Campuchia 'đánh tiếng' về loạt dự án khủng; Trung Quốc, Nhật Bản đua 'đọ' tầm ảnh hưởng

Campuchia đang tập trung thúc đẩy phục hưng cơ sở hạ tầng, nhưng quốc gia Đông Nam Á này sẽ cần sự chia sẻ nguồn lực từ các nhà đầu tư quốc tế để đạt được mức chi phí ước tính khoảng 36,6 tỷ USD chỉ trong một thập kỷ.

Chính phủ Campuchia đề xuất xây dựng hệ thống đường sắt nhẹ và tàu điện ngầm ở thủ đô Phnom Penh với chi phí 3,5 tỷ USD. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Chính phủ Campuchia đề xuất xây dựng hệ thống đường sắt nhẹ và tàu điện ngầm ở thủ đô Phnom Penh với chi phí 3,5 tỷ USD. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Thủ tướng Campuchia Hun Manet công bố kế hoạch tổng thể gồm 174 dự án hạ tầng hấp dẫn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có các cường quốc kinh tế.

36,6 tỷ USD và 174 dự án cải tổ

36,6 tỷ USD là tổng chi phí đã được chính phủ Campuchia tính toán dự trù và công bố vào đầu năm nay, trong kế hoạch đầu tư tổng thể gồm 174 dự án, nhằm cải tổ mạng lưới vận tải và hậu cần quốc gia, trong khung thời gian thực hiện đầy tham vọng - chỉ một thập kỷ.

Mục tiêu xuyên suốt của vương quốc này là đường cao tốc, đường sắt cao tốc, cầu cống, trường học, bệnh viện và nhiều cơ sở hạ tầng khác phù hợp với mục tiêu dài hạn là trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.

Kể từ khi Thủ tướng Hun Manet lên nắm quyền vào năm ngoái, chính phủ mới của ông gồm các nhà kỹ trị đầy tham vọng đã thúc đẩy chiến dịch xây dựng, kêu gọi thắt chặt hơn quan hệ với các đồng minh và nỗ lực mở rộng nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời công bố những kế hoạch lớn của đất nước.

“Chúng ta quyết tâm đạt được các mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng cầu đường”, Thủ tướng Campuchia Hun Manet phát biểu tại lễ động thổ xây dựng một cây cầu ở Phnom Penh, được tài trợ bằng khoản vay của Trung Quốc, hồi tháng 2.

“Những con đường giống như những mạch máu nuôi sống các cơ quan bất cứ nơi nào nó đi qua… Chúng ta sẽ sớm có khả năng không chỉ sở hữu mà còn có thể tự mình phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng như cầu, đường cao tốc và tàu điện ngầm”.

Theo chỉ số hiệu quả hoạt động hậu cần của Ngân hàng thế giới (WB), Campuchia đã trải qua hơn hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trên nền tảng một số cơ sở hạ tầng ở tình trạng tồi tệ nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Vì thế, với việc WB đưa ra dự đoán, tốc độ tăng trưởng GDP của Campuchia sẽ tăng nhanh trong những năm tới, hệ thống giao thông vốn đã quá tải của nước này có thể trở nên rất căng thẳng.

Việc đạt được một tiến bộ rõ rệt về cơ sở hạ tầng cứng sẽ rất quan trọng, được coi như một thử thách cho khả năng điều hành đất nước của tân Thủ tướng, cũng như hành động cân bằng các quan hệ quốc tế truyền thống của Campuchia.

Trên thực tế, việc triển khai kế hoạch tổng thể với danh sách dài các việc cần làm từ dự án lớn đến nhỏ không chỉ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, mà còn có cơ hội được hưởng lợi từ sự cạnh tranh địa chính trị, khi các đối tác nước ngoài lớn "đọ" tầm ảnh hưởng. Càng đặc biệt hơn khi đó là các cường quốc kinh tế hàng đầu như Trung Quốc và Nhật Bản.

Ai "thân" hơn?

“Tôi nghĩ, chính phủ Campuchia cảm thấy đã đến lúc phải tối đa hóa những gì họ có thể nhận được từ các nhà tài trợ”, Chhengpor Aun, nhà nghiên cứu tại Diễn đàn Tương lai-một tổ chức tư vấn chính sách công của Campuchia cho biết.

Điều hợp lý là nếu một dự án cơ sở hạ tầng do chính phủ khởi xướng không được đối tác này chấp nhận thì họ có thể tìm đến đối tác tài trợ khác. Đó là tính chiến lược và linh hoạt nhằm vượt qua các trở ngại để đạt được lợi ích đã đặt ra, ông này nhấn mạnh.

Chính phủ Campuchia và các doanh nghiệp tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở vương quốc này, phần lớn đều thuộc về hai cường quốc kinh tế Trung Quốc hoặc Nhật Bản. Hai đối tác quan trọng này cũng là những quốc gia duy nhất có quan hệ ngoại giao ở cấp cao nhất với Campuchia, đó là “đối tác chiến lược toàn diện”.

Trong khi đó, cho đến nay, Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc vẫn là nguồn tài trợ hàng đầu cho cơ sở hạ tầng của Campuchia, với các dự án lớn như đường cao tốc đầu tiên chạy từ thủ đô Phnom Penh đến thành phố biển Sihanoukville.

Còn theo một cách khác, Nhật Bản vẫn giữ chương trình nghị sự ổn định của riêng mình, tập trung vào một loạt dự án như cơ sở xử lý nước thải mới và nâng cấp các con đường hiện có. Có lẽ đáng chú ý nhất là một kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng cầu cảng do Nhật Bản tài trợ, giúp làm tăng gấp ba lần công suất của cảng nước sâu quốc tế Sihanoukville - cơ sở duy nhất thuộc loại này ở Campuchia.

Cơ sở nhộn nhịp này xử lý khoảng 60% lưu lượng xuất nhập khẩu của nước này và ngày càng tắc nghẽn sau hơn một thập kỷ tăng trưởng ổn định. Dưới sự giám sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), hạ tầng cảng đã được khởi công mở rộng vào cuối năm ngoái. Dự án gồm ba phần, kéo dài hàng thập kỷ, được đưa vào quy hoạch tổng thể mới và có tổng chi phí ước tính khoảng 750 triệu USD.

So với giá trị đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vào Campuchia, lượng đầu tư của Nhật Bản còn hạn chế, Ryuichi Shibasaki, Phó giáo sư và nhà nghiên cứu về hậu cần toàn cầu tại Đại học Tokyo, người đã nghiên cứu ngành vận tải biển Campuchia nhận xét. Theo đó, thực tế là, khoảng 2/3 tổng vốn đầu tư ở Campuchia hiện nay đến từ Bắc Kinh.

Mới đây, bên lề Diễn đàn Tương lai châu Á, vào đúng thời điểm Phnom Penh đang nỗ lực mở rộng nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trung tâm sản xuất ở khu vực, Phó thủ tướng Sun Chanthol đưa ra thông điệp, "ngoài việc phụ thuộc vào Trung Quốc, quốc gia này cần phải đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn đầu tư".

Phó thủ tướng Chanthol cho biết, thu hút đầu tư từ Nhật Bản là chìa khóa để đạt được mục tiêu trên, đồng thời lưu ý rằng, chính phủ đã thành lập một đội ngũ để đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các công ty Nhật Bản, sau khi một số công ty phản hồi rằng quá trình này còn trì trệ.

Hiện Campuchia đang thiếu nguồn lực để thực hiện các kế hoạch, "Chúng tôi không bao giờ từ chối bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các quốc gia phương Tây hay Nhật Bản", theo ông Chanthol. "Chúng tôi kỳ vọng các công ty Nhật Bản đầu tư nhà máy công nghiệp điện tử, điện công nghiệp hoặc ô tô ở Campuchia. Điều này sẽ giúp đất nước tiến đến tầm nhìn trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050", ông Chanthol nêu rõ.

Phó thủ tướng Campuchia cũng đề cập sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho nước này trong những năm gần đây. Theo đó, các gói đầu tư hàng đầu của Trung Quốc vào Campuchia gồm dự án sân bay quốc tế Siem Riep - Angkor trị giá khoảng 1 tỉ USD và căn cứ Hải quân Ream gần vị trí chiến lược gần Vịnh Thái Lan, phía Nam Biển Đông...

(theo Aljazeera, Nikkei Asia)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/campuchia-danh-tieng-ve-loat-du-an-khung-trung-quoc-nhat-ban-dua-do-tam-anh-huong-273236.html