Campuchia - thị trường đầu tư tiềm năng đối với các doanh nghiệp Mỹ
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia, với 37% tổng kim ngạch xuất khẩu, trị giá 4,2 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023
Báo Khmer Times mới đây đăng tải bài viết của tác giả Allen Dodgson Tan – Cố vấn Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) – và Devin Barta – Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Campuchia, nhận định về tiềm năng thu hút đầu tư của Mỹ vào quốc gia Đông Nam Á.
Theo hai tác giả, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia, với 37% tổng kim ngạch xuất khẩu, trị giá 4,2 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023. Nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ này, ngày 22/9, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã gặp các thành viên cấp cao của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Mỹ-Campuchia, tổ chức ở thành phố New York. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ khóa họp thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ).
Cuộc gặp mặt diễn ra trong giai đoạn 100 ngày nhậm chức đầu tiên của tân Thủ tướng Manet. Trong cuộc gặp mặt này, ông Manet đã gửi một thông điệp mạnh mẽ, khẳng định Campuchia mong muốn đón tiếp các công ty Mỹ đến hoạt động, vào thời điểm nhiều doanh nghiệp toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội tái định vị các khoản đầu tư và chuỗi cung ứng ở nước ngoài.
Một điểm đáng chú ý là sự kiện này có sự tham dự của đại diện các công ty lớn nhất Mỹ đầu tư vào Campuchia, bao gồm các công ty tài chính Visa, Mastercard và các tập đoàn thương mại, sản xuất Chevron, Abbott và AHF Products. Sự hiện diện của một số ngân hàng đầu tư lớn và các nhà quản lý quỹ là điều đáng chú ý nữa, đặc biệt khi đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp này tham dự vào một sự kiện của khu vực tư nhân Campuchia diễn ra ở Mỹ.
Các công ty Mỹ đang có cơ hội “thâm nhập” một trong những thị trường nhiều hứa hẹn ở Đông Nam Á, vào đúng thời điểm khi Chính phủ Hoàng gia Campuchia nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế, tập trung vào các ngành sản xuất, nông nghiệp và chế biến thực phẩm có giá trị cao hơn. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các công ty Mỹ thường có khả năng cạnh tranh về chất lượng, một đặc điểm có lợi cho các doanh nghiệp có chuỗi giá trị cao hơn.
Ví dụ, công ty SCAFCO Grain Systems ở tỉnh Battambang - khu vực tư nhân đầu tiên của Campuchia nhận được khoản vay do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ bảo lãnh - đã đạt được một thỏa thuận hợp tác thương mại về kho chứa gạo với AHF Products - doanh nghiệp 100% vốn của Mỹ lớn nhất tại Campuchia, tuyển dụng khoảng 700 người để sản xuất hàng hóa chất lượng cho thị trường Mỹ.
Đối với các thương hiệu Mỹ, thị trường Campuchia tuy có vẻ nhỏ nhưng lại rất phù hợp và có rào cản tiếp cận thị trường thấp hơn nhiều so với các thị trường lân cận. Hàng hóa và dịch vụ của Mỹ được người tiêu dùng Campuchia đánh giá cao, bằng chứng là Ford đã trở thành thương hiệu xe hơi mới bán chạy nhất tại đây, cũng như sự thống trị của các sản phẩm công nghệ Mỹ trong toàn ngành công nghiệp và tiêu dùng cá nhân của Campuchia.
Hơn nữa, Campuchia là sự lựa chọn ưa thích khi các công ty Mỹ tìm cách định hướng lại chuỗi cung ứng sang khu vực Đông Nam Á. Không giống như nhiều lựa chọn thay thế trong khu vực, khả năng sở hữu 100% nước ngoài mà Chính phủ Campuchia ban hành có nghĩa là các công ty Mỹ có thể sở hữu toàn bộ hoạt động kinh doanh của họ tại đây và không có sự phân biệt đối xử về mặt pháp lý giữa các công ty trong nước và nước ngoài, ngoài quyền sở hữu đất đai. Là một nền kinh tế cho phép sử dụng đồng USD không hạn chế, Campuchia không có rủi ro tiền tệ và việc chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp Mỹ không hề khó khăn.
Về mặt nhân khẩu học, lực lượng lao động của Campuchia ổn định, với 65% dân số trong độ tuổi lao động, trung bình là 26 tuổi. Campuchia có dân số trẻ thứ hai Đông Nam Á, tạo nền tảng để nước này đi trước các nước láng giềng trong quá trình chuyển giao công nghệ. Nhân khẩu học trẻ với lực lượng lao động có khả năng nói tiếng Anh sẽ cho phép các công ty Mỹ thay thế dần đội ngũ nhân viên nước ngoài đắt đỏ bằng việc tuyển dụng các nhân viên, quản lý và cả lãnh đạo người bản địa, có chi phí rẻ hơn.
Trong những trường hợp thông thường, quyền tiếp cận đặc biệt vào thị trường Mỹ thông qua chương trình “Hệ thống ưu đãi phổ cập” (GSP) mang lại khả năng xuất khẩu miễn thuế hàng nghìn mặt hàng, bao gồm giày dép, hàng may mặc và các sản phẩm du lịch. Đây là một lợi ích cho lĩnh vực sản xuất của Campuchia, góp phần vào sự phát triển của nước này và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Mỹ.
Tuy nhiên, chương trình GSP đã hết hiệu lực vào tháng 12/2020 và vẫn chưa được Quốc hội Mỹ cấp phép trở lại. Nhiều tổ chức đang nỗ lực để những lợi ích đó được nối lại, bao gồm cả AmCham Campuchia. Tổ chức này đã đến thăm Quốc hội Mỹ vào tháng Bảy vừa qua, để đưa ra thông điệp mong muốn. Các chuyên gia kỳ vọng việc cấp phép lại chương trình GSP sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua trước cuối năm 2023 và Campuchia sẽ tuân thủ mọi tiêu chí, điều kiện mới.
Ngoài những cân nhắc ảnh hưởng đến thị trường Mỹ đối với hàng hóa do Campuchia sản xuất, các công ty Mỹ ở Campuchia có thể hưởng lợi từ một loạt các chương trình thương mại hiện có, bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), giúp giảm đáng kể thuế quan đối với hàng hóa giữa các nền kinh tế lớn nhất châu Á. Hơn nữa các công ty cũng sẽ gián tiếp tận dụng được các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Campuchia tham gia, như FTA Campuchia-Hàn Quốc. Những điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Mỹ xây dựng chuỗi cung ứng, nhằm tiếp cận các thị trường liên quan.
Nền tảng cho mọi khoản đầu tư là môi trường pháp lý hoặc “các thông lệ”. Cho đến nay, Chính phủ Hoàng gia Campuchia mới đang thúc đẩy cách tiếp cận mạnh mẽ với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và các thông báo chính sách tích cực, qua đó thể hiện ý định cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục và đào tạo, cũng như hỗ trợ phát triển công bằng. Đây là những dấu hiệu đáng khích lệ, cho thấy việc thực hiện những sáng kiến này sẽ đưa Campuchia trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực./.