Campuchia lo ngại tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng
Các mô hình dự báo mới đây cho thấy Campuchia đang ngày càng trở nên dễ tổn thương do biến đổi khí hậu, trong bối cảnh nhiệt độ trung bình tại nước này có thể tăng trong khoảng từ 1 đến 2,6 độ C vào năm 2050, tiềm ẩn nguy cơ tác động trực tiếp đến triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Cảnh báo này được nêu bật tại một hội thảo mới đây do Bộ Môi trường Campuchia tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức của truyền thông và khu vực tư nhân về hậu quả của biến đổi khí hậu đối với đất nước Chùa Tháp.
Dữ liệu được trình bày tại hội thảo cho thấy Campuchia nằm trong số những nước có nguy cơ cao về tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, xếp thứ 13 trong Báo cáo Chỉ số Rủi ro Khí hậu toàn cầu (giai đoạn 1995-2015) của tổ chức môi trường Đức Germanwatch, và đứng thứ 8 về Chỉ số rủi ro thế giới năm 2016 do đại học Đức Stuttgart đưa ra.
Các mô hình dự báo cho thấy, với tốc độ tăng nhiệt độ trung bình như hiện nay, Campuchia có thể chịu thiệt hại tương đương gần 2,5% GDP vào năm 2030 và tăng lên gần 10% GDP vào năm 2050, nếu mức đầu tư hiện tại nhằm đối phó với biến đổi khí hậu không có sự điều chỉnh.
Nhiệt độ tăng cao có thể dẫn đến hạn hán kéo dài, tăng tần suất xuất hiện các cơn bão nhiệt đới và tình trạng lũ lụt nghiêm trọng. Ngành nông nghiệp của Campuchia được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, với việc 61% dân số nông thôn, trong đó bao gồm 7 triệu người làm nông nghiệp - phụ thuộc rất lớn vào diễn biến thời tiết và khí hậu, nhất là liên quan đến tưới tiêu. Ngành xây dựng, hiện chiếm khoảng 240.000 lao động, cũng chịu rủi ro do những tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động khai thác tài nguyên sử dụng làm vật liệu xây dựng.
Bộ Môi trường Campuchia khẳng định nước này cam kết tham gia các nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với biến đổi khí hậu và đã chủ động triển khai những sáng kiến nhằm tăng cường khả năng ứng phó cho ngành nông nghiệp, bảo vệ đa dạng sinh học, thúc đẩy các quy định và thói quen phát triển bền vững.
Mới đây, Campuchia đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng trị giá 2 tỷ USD nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, tập trung vào hỗ trợ các ngành dễ bị tổn thương nhất là thủy lợi, nông nghiệp và hạ tầng từ nay đến năm 2030. Campuchia cũng đã đặt mục tiêu trở thành quốc gia sử dụng năng lượng bền vững và trung hòa carbon vào năm 2050. Trong số các sáng kiến cụ thể được triển khai, phải kể đến quyết định thay thế một nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 700MW bằng nhà máy sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), và phát triển một đập giữ nước có khả năng tạo ra 1.000MW điện sạch vào năm 2028.