Campuchia nỗ lực phục hồi ngành 'vàng xanh'

Cùng với các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19, chính phủ Campuchia đang thực hiện nhiều sáng kiến giúp các doanh nghiệp và ngành du lịch phục hồi.

Du lịch là một trong bốn trụ cột hỗ trợ nền kinh tế Campuchia. (Nguồn: Khmer Times)

Du lịch là một trong bốn trụ cột hỗ trợ nền kinh tế Campuchia. (Nguồn: Khmer Times)

Tổ chức du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) cho biết, tính đến quý I/2022, 117 triệu du khách trên khắp thế giới đã đi du lịch, tăng 182% so với cùng kỳ năm 2021.

Các quốc gia thành viên của ASEAN đang rộng cửa đón khách du lịch quốc tế, trong đó, Campuchia là quốc gia đầu tiên mở cửa biên giới, tiếp theo là Thái Lan, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia và Lào.

Du khách quốc tế đang trở lại Campuchia

Theo Khmer Times, du lịch là một trong bốn trụ cột hỗ trợ nền kinh tế Campuchia. Theo Bộ Du lịch Campuchia, quốc gia này đã thu hút tới 6,61 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2019, tạo ra tổng doanh thu 4,92 tỷ USD. Ngành du lịch dự kiến đạt mức trước Covid-19 vào năm 2026 hoặc 2027.

Người phát ngôn Bộ Du lịch Campuchia Tith Chantha cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Campuchia đón hơn 500.000 lượt khách du lịch quốc tế, tăng 394% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vẫn giảm 84,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngành du lịch đang chịu áp lực từ các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine đã khiến sức mua sụt giảm. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia láng giềng và sự thay đổi cách thức du lịch của du khách trên toàn cầu cũng là những khó khăn mà ngành "vàng xanh" của Campuchia phải đối mặt.

Ông Tith Chantha nhấn mạnh: "Với khó khăn như vậy, sự tham gia của tất cả các bên liên quan bao gồm chính phủ, khu vực tư nhân, người dân, khách du lịch, các đối tác song phương và đa phương là điều bắt buộc và trở thành động lực thúc đẩy du lịch Campuchia trở lại tình trạng trước đại dịch".

Chủ tịch Văn phòng Hiệp hội du lịch châu Á-Thái Bình Dương tại Campuchia Thuon Sinan nhận thấy, dù lượng du khách quốc tế đến Campuchia tăng đáng kể, nhưng con số này vẫn còn khiêm tốn nếu so với các nước láng giềng. Du khách từ các nước ASEAN sẽ tiếp tục dẫn đầu lượng khách quốc tế đến Campuchia trong một thời gian dài.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng nhận định, nông nghiệp, dịch vụ và công nghiệp đang phục hồi, nhưng du lịch thì chưa. Ngành du lịch đang chịu tác động bởi xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt gây ra.

Sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia. (Nguồn: Khmer Times)

Sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia. (Nguồn: Khmer Times)

Chung tay phục hồi du lịch

Năm 2022, Bộ Du lịch Campuchia đặt mục tiêu đón ít nhất 1 triệu du khách nước ngoài, trong đó xác định những thị trường khách chính là ASEAN, Mỹ, Pháp và Anh. Bên cạnh đó, mục tiêu về lượng khách du lịch trong nước là 8 triệu lượt khách.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, cùng với các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19, chính phủ Campuchia đang thực hiện nhiều sáng kiến giúp các doanh nghiệp và ngành du lịch phục hồi.

Theo Nikkei Asia, tháng 1/2022, thành phố du lịch Siem Reap của Campuchia, nơi có kỳ quan Angkor Wat, vừa trải qua một đợt trùng tu, cải tạo cơ sở hạ tầng trị giá 150 triệu USD. Siem Reap đã nâng cấp 38 con đường mới cùng các lối đi bộ và đường đi xe đạp được sơn mới và mở rộng.

Việc cải tạo nơi này là một phần của việc triển khai kế hoạch quy hoạch tổng thể Siem Reap 2021-2035, nhằm thu hút du khách quốc tế đến thành phố lên mức 7,5 triệu vào năm 2035, cũng như tạo ra 940.000 việc làm nhằm tạo thêm 6 tỷ USD doanh thu cho ngành du lịch Campuchia.

Ngày 27/1, quốc gia này phát động chiến dịch mang tên "Campuchia: Điểm du lịch xanh và an toàn" nhằm phục hồi ngành du lịch hậu Covid-19.

Đến tháng 6/2022, chính phủ Campuchia đã công bố Kế hoạch đồng tài trợ phục hồi du lịch (TRCS) trị giá 150 triệu USD.

Dự án kết hợp vốn đối ứng giữa chính phủ và các tổ chức tài chính, với 75 triệu USD từ ngân sách quốc gia được giải ngân dưới hình thức cho vay qua Ngân hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ Campuchia Plc. Đồng thời, 75 triệu USD khác thông qua các khoản vay được thực hiện với các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính vi mô.

Các dịch vụ chính của dự án bao gồm các doanh nghiệp có thể được vay với lãi suất tối đa 6,5%/năm, thời gian ân hạn 12 tháng, thời hạn cho vay tối đa 7 năm, khoản vay lên đến 400.000 USD và tùy chọn nhận tiền bằng đồng Riel hoặc USD.

Mặc dù kế hoạch này không giới hạn các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần nhưng chính phủ đặc biệt khuyến khích các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng và các nhà cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực du lịch.

Bộ Du lịch Campuchia đánh giá, việc thực hiện chương trình đồng tài trợ du lịch trị giá 150 triệu USD không chỉ góp phần phục hồi các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ thiếu kinh phí để cải thiện dịch vụ mà còn giúp các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực này phát triển mạnh.

Song song với đó, từ tháng 7 đến tháng 9/2022, chính phủ Campuchia quyết định gia hạn miễn thuế cho các doanh nghiệp du lịch ở Phnom Penh, Sihanoukville và Siem Reap.

Cụ thể, các doanh nghiệp này được miễn tất cả các loại thuế hàng tháng, ngoại trừ thuế VAT cho các khách sạn, nhà nghỉ và đại lý du lịch đã đăng ký với Tổng cục thuế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn phải khai thuế và sử dụng hệ thống thuế giá trị gia tăng trực tuyến (E-VAT) hàng tháng trong thời gian này.

Chhun Makara, Giám đốc cơ quan du lịch, bộ phận vận tải và hướng dẫn du lịch của Bộ Du lịch Campuchia tiết lộ, chính phủ sẽ xem xét gia hạn thêm thời hạn miễn thuế, tùy theo tình hình thực tế.

Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia Thong Khon nhận định, ngành du lịch đã phát triển đáng kể và đóng vai trò là trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Những nỗ lực kịp thời của chính phủ sẽ giúp ngành du lịch tiếp tục phục hồi và đưa Campuchia trở thành một điểm đến du lịch an toàn, chất lượng.

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/campuchia-no-luc-phuc-hoi-nganh-vang-xanh-191167.html