Cân bằng giữa tăng trưởng tín dụng, kiểm soát nợ xấu và phát triển bền vững

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh nền kinh tế lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng như hiện nay thì vẫn cần kiểm soát định mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) để tránh rủi ro đối với hệ thống ngân hàng cũng như toàn bộ thị trường tài chính; đồng thời, quá trình phân bổ nguồn lực đúng mục tiêu…

Nền kinh tế lệ thuộc vào vốn tín dụng khiến hệ thống ngân hàng chịu rủi ro lớn.

Nền kinh tế lệ thuộc vào vốn tín dụng khiến hệ thống ngân hàng chịu rủi ro lớn.

Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV ngày 11/11/2024, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi với bà Nguyễn Thị Hồng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về vấn đề điều hành tín dụng và kiểm soát nợ xấu.

Đại biểu Hồ Thị Minh, Đoàn Quảng Trị đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ xử lý như thế nào tình trạng "chạy xô" tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng; giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản.

Trong phần trả lời, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện 2 chức năng là điều hành chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước còn có một chức năng nữa là quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ ngân hàng.

Vì vậy, mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Trong đó, an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng là vấn đề cần phải đặt lên trên hết, trước hết. Bởi, nếu hệ thống các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro thì sẽ lan truyền sang toàn bộ thị trường tài chính và gây ra hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có đặc thù là vốn dựa vào hệ thống ngân hàng rất nhiều. Trong lịch sử, từng có giai đoạn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống bình quân trên 30%, có những năm tăng lên đến hơn 50%, dẫn đến lạm phát và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng, nhất là những ngân hàng yếu kém dành tỷ lệ lớn vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

"Mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vẫn vừa phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Trong đó, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng là vấn đề cần phải đặt lên trên hết, trước hết".

(Thống đốc Nguyễn Thị Hồng)

Căn cứ vào diễn biến thực tế nêu trên, trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định phải sử dụng công cụ “room” tín dụng để kiểm soát rủi ro hệ thống.

Khi phân bổ và thông báo hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đều phải đánh giá trên cơ sở xếp hạng các tổ chức tín dụng, cũng như khả năng mở rộng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên giám sát và cảnh báo những tổ chức tín dụng tăng trưởng cao và tiềm ẩn rủi ro.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà về việc khi nào có thể xóa bỏ cơ chế điều hành thông qua "room tín dụng", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau phiên chất vấn tháng 5/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 62/2022/QH15. Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức các cuộc tọa đàm để phân tích, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng về tình hình thực trạng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như tình hình của các tổ chức tín dụng. Xét trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chưa thể bỏ cách thức điều hành theo hạn mức tín dụng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn Quốc hội ngày 11/11/2024.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn Quốc hội ngày 11/11/2024.

“Với thực trạng nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào vốn của hệ thống ngân hàng, nếu chúng ta không kiểm soát, để mỗi tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng đến vài chục phần trăm như những năm trước đây thì cũng tiềm ẩn những rủi ro. Nhất là khi phân khúc của thị trường tài chính đáp ứng nhu cầu về trung, dài hạn như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần, cổ phiếu…vẫn còn chưa giải quyết được vấn đề về vốn dài hạn thì việc bỏ hạn mức tín dụng là chưa thực hiện được”, bà Hồng nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2022, tín dụng tăng 14,18%; năm 2023 tăng 13,78%; đến ngày 31/10/2024, tín dụng tăng 10,08% so với cuối năm 2023, tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023.

Thống đốc cũng nêu rõ, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt hơn trong các giải pháp đáp ứng nhu cầu tín dụng như: cấp hạn mức tín dụng theo đánh giá, xếp loại của cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước; cân nhắc đối với những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong từng giai đoạn (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, bất động sản…). Đến cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện thông báo tăng trưởng tín dụng của cả năm 2024 cho tất cả các tổ chức tín dụng với chỉ tiêu định hướng khoảng 15%.

Theo Thống đốc, tăng trưởng tín dụng sẽ thường tăng cao trong 2 tháng cuối năm. Do đó, khả năng đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 15% đã đề ra từ đầu năm là khả thi.

Liên quan đến các giải pháp xử lý nợ xấu, Thống đốc cho biết nếu nguyên nhân nợ xấu là do yếu tố khách quan thì Ngân hàng Nhà nước cũng khó kiểm soát. Để ngăn ngừa nợ xấu phát sinh do yếu tố chủ quan, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường các biện pháp kiểm soát nợ xấu bằng cách thẩm định kỹ các khoản vay, đối tượng vay, thận trọng, cân đối các nguồn vốn.

Tùng Thư

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/can-bang-giua-tang-truong-tin-dung-kiem-soat-no-xau-va-phat-trien-ben-vung.htm