Campuchia nỗ lực thu hút du khách quốc tế với chiến dịch 'Du lịch Siem Reap 2024'
Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, trong Lễ hội sông lần thứ 8 diễn ra tại tỉnh Siem Reap, Vương quốc Campuchia đã chính thức khởi động chiến dịch 'Du lịch Siem Reap 2024' (Visit Siem Reap 2024) tại tỉnh Tây Bắc nước này nhằm thu hút thêm nhiều du khách tới tham quan Công viên khảo cổ Angkor, điểm đến du lịch nổi tiếng nằm trong danh sách di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).
Phát biểu tại sự kiện diễn ra vào cuối tuần này với sự tham dự của hàng nghìn người, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet cho biết chiến dịch “Du lịch Siem Reap 2024” sẽ tạo động lực thúc đẩy du lịch tại tỉnh Siem Reap, thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài tới Campuchia.
Theo Thủ tướng Campuchia, sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor (SAI) đang trở thành “thỏi nam châm” tiềm năng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế tới tham quan quần thể đền Angkor Wat nói riêng và Campuchia nói chung. Sân bay này mới bắt đầu vận hành thương mại vào tháng 11/2023 vừa qua.
Ông Hun Manet cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy du lịch tại tỉnh Siem Reap, nơi có ngôi đền Angkor Wat nổi tiếng, đặc biệt là thúc đẩy thành công chiến dịch “Du lịch Siem Reap 2024”.
Khuyến khích các quan chức du lịch, giới chức địa phương và đại lý du lịch tổ chức nhiều hoạt động du lịch phong phú để hỗ trợ chiến dịch, Thủ tướng Campuchia đề nghị các bộ, ngành liên quan và chính quyền tỉnh Siem Reap nghiên cứu chuyển đổi Vườn quốc gia Phnom Kulen thành điểm đến hấp dẫn về du lịch văn hóa, tự nhiên, mạo hiểm và tôn giáo. Mục tiêu là đa dạng hóa hơn nữa sản phẩm du lịch của Campuchia.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp và Bộ Du lịch, Bộ Thương mại cùng chính quyền tỉnh Siem Reap nghiên cứu thành lập “Vành đai xanh” xung quanh Siem Reap nhằm đảm bảo cung cấp các sản phẩm nông nghiệp như rau, quả, cá, thịt… đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân cũng như phục vụ cho ngành du lịch. Đặc biệt, cần phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp nhằm nâng cao tiềm năng du lịch của Campuchia.
Thủ tướng Hun Manet cũng đề nghị các bộ, ngành và tổ chức liên quan đưa ra các giải pháp nhằm nhằm xúc tiến tổ chức các sự kiện hội họp, khóa thiền Vipassana, thể thao và các sự kiện khác ở Siem Reap, nhằm thúc đẩy thành công chương trình “Du lịch Siem Reap 2024” và những năm tới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Du lịch Campuchia Sok Soken cho biết chiến dịch này sẽ tạo động lực mới cho ngành du lịch địa phương, giúp thu hút nhiều khách du lịch quốc tế hơn, đặc biệt là đến công viên khảo cổ Angkor. Ông nêu rõ chiến dịch là một trong những biện pháp chính nhằm khôi phục ngành du lịch ở tỉnh Siem Reap.
Theo phóng viên TTXVN tại địa bàn, Chính phủ Hoàng gia Campuchia xác định tỉnh Siem Reap là một trong 5 trục kinh tế đa ngành quan trọng hỗ trợ nền kinh tế tỉnh này và các địa phương khác.
Ý tưởng về “Năm Du lịch Siem Ream 2024” đã được Thủ tướng Hun Manet công bố từ trung tuần tháng 11/2023, tại diễn đàn “Chính phủ Hoàng gia-Khu vực tư nhân lần thứ 19. Chiến dịch gắn với 8 biện pháp khôi phục du lịch ở Siem Reap, bao gồm: tái cơ cấu Hội đồng Du lịch, xây dựng và triển khai kế hoạch hành động cụ thể về “Năm du lịch Siem Reap 2024”, sắp xếp lại hoạt động lễ tân đón khách tại các cửa khẩu, mở rộng hiệu lực của giấy thông hành biên giới, cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp hoạt động du lịch ở Siem Reap, ban hành chính sách ưu đãi về thuế, miễn phạt tiền quá hạn giấy phép hoạt động đối với hướng dẫn viên du lịch và phiên dịch theo đoàn du lịch, kết nối đường bay thẳng từ các điểm du lịch nổi tiếng đến tỉnh Siem Reap.
Trên tinh thần đó, tỉnh Siem Reap được Campuchia chọn là nơi tổ chức Lễ hội sông lần thứ 8 từ ngày 15-17/3 với chủ đề “Những dòng sông vì hòa bình và phát triển” nhằm quảng bá tiềm năng du lịch của Siem Reap cũng như các tỉnh ven sông khác ở Campuchia. Một trong những hoạt động nổi bật tại lễ hội năm nay là nghi lễ thả cá giống và dạo thuyền thưởng ngoạn phong cảnh hai bờ sông Siem Reap. Trong đó, nghi thức thả cá giống tượng trưng cho tinh thần bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở các dòng sông.
Siem Reap - nơi diễn ra Lễ hội sông Campuchia lần thứ 8 là địa phương sở hữu Công viên khảo cổ Angkor rộng 401km2, được ghi vào danh sách di sản thế giới của UNESCO vào năm 1992. Quần thể đền Angkor là điểm đến du lịch nổi tiếng nhất ở Campuchia, nơi có 91 ngôi đền cổ được xây dựng trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XIII.
Theo Văn phòng vé Angkor Enterprise thuộc sở hữu nhà nước, khu di tích cổ này đã đón gần 800.000 du khách quốc tế vào năm 2023, thu được 37,1 triệu USD doanh thu từ việc bán vé. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với mức 2,2 triệu khách du lịch nước ngoài mà khu khảo cổ đã đón trong thời kỳ trước đại dịch năm 2019, tổng doanh thu từ việc bán vé lên đến 99 triệu USD.