm vi tiếp cận của các hoạt động bất hợp pháp.
Khi đối chất, đại diện ứng dụng cho biết họ không thể phát hiện hành vi sử dụng sai nếu không có báo cáo của người dùng, đồng thời nhấn mạnh sản phẩm của họ được thiết kế để sử dụng trong gia đình với các cài đặt có thể nhìn thấy được.
Mối đe dọa của camera ẩn không chỉ giới hạn ở không gian công cộng. Camera gia đình bị hack cũng trở thành mục tiêu. Mật khẩu mặc định yếu và mạng không được bảo vệ cho phép tin tặc xâm nhập vào thiết bị cá nhân, phơi bày cuộc sống riêng tư.
Vào năm 2020, một hacker tên Wu đã bị tòa án ở Bắc Kinh kết án vì xâm phạm hơn 180.000 camera trên toàn thế giới, bao gồm cả những camera ở nhà riêng. Các chuyên gia an ninh mạng nhấn mạnh tầm quan trọng của đặt mật khẩu mạnh và tránh đặt camera ở những khu vực nhạy cảm như phòng ngủ và phòng tắm.
Các chuyên gia kêu gọi khách sạn và nhà sản xuất camera áp dụng các biện pháp giám sát và an ninh chặt chẽ hơn, nên kiểm tra thường xuyên và thay đổi mật khẩu bắt buộc đối với các thiết bị để ngăn chặn truy cập trái phép.