Campuchia điều tra mức sống của lao động dệt may mùa COVID-19
Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia (MLVT) đang tiến hành điều tra về điều kiện sống của lao động dệt may và tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành này tính đến ngày 31/7/2020.
Báo Khmer Times dẫn thông báo của MLVT cho hay Bộ đã gửi thông tin đến tất cả các chủ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất cũng như công nhân làm trong ngành dệt may, giày dép và giới chức liên quan về việc Ban Thư ký Hội đồng quốc gia về Lương tối thiểu tiến hành điều tra ngẫu nhiên đối với người lao động ở thủ đô Phnom Penh cũng như một số tỉnh và đề nghị người lao động phối hợp thực hiện.
Được hỏi về mục đích tiến hành điều tra và liệu điều tra sẽ đóng góp vào giải pháp hỗ trợ lao động bị thất nghiệp vì COVID-19 của Chính phủ Campuchia hay không, người phát ngôn MLVT Heng Sour từ chối trả lời và chỉ cho biết điều tra là công việc nội bộ của MLVT, được tiến hành thường niên theo chỉ đạo của Hội đồng quốc gia về Lương tối thiểu.
Số liệu của MLVT công bố cách đây hai tuần cho thấy hơn 410 nhà máy đang phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng tới 240.000 công nhân. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đầu tháng 7/2020 cho biết 70.000 lao động bị mất việc đã nhận được trợ cấp 40 USD/tháng của Chính phủ.
Theo ông Ath Thorn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Campuchia (CLC), mất việc đồng nghĩa với không có thu nhập trong khi 90% công nhân vay tiền của ngân hàng, các tổ chức tín dụng vi mô và tín dụng nông thôn. Từ mấy tháng nay, các khách mua không có đơn đặt hàng mới và tình hình hiện nay của ngành dệt may Campuchia khá tồi tệ.
Thêm một lo ngại nữa là khi mọi thứ trở lại bình thường, ngành dệt may Campuchia sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế do bị mất ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận Tất cả trừ vũ khí (EBA) mà trước đây Liên minh châu Âu (EU) dành cho Campuchia./.