Campuchia và Thái Lan đều có trứng vịt lộn

Trứng vịt lộn xuất hiện nhiều trên đường phố ở Việt Nam, Thái Lan và Campuchia. Song, nguyên liệu và cách chế biến tại mỗi quốc gia lại có nhiều khác biệt.

 Mỗi quốc gia có cách chế biến trứng vịt lộn khác nhau. Ảnh: DDAU.

Mỗi quốc gia có cách chế biến trứng vịt lộn khác nhau. Ảnh: DDAU.

Ở khu vực Đông Nam Á, trứng vịt lộn được xem như món ăn phổ biến, đặc biệt là Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Philippines. Món ăn này được bày bán rộng rãi trên đường phố lẫn các khu chợ.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trứng vịt lộn giàu dinh dưỡng, cung cấp nhiều năng lượng và chứa lượng canxi, đạm cao.

Cùng là trứng vịt lộn, nhưng Việt Nam, Thái Lan và Campuchia lại mang những nét riêng biệt, được thể hiện qua nguyên liệu, cách chế biến, kể cả nước chấm cũng khác nhau.

Việt Nam

Người Việt Nam ở miền Nam quen thưởng thức trứng vịt lộn luộc khi còn nóng, bóc vỏ phần đầu và húp hết nước. Tiếp đến là xúc lòng trắng hoặc lòng đỏ, chấm vào muối tiêu chanh và kèm theo vài lá rau răm. Để trứng dậy lên vị ngọt, một số quán còn luộc bằng nước dừa tươi.

So với Thái Lan và Campuchia, trứng vịt lộn Việt Nam được ấp 19-21 ngày nên phôi đủ lớn, vịt non bên trong phát triển khá to, xương cứng cáp và úp mề dày.

Ở Việt Nam, trứng vịt lộn ở miền Nam (ảnh trái) và miền Bắc (ảnh phải) có cách ăn không giống nhau. Ảnh: Chan Chan, Bếp Mina.

Ở Việt Nam, trứng vịt lộn ở miền Nam (ảnh trái) và miền Bắc (ảnh phải) có cách ăn không giống nhau. Ảnh: Chan Chan, Bếp Mina.

Sự đa dạng của trứng vịt lộn ở Việt Nam đến từ các phương pháp chế biến như xào me chua ngọt, lăn bột chiên, nướng mỡ hành/muối ớt, hầm ngải cứu… Bất cứ biến tấu nào cũng đi kèm rau răm và mang hương vị riêng. Thực khách có thể tìm thấy những quán trứng vịt lộn ngay trên đường phố hay trong các khu chợ truyền thống.

Ở miền Bắc, trứng vịt lộn thường được đập ra bát nhỏ, ăn nguyên quả kèm nước. Bên trên rắc thêm rau răm và gừng tươi thái sợi. Cách ăn này giúp vị béo của trứng, vị the the của gừng hòa quyện tự nhiên cùng hương thơm nồng của rau răm.

Thái Lan

Ở Thái Lan, trứng vịt lộn chủ yếu luộc hoặc nướng chín. Ở hình thức nướng chén, người bán thường bỏ phần nước, phủ đều mỡ hành lên trứng và nướng trên bếp than đến khi nghe tiếng xì xèo. Còn với hình thức nướng nguyên quả, trứng sẽ được bóc vỏ phần đầu, rưới sốt sa tế vào bên trong. Cách ăn này thường không dùng nước chấm hay muối tiêu.

Người dân Thái Lan rất ít ăn trứng luộc nguyên vỏ. Họ thường luộc chín trước, sau đó bỏ phần nước, xiên trứng vào que và hấp trên lửa lớn. Khi thực khách mua, người bán sẽ nhúng trứng ngập vào loại sốt đặc trưng và cho thêm rau răm hoặc rau mùi. Hương thơm từ sốt và rau sẽ át bớt mùi của trứng vịt lộn, phù hợp với những ai thích ăn đậm gia vị.

Trứng vịt lộn ở Thái Lan được gọi với cái tên kai khao, gây ấn tượng với nhiều loại sốt đặc trưng. Ảnh: @damanfood.

Trứng vịt lộn ở Thái Lan được gọi với cái tên kai khao, gây ấn tượng với nhiều loại sốt đặc trưng. Ảnh: @damanfood.

Cũng nhờ cách chế biến riêng biệt, khi đi trên đường phố hay bước vào những khu chợ, thực khách sẽ choáng ngợp bởi làn khói nghi ngút và mùi thơm tỏa ra nức mũi. Một số khu ẩm thực hiện bán trứng vịt lộn có thể kể đến chợ đêm Thepprasit (thành phố Pattaya), chợ Ratchawat (thủ đô Bangkok), Khao San (thủ đô Bangkok)...

Campuchia

Điểm khác biệt của trứng vịt lộn ở Campuchia là độ non của trứng. Thời gian ấp tối đa khoảng 18-20 ngày nên vịt chưa phát triển nhiều lông và xương vẫn còn mềm. Úp mề cũng mềm dẻo, không quá cứng.

 Pong tea khon là tên gọi của trứng vịt lộn ở Campuchia. Người dân nước này chuộng trứng luộc đơn thuần. Ảnh: Phnom Penh Foodies.

Pong tea khon là tên gọi của trứng vịt lộn ở Campuchia. Người dân nước này chuộng trứng luộc đơn thuần. Ảnh: Phnom Penh Foodies.

Người Campuchia ít biến tấu cầu kỳ, chỉ ăn trứng vịt lộn luộc bằng nồi nhôm truyền thống, canh đúng thời gian chín đều. Hỗn hợp sốt chấm gồm muối tiêu trộn cùng ớt xay sên để độ cay xộc lên mũi, cộng thêm chút hương nồng của tỏi thái lát và rau răm. Một số điểm bán ở các khu chợ truyền thống như Phnom Penh, Phsar Chas, Phsar Kandal... còn có thêm chanh và chuối sống bào.

Tương tự Việt Nam và Thái Lan, trứng vịt lộn ở Campuchia cũng ăn bằng cách dùng thìa nhỏ đập dập và bóc phần đầu của trứng, sau đó húp nước còn ấm nóng và lách thìa vào bên trong để xúc trứng. Ngoài ra, thực khách có thể lột vỏ trứng, ngắt nhỏ rau răm và rưới sốt đến khi thấm đều.

Trúc Hồ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/campuchia-va-thai-lan-deu-co-trung-vit-lon-post1503271.html