Campuchia, tháng tư và Chol Chnam Thmey

Tháng 4, Campuchia nắng như đổ lửa, Campuchia rộn ràng đón Chol Chnam Thmey. Theo tiếng Khmer, là Tết của người Campuchia. Tết Chol Chnam Thmey có đón giao thừa, cúng trời đất, các trò chơi và ẩm thực...

Đền Angkor Wat ở tỉnh Siem Reap - Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Đền Angkor Wat ở tỉnh Siem Reap - Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ ngày làm du lịch đến nay, tôi đi Campuchia gần 300 lần. Lần nào, ít nhiều cũng có cảm xúc riêng và những điều mới lạ. Nghe tôi kể về lịch sử, văn hóa, du lịch, ẩm thực Khmer; không ít du khách ngạc nhiên, hỏi “tại sao anh yêu Campuchia như vậy?”.

- Vì đây là mảnh đất nhiều đồng đội tôi ngã xuống. Họ đã chết cho tôi được sống!. Tôi xem Campuchia như quê hương thứ hai của mình.

Tháng 4, Campuchia nắng như đổ lửa. Phải nói là “Gió như Phan, nắng như Cam” mới đúng.

17/4/1975. Khmer Đỏ vào Phnom Penh, làm chủ Campuchia; mở đầu chế độ diệt chủng Pon Pot, đen tối và bi thương nhất lịch sử xứ Angkor.

30/4/1975, Việt Nam chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước sau 21 năm chia cắt.

Tôi đưa đoàn Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP.HCM (HOSREM) do bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng phụ trách, tham quan Angkor - Siem Reap. Đoàn đi máy bay. Chỉ 550km đường bộ, vé đoàn khứ hồi Sài Gòn – Siem Reap gần 9.500.000 đồng. Tôi mua vé lẻ một chiều Sài Gòn - Siem Reap, giá 7.300.000 đồng. Ai bảo giá vé máy bay đi nước ngoài rẻ hơn nội địa?

Đèn ông sao tràn ngập đường phố Siem Reap

Đèn ông sao tràn ngập đường phố Siem Reap

Tương phản với sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt, xếp hàng rồng rắn; sân bay Siem Reap vắng vẻ.

Tang Leng, người Khmer gốc Việt, Chủ tịch kiêm Giám đốc Cem World Tourist Campuchia, đón đoàn và trực tiếp làm Hướng dẫn viên. 11 năm trước, Leng tập tành làm du lịch với Lửa Việt và nỗ lực vươn lên, lập công ty riêng, thông thạo tiếng Anh, Trung, Thái, Việt.

Tôi nhờ Leng mua vé xem bóng đá Viêt Nam ở Seagames 32 tại Phnom Penh. Leng cười, đưa tôi xem clip bài phát biểu của Thủ tướng Hunsen trên truyên hình, được các mạng xã hội Campuchia phát tán. Thủ tướng Hunsen tuyên bố “Seagames 32 là sự kiện quan trọng mà đất nước Campuchia đã chờ đợi từ 1959 (Seagames lần 1). Do vậy, không được bán vé. Phải mở cửa cho nhân dân Campuchia vào xem miễn phí. Ai lợi dụng, mua bán giấy mời, sẽ bị xử lý hình sự”.

Ngày hôm sau, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin.

Trên thế giới, chưa nước nào làm được như Campuchia. Hèn gì người dân Campuchia, đặc biệt là dân nghèo rất quí trọng Thủ tướng Hunsen. Leng còn cho biết, Chol Chnam Thmay (vào Năm mới, Tết Khmer) năm nào giao thông cũng ùn tắc. Phnom Penh là “Hợp chủng tỉnh” Campuchia, dân rời thủ đô tỏa về khắp nơi đón Tết. Giá xe đò tăng chóng mặt.

Những gia đình không có xe hơi ở PhomPenh (khoảng 30%), gặp nhiều khó khăn. Năm nay, Thủ tướng lệnh không được tăng giá vé, điều động 450 xe lớn, xoay tour chở dân nghèo Phnom Penh về quê đón Tết. Campuchia là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không có trạm thu phí giao thông. Hệ thống giao thông ngoại ô và nông thôn kém xa Việt Nam, nhưng đường quốc lộ thì ăn đứt về vệ sinh.

Năm 2019, du lịch Campuchia đón 6,8 triệu khách quốc tế (dân số gần 16,5 triệu). Năm 2023, dự kiến đón 8 triệu. Con số này rất khó đạt, vì khách Trung Quốc chưa qua. Khách Việt chưa trở lại như trước, khách châu Âu chưa nhiều. Cuối tuần, các khác sạn vẫn vắng hoe. Leng ước tính, lượng khách quốc tế đến Campuchia chưa được 10% như trước dịch.

Tray amok - Món cá hấp dừa

Tray amok - Món cá hấp dừa

Angkor vắng khách. Du khách tha hồ nhẩn nha. Không sợ lạc đoàn. Không phải mướt mồ hôi xếp hàng chờ check – in trong đền Ta Prohm, đền Bayon hay lên tầng 3 Angok Watt xem “Apsara le lưỡi“.

Ra Tongle Sap lake (Biển Hồ), nhiều chiếc xuống cấp vì ngủ đông từ 2019. Hàng ngàn lao động du lịch gắn với Biển Hồ lao đao kiếm nghề khác, lây lất chờ đợi.

Ẩm thực Campuchia có nhiều món ngon, gần giống khẩu vị Tây Nam bô - Việt Nam; chủ yếu là nướng và không rẻ. Bữa ăn du lịch bình thường giá từ 5 – 7 USD, kiểu ngươi Hoa, nhiều món.

Khách sạn 4 sao giảm giá tối đa, ăn sáng buffet rất chán. Đoàn Hosrem ở Lotus Blanc 5 sao chuẩn, không chỉ ăn sáng ngon mà các dịch vụ cũng “Tiền nào của đó“. Ăn món ngon và nhà hàng Khmer chuẩn, 13 – 16 USD/người mỗi bữa, món nào cũng ngon. Riêng món mắm B’hoc với cả chục biến tấu, khách Việt khó tính nhất cũng khen. Ăn buffet xem múa cung đình, khách chưa tới trăm, nhà hàng Tonle Mekong vẫn gồng mình, hơn trăm món, chất lượng.

Ẩm thực Campuchia có nhiều món ngon, gần giống khẩu vị Tây Nam bô - Việt Nam

Ẩm thực Campuchia có nhiều món ngon, gần giống khẩu vị Tây Nam bô - Việt Nam

Du lịch Campuchia chủ yếu Inbuond. Outbuond chưa đang kể. Nội địa hầu như chưa có. Đơn giản, Campuchia miễn vé tham quan cho người Khmer và những ai sinh ra ở Campuchia.

70% hộ gia đình ở các thành phố có xe hơi riêng. Tự lái xe đi chơi, mang theo thực phẩm, nên du lịch nội địa Campuchia èo uột. Mới biết, du lịch Việt Nam may mắn.

Du lịch nội địa Việt Nam là đầu tàu, chủ lực vực dậy ngành công nghiệp không khói sau dịch. Lượng khách nội đia Việt Nam 2022 vượt cả trước dịch (2019), trong khi khách quốc tế chỉ đạt 20,3% năm 2019 (3,66/18 triệu). Điều đáng mừng, du lịch nội địa Việt Nam không chỉ tăng lượng khách mà tăng cả chi tiêu và chất lương dịch vụ. Chỉ có khách đi chùa, dự các lễ hội 0 đồng (miễn phí) dậm chân tại chỗ.

Tour Campuchia đường bộ hiện nay rẻ hơn nội địa, dù không có shooping và giá vé tham quan rất đắt. Vé tham quan Angkor 37 USD (1 – 2 ngày). Hướng dẫn viên Việt Nam (tour Leader) cũng phải mua vé.

Ở các nước, tour Leader được miễn vé. Vé tham quan Hoàng Cung 10 USD, chưa kể chùa Bà Penh (Watt Phnom), bảo tàng quốc gia. Các công ty sử dụng dịch vụ VIP ở của khẩu đường bộ hai bên khoảng 6 – 8 USD/người.

Giá tour Sài Gòn - Siem Reap – Angkor – Phnom Penh 4 ngày 3 đêm, ngày thường, giá 5.300.000 đồng người là đụng sàn. Vậy mà công ty V. còn đẩy xuống 3,9 triệu một người thì không hiểu họ làm bằng cách nào?

Các công ty khác nên nghiên cứu, học tập và nhân rộng ra các tour nội địa cho du khách được nhờ. Ở Campuchia và các nước khác, khách đi doàn, chỉ cần trình danh sách của công ty, khách không phải nộp hộ chiếu cho lễ tân như ở Việt Nam.

Tháng 4, Campuchia rộn ràng đón Chol Chnam Thmey (chung với Bunmi Mey - Lào; Songkran - Thái Lan; Thingyan – Myanmar).

Chol Chnam Thmey, theo tiếng Khmer: Chol là vào, Chnam là Năm, Thmey là Mới - là Tết của người Campuchia, thường diễn ra vào đầu tháng Chét (Phật lịch Khmer), vào ngày 13 hoặc 14./4 Dương lịch.

Tết Chol Chnam Thmey có đón giao thừa, cúng trời đất, các trò chơi và ẩm thực. Thời khắc giao thừa Tết Campuchia thay đổi từng năm theo Phật lịch Khmer; có thể là sáng, trưa, chiều, tối.

Bàn cúng giao thừa đặt trước cửa với cúc vàng, trái cây, thức ăn, nhang, đèn cầy. Các món ăn dịp Tết Campuchia gồm num Kanhchop (bún cà ri cá lóc), B’hoc linh (mắm bò hóc chưng), T’ray amok (cà ri cá hấp dừa), num Bot loc (bột lọc), num Xoi nước (chè xôi nước)…

Trẻ con, người lớn tham gia lễ hội té nước

Trẻ con, người lớn tham gia lễ hội té nước

Trò chơi dân gian có Teagn Pruot – Kéo co; Way Chnang Day – Bịt mắt đập nồi đất (chứa tiền, bánh, bột…); Chab Kon Kleng - giống Rồng rắn lên mây; Chol Chhuong - hai đội hàng ngang, ném Chhuong qua lại, đụng người là thua; Bay Khom - dạng ô ăn quan; Leak Kanseng - ngồi vòng tròn, hát và tìm chiếc khăn bí mật; Bos Angkunh – tựa chơi đáo, hai nhóm đối đầu… Phổ biến nhất là té nước.

Xưa, chỉ dùng thau, xô, gáo; nay, thêm “vũ khí” hiện đại. Nhiều nhất là các loại súng, giá từ vài đến vài chục USD. Khả năng “tấn công” và “sát thương” (làm ướt quần áo đối phương) cũng tùy giá tiền, từ vài đến vài chục mét; kèm đồ phụ tùng như nón, kính, mặt nạ, “áo giáp”, ba lô tiếp đạn nước, túi bảo vệ điện thoại, máy ảnh…và phấn thơm để thoa mặt. Có người dùng cả vòi xịt rửa xe, bịch ni lông làm “lựu đạn nước” … náo nhiệt như chiến trận.

Hào hứng nhất là các bạn trẻ và con nít. Thấy khách đi ngang là té nước. Gặp “đối phương có vũ khí” là chủ động tấn công nếu không muốn bị đánh úp. Nhiều du khách phấn khích trang bị súng nước, tham gia cuộc chơi, như một trải nghiệm văn hóa xứ sở chùa Tháp. Vui nhất ở Siem Reap, nơi có quần thể Angkor kỳ vỹ. Đường phố nhộn nhịp nhưng không xô bồ.

Đoàn HOSREM thăm, tặng quà cho trẻ em.

Đoàn HOSREM thăm, tặng quà cho trẻ em.

Từng tốp “chiến binh nước” lăm le vũ khí ngồi xe bán tải, xe tuk tuk, xe gắn máy, hành quân bộ; sẵn sàng “khai chiến” với số “bộ binh” chốt chặn ven đường. Hết “đạn”, có sẵn các trạm tiếp tế cho cả địch lẫn ta. Chơi Tết Khmer, càng ướt càng hên nên tha hồ chiến đấu. Như một thỏa ước ngầm, chiến trường chỉ diễn ra ở lòng đường, đi trên lề thi thoảng bị văng miểng nước do các bên tấn công nhau.

Thành phố sáng rực bởi hàng trăm ngàn đèn ông sao kết nối. Từ trong nhà ra ngoài đường. Nhiều nhất là trên cây, đủ màu cầu vồng bảy sắc, đủ kiểu lớn nhỏ; đèn ngôi sao 5 cánh, biểu tượng cho sự may mắn phồn vinh. Xưa, đèn ông sao chỉ treo trước nhà. Mấy năm nay, đèn ông sao đồng khởi hùa nhau ra phố, vào tận từng khách sạn, nhà hàng, trạm xá, cây xăng, bệnh viện… và tràn lên khắp ngọn cây.

Niềm tin chân thực nên nhìn đèn ông sao nào cũng có hồn, cứ đong đưa vui vẻ, trò chuyện.

Chợt tủi thân cho số phận đèn ông sao ở Việt Nam. Ông sao, vốn là đèn thuần Việt. Có cả bài hát riêng rất nổi tiếng “Chiếc đèn ông sao” (Phạm Tuyên). Đèn ông sao Viêt Nam ngày càng bị chối bỏ trên quê hương, chỉ còn ẩn náu trong các thánh đường dịp lễ Giáng Sinh. Việt Nam tràn ngập đèn lồng ngoại lai, đa phần bằng khung kẽm và vải tổng hợp.

Lạ là người Hoa ở Campuchia cũng dùng đèn ông sao, vì “Nhập gia tùy tục”. Tôi cứ mơ ước và tự hỏi, đèn ông sao đến bao giờ mới tìm được chỗ đứng ngay chinh trên quê hương mình.

Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//le-hoi-bon-phuong/campuchia-thang-tu-va-chol-chnam-thmey-c11a51411.html