Cần 2,1 nghìn tỷ USD để xử lý chất thải nhựa trên toàn cầu

Thiếu hụt nguồn lực tài chính đang là một trong những thức lớn toàn cầu để xử lý rác thải nhựa trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Ước tính để chấm dứt ô nhiễm nhựa đòi hỏi sự huy động nguồn tài chính lớn, nhu cầu đầu tư toàn cầu để quản lý chất thải nhựa được dự báo sẽ đạt khoảng 2,1 nghìn tỷ USD...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhằm tìm kiếm các giải pháp tài chính thiết thực và khả thi trong bối cảnh Phiên đàm phán Liên chính phủ lần thứ năm (INC-5) về Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa vừa kết thúc, ngày 12/12 tại Hà Nội, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) của Việt Nam, đại diện của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, tổ chức hội thảo “Huy động tài chính cho giải pháp ô nhiễm nhựa tại Việt Nam: Từ lý thuyết đến thực thi”.

Các chuyên gia đã nêu ra thực trạng ô nhiễm nhựa trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam, thách thức trong quả lý, xử lý, đặc biệt vấn đề tài chính, cơ hội đầu tư xanh và xây dựng cơ chế tài chính bền vững, hướng tới mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn nhựa tại Việt Nam.

THIẾU HỤT NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH CHO VẤN ĐỀ NHỰA

Theo thống kê, hằng năm, trên thế giới, có tới 300 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Riêng ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa ra môi trường trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.

Ô nhiễm rác thải nhựa là một thách thức môi trường đặt ra đòi hỏi phải có các giải pháp, nguồn lực tài chính để xử lý. Thống kê, đến năm 2040 mức độ rò rỉ nhựa ra môi trường dự kiến sẽ ở mức 30 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 9 triệu tấn sẽ thải ra môi trường đại dương, xâm nhập vào môi trường nước. Các quốc gia trong khu vực ASEAN nằm trong số nhưng nước phát thải nhiều nhựa ra đại dương, chiếm khoảng 65% tổng lượng phát thải toàn cầu.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường

"Theo báo cáo "Kịch bản chính sách nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa đến năm 2040" của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc chấm dứt ô nhiễm nhựa đòi hỏi sự huy động nguồn tài chính lớn, nhu cầu đầu tư toàn cầu để quản lý chất thải nhựa được dự báo sẽ đạt khoảng 2,1 nghìn tỷ USD trong giai đoạn từ 2020 đến 2040.

Ở Việt Nam, việc đầu tư cho các hoạt động triển khai chính sách giảm thiểu ô nhiễm nhựa, kết hợp áp dụng các mô hình tuần hoàn nhựa, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành sản xuất được dự kiến là một con số rất lớn".

Việt Nam nằm trong top các quốc gia đóng góp ô nhiễm nhựa. Ô nhiễm nhựa tác động tới môi trường các thành phố, hệ sinh thái duyên hải, đa dạng sinh học, thúc đẩy biến đổi khí hậu và tạo ra những tổn thất về kinh tế.

Việt Nam đã có chương trình hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương với các mục tiêu rõ ràng. Để đạt được các mục tiêu này đòi hỏi đáp ứng được nhu cầu tài chính rất lớn.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết theo báo cáo "Kịch bản chính sách nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa đến năm 2040" của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc chấm dứt ô nhiễm nhựa đòi hỏi sự huy động nguồn tài chính lớn, nhu cầu đầu tư toàn cầu để quản lý chất thải nhựa được dự báo sẽ đạt khoảng 2,1 nghìn tỷ USD trong giai đoạn từ 2020 đến 2040.

Chia sẻ điều này, TS. Muthukumara S. Mani, Chuyên gia trưởng về Kinh tế Môi trường và Biến đổi khí hậu khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Thế giới, cung cấp thông tin về quốc tế.

"Trên toàn cầu, tình trạng thiếu hụt tài chính cho nền kinh tế tuần hoàn dự kiến sẽ từ 426 tỷ USD đến 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2040. Riêng với Việt Nam, khoảng trống tài chính này lần lượt được ước tính ở mức 28–40 USD/tấn nhựa phục vụ thu gom và 24–40 USD/tấn nhựa phục vụ tái chế. Đây là những khoản đầu tư quan trọng để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc quản lý rác thải nhựa hiệu quả. Để vượt qua thách thức này, việc tìm ra các cơ chế tài chính sáng tạo là điều cần thiết", chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho biết.

CÔNG CỤ HUY ĐỘNG TÀI CHÍNH GIẢI QUYẾT Ô NHIỄM NHỰA

Trong nỗ lực nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa, những năm qua, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp triển khai các chương trình, dự án nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong quá trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã chủ động giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và nền kinh tế tuần hoàn mang đến cơ hội quan trọng để phát huy tiến trình này. Việc chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam vượt qua các hoạt động không bền vững, nâng cao năng suất và thúc đẩy khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, việc đầu tư cho các hoạt động triển khai các chính sách giảm thiểu ô nhiễm nhựa, kết hợp áp dụng các mô hình tuần hoàn nhựa, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành sản xuất được dự kiến là một con số rất lớn.

Do đó, Việt Nam cần tích cực chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của Chương trình NPAP, góp phần thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa để đóng góp chung vào nỗ lực xây dựng tương lai bền vững hơn cho nhân loại.

TS. Muthukumara S. Mani, Chuyên gia trưởng về kinh tế môi trường và biến đổi khí hậu vùng Đông Nam Á, Ngân hàng Thế giới

"Các cơ chế tài chính sáng tạo đóng vai trò quan trọng để vượt qua thách thức về ô nhiễm nhựa.

Các giải pháp hiệu quả hiện nay đã được đưa ra bao gồm trái phiếu dựa trên kết quả, trái phiếu xanh, trái phiếu xanh dương, tín chỉ nhựa và quan hệ đối tác công tư có thể “mở khóa”, khơi thông huy động nguồn tài chính để giải quyết vấn đề này".

Các chuyên gia nhấn mạnh thách thức nhất về mặt môi trường hiện nay đó là thu hút nguồn lực tài chính cho cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa.

Phiên đàm phán Liên chính phủ lần thứ năm (INC-5) về Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa vừa diễn ra quy tụ hơn 100 quốc gia với nỗ lực chung nhằm chống ô nhiễm nhựa, trong đó vấn đề quan trọng nhất được nhấn mạnh đó là sự cần thiết phải có một cơ chế tài chính để hỗ trợ cho hành động của toàn cầu.

Theo ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP Việt Nam, phiên đàm phán INC-5 đạt được một số bước tiến đáng kể để hướng tới một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Nhưng vẫn còn những thách thức lớn cần vượt qua, đặc biệt là trong việc xây dựng các cơ chế tài chính công bằng và huy động nguồn lực hiệu quả để giải quyết ô nhiễm nhựa.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo một lộ trình tài chính rõ ràng, lồng ghép các cam kết của Thỏa thuận vào kế hoạch chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn nhựa của quốc gia, chuyên gia nhấn mạnh.

Nói về các giải pháp huy động nguồn lực tài chính cho vấn đề rác thải nhựa, TS. Muthukumara S. Mani lưu ý đến các cơ chế tài chính sáng tạo đóng vai trò quan trọng để vượt qua thách thức về ô nhiễm nhựa. Các giải pháp hiệu quả hiện nay đã được đưa ra bao gồm trái phiếu dựa trên kết quả, trái phiếu xanh, trái phiếu xanh dương, tín chỉ nhựa và quan hệ đối tác công tư có thể “mở khóa”, khơi thông huy động nguồn tài chính để giải quyết vấn đề này.

Hiện nay, Ngân hàng Thế giới đang tích cực hỗ trợ chương trình nghị sự này thông qua các sáng kiến như Chương trình khu vực Đông Nam Á về chống rác thải nhựa trên biển (SEA-MaP) và các công cụ tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh, trái phiếu xanh lá cây và trái phiếu liên kết giảm thiểu nhựa. Những sáng kiến này chứng minh cách tài chính có mục tiêu có thể mang lại lợi ích kinh tế và môi trường hữu hình.

Để ngăn ngừa rò rỉ rác thải nhựa ra môi trường, ông Michikazu Kojima, Chuyên gia kinh tế cấp cao, Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), một số quốc gia khu vực Đông Nam Á (Indonesia, Philippines, Việt Nam và Singapore) đã áp dụng EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất). Theo đó, các nhà sản xuất chịu chi phí thu gom hoặc tái chế và các chi phí liên quan khác. Tuy nhiên, nhiều nước đang phát triển không đủ năng lực cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý chất thải phù hợp. Do đó, hỗ trợ tài chính nên được phân bổ cho nhiều hoạt động khác nhau.

Tùng Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/can-2-1-nghin-ty-usd-de-xu-ly-chat-thai-nhua-tren-toan-cau.htm