Campuchia tiêm vắcxin COVID-19 cho cán bộ ngoại giao nhiều nước

Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh được tiêm vắcxin AstraZeneca. - Ảnh: Vietnam+

Sáng 23/3, Bộ Y tế Campuchia đã triển khai đợt tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 cho cán bộ, nhân viên đại sứ quán; các tổng lãnh sự quán nước ngoài; văn phòng đại diện các tổ chức quốc tế tại Campuchia.

Đợt tiêm chủng này được tổ chức tại Bệnh viện Nhi Quốc gia Campuchia tại thủ đô Phnom Penh từ ngày 23-26/3.

Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam là những người đầu tiên được tiêm chủng trong số 18 đại sứ quán nước ngoài tại Campuchia, trong đó có Đức, Pháp, Úc, Candada, Thụy Điển, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...

Trong buổi tiêm chủng đầu tiên cho 90 người vào sáng 23/3, sức khỏe của những người được tiêm ổn định 30 phút sau tiêm. Công tác tổ chức tiêm chủng của Bộ Y tế Campuchia chu đáo, kỹ càng và thuận tiện.

Theo thống kê của Bộ Y tế Campuchia, trong chiến dịch tiêm phòng COVID-19 triển khai từ ngày 10/2 đến ngày 13/3, hơn 170.800 người dân Campuchia đã được tiêm vắcxin, trong đó hơn 9.000 người được tiêm mũi thứ hai và 161.800 người tiêm mũi đầu tiên. Hai loại vắcxin được sử dụng là Sinopharm và AstraZeneca.

Cũng trong thời gian trên, hơn 108.00 quân nhân và công an đã được tiêm vắcxin Sinopharm, trong đó hơn 47.700 người đã tiêm mũi thứ hai.

Tại Hàn Quốc, sáng 23/3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tiêm mũi đầu tiên của vắcxin ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp sản xuất. Những hình ảnh truyền hình cho thấy nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã tiêm chủng tại một trung tâm y tế công cộng ở trung tâm thủ đô Seoul.

Ông Moon Jae-in đã tiêm chủng trước khi có chuyến công du tới Anh trong tháng 6/2021 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7). Ông vui vẻ chia sẻ khi thực hiện tiêm phòng: "Nếu bạn thoải mái khi tiêm chủng, sẽ chẳng có cảm giác đau đớn chút nào cả”.

Từ ngày 23/3, Hàn Quốc đã bắt đầu tiêm chủng vắcxin của AstraZeneca cho người từ 65 tuổi trở lên sau khi tạm hoãn chờ kết luận của các chuyên gia về tính an toàn và hiệu quả của loại vắcxin này. Giới chức y tế Hàn Quốc trong ngày trước đó cũng đã khẳng định họ không phát hiện bằng chứng nào chứng tỏ mối liên hệ giữa vắcxin của AstraZeneca và các trường hợp xuất hiện cục đông máu như báo cáo tại một số nước châu Âu.

Cùng ngày, truyền thông Litva đưa tin một loạt quan chức cấp cao của nước này, gồm Tổng thống Gitanas Nauseda, Thủ tướng Ingrida Simonyte, Chủ tịch Quốc hội Viktorija Cmilyte-Nielsen và Bộ trưởng Y tế Arunas Dulkys, đã tiêm chủng mũi đầu tiên của vắcxin AstraZeneca.

Phát biểu trước báo giới sau khi tiêm chủng, Tổng thống Nauseda bày tỏ tin tưởng kết quả đánh giá của giới khoa học và chuyên môn về tất cả các loại vắcxin và tất cả các nhà phát triển vắcxin. Ông kêu gọi người dân đừng trì hoãn hay e ngại mà hãy tiêm chủng loại vắcxin mà họ mong muốn và lựa chọn.

Việc lãnh đạo các nước sử dụng vắcxin của AstraZeneca tiêm chủng nhằm trấn an người dân sau các báo cáo về hàng chục trường hợp xuất hiện cục đông máu hay huyết khối tĩnh mạch não sau khi tiêm chủng vắcxin này.

Tuy nhiên, cho đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới, Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) đều khẳng định vắcxin này an toàn và hiệu quả trong phòng chống COVID-19. Nhiều nước trên khắp thế giới như Đức, Pháp, Thái Lan... đã tiếp tục sử dụng vắcxin của AstraZeneca cho chương trình tiêm chủng quốc gia.

Hiện AstraZeneca đang chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép sử dụng tại Mỹ sau khi cuộc thử nghiệm giai đoạn sau cùng của vắcxin này được thực hiện tại Mỹ, Chile và Peru cho thấy vắcxin đạt hiệu quả 79% phòng chống SARS-CoV-2 và 100% ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nặng ở người bệnh COVID-19 và giảm thiểu nguy cơ phải nhập viện điều trị.

Trong khi đó, Tây Ban Nha ngày 22/3 đã quyết định tăng độ tuổi giới hạn tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca, từ 55 tuổi lên 65 tuổi. Theo Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias, quyết định điều chỉnh độ tuổi tiêm chủng vắcxin đã được đưa ra 2 ngày sau khi nước này khôi phục sử dụng vắcxin của AstraZeneca cho chương trình tiêm chủng của nước này theo khuyến nghị của Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) liên quan đến những lo ngại về phản ứng phụ sau khi tiêm vắcxin loại này. EMA khẳng định vắcxin của AstraZeneca "an toàn và hiệu quả" trong phòng chống dịch COVID-19.

Sau khi các nhà quản lý dược phẩm châu Âu cấp phép lưu hành vắcxin của AstraZeneca hồi tháng 1/2021, Tây Ban Nha cũng như nhiều nước châu Âu cấp phép sử dụng vắcxin này cho người dưới 55 tuổi do thiếu dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm ở nhóm người cao tuổi hơn. Sau khi có dữ liệu của các cuộc thử nghiệm bổ sung, nhiều nước như Đức, Pháp mở rộng độ tuổi tiêm chủng loại vắcxin này.

Với quyết định trên, chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 tại Tây Ban Nha sẽ được đẩy nhanh hơn. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số nước này vào cuối mùa Hè 2021.

Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có khoảng 2,1 triệu người trong tổng số 47 triệu dân của Tây Ban Nha được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi, và phần lớn những người này là nhân viên y tế và người già sống tại các trại dưỡng lão.

Tại Ý, truyền thông nước này ngày 22/3 đưa tin cuối tuần qua, ít nhất một trung tâm tiêm chủng tại vùng Lombardy không có người đến tiêm chủng do hệ thống đặt lịch tiêm chủng bị lỗi. Sự cố này phần nào làm chậm thêm chương trình tiêm chủng tại trung tâm kinh tế của quốc gia châu Âu này.

Cũng như nhiều nước châu Âu khác, công tác tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 tại Ý trong tình trạng chậm trễ do thiếu nguồn cung vắcxin. Theo Bộ Y tế Ý, nước này đã tiêm chủng 7,8 triệu liều vắcxin và tiêm chủng đầy đủ 2 mũi cho gần 2,5 triệu người, tương ứng 4,1% dân số nước này.

Tại Cyprus, toàn bộ người trên 45 tuổi dự kiến sẽ được tiêm chủng ít nhất 1 mũi vắcxin ngừa COVID-19 trong tuần đầu tiên của tháng 5/2021. Bộ Y tế nước này ngày 22/3 cho biết Cyprus dự kiến tiếp nhận thêm 270.000 liều vắcxin vào cuối tháng 4/2021, qua đó đẩy nhanh chương trình tiêm chủng của nước này.

Cyprus hiện sử dụng cả 4 loại vắcxin đã được EMA cấp phép gồm Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Moderna và Johnson & Johnson. Cyprus có kế hoạch mở cửa các sân bay đón khách du lịch từ giữa tháng 5/2021.

Quốc gia châu Âu này dự kiến sẽ tiêm chủng cho 50% dân số, tức khoảng 450.000 người của nước này vào giữa tháng 6/2021 để có thể nối lại các hoạt động của ngành du lịch của nước này.

Theo Reuters, Bộ trưởng Y tế Ukraine Maksym Stepanov ngày 23/3 cho biết nước này vừa ghi nhận số ca tử vong liên quan đến COVID-19 trong vòng 24 giờ cao kỷ lục, với 333 trường hợp.

Số ca tử vong cao nhất trước đó ở quốc gia Đông Âu này là 289 người được ghi nhận vào ngày 17/3.

Cũng theo ông Stepanov, trong vòng 24 giờ qua, Ukraine ghi nhận thêm 11.476 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 1.565.732 người, trong đó có 30.431 ca tử vong.

Theo Thị trưởng Kiev, Vitali Klitschko, trong giai đoạn phong tỏa, các nhà hát và trung tâm mua sắm sẽ phải đóng cửa, các sự kiện thi đấu thể thao được phép diễn ra nhưng không có khán giả, các quán càphê và nhà hàng chỉ được bán mang về.

Ngoài ra, tất cả trường học ở Kiev chuyển sang học trực tuyến và các công sở bố trí cho nhân viên làm việc tại nhà.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/253660/campuchia-tiem-vacxin-covid-19-cho-can-bo-ngoai-giao-nhieu-nuoc.html