Cân bằng mong manh - Một góc mong manh về Ấn Độ

Bạn biết gì về đất nước Ấn Độ? Là đất nước đông dân nhất thế giới, là nơi phát tích của đạo Phật, là nơi có những tỷ phú qua Phú Quốc tổ chức đám cưới siêu xa xỉ, là những khu ổ chuột khổng lồ ở Mumbai, là xã hội phân chia đẳng cấp nặng nề… Những thông tin đó đều đúng, nhưng để hiểu biết thêm về đất nước của những mảng đối lập này, bạn nên tìm đọc Cân bằng mong manh của Rohinton Mistry. Sách do Nhà xuất bản Trẻ phát hành trong chương trình Tủ sách Cánh cửa mở rộng theo sáng kiến của Giáo sư Ngô Bảo Châu.

Tiểu thuyết lấy bối cảnh của đất nước Ấn Độ thập kỷ 1970. Đây là thời điểm chính phủ của bà Indira Gandhi trong nỗ lực bảo vệ quyền lãnh đạo đã ban bố Tình trạng khẩn cấp quốc gia. Thời kỳ này nhiều đảng phái bị giải thể, bắt bớ, báo chí bị kiểm duyệt. Nhưng đặc biệt nhất là chiến dịch cưỡng chế triệt sản và chiến dịch phá các khu ổ chuột để làm đẹp bộ mặt đất nước. Những người nghèo, nhất là thuộc đẳng cấp dưới luôn sống trong nơm nớp bị cảnh sát phá lều, không cần biết phá đi thì họ sẽ ở đâu và bị bắt vào khu triệt sản tập trung bất cứ khi nào.

Trong bối cảnh đó, 4 thân phận đã gặp nhau: Dina, một phụ nữ thuộc tầng lớp trên muốn độc lập với anh trai, phản ứng lại tập tục muôn đời của xã hội nên mở tiệm may tại nhà. Maneck, một sinh viên ở trọ và hai bác cháu Ishvar, Omprakash thuộc tầng lớp “hạ tiện” đến làm thuê cho Dina. Họ đã biến căn hộ thành một gia đình đầm ấm nhưng tiếc thay, lịch sử đã quăng quật cái gia đình này theo những số phận bi thảm nhất. Bất hạnh rơi xuống đầu họ không ngừng trong một đất nước mà quyền cá nhân tạm thời không tồn tại, đặc biệt tàn nhẫn với những người ở tầng đáy xã hội.

Kết thúc chuyện, Dina quay trở về phụ thuộc vào anh trai như xã hội vốn vậy. Ishvar và Omprakash trở thành 2 người ăn xin què quặt sau khi bị cưỡng chế triệt sản man rợ như thời trung cổ. Maneck với tâm hồn nhạy cảm, khi gặp lại 2 người ăn mày dắt díu nhau, Omprakash trong bộ dạng thảm hại kéo chiếc bệ tồi tàn chở Ishvar cụt 2 chân… trong cơn tuyệt vọng đã chọn cách lao đầu vào xe lửa.

Một cuốn sách viết trần trụi về thân phận con người, nhất là những người thuộc đẳng cấp thấp trong một giai đoạn lịch sử của Ấn Độ. Một cuốn sách buồn, như một lời cầu khẩn của những nhân vật chính đã cố gắng tìm và duy trì một điểm cân bằng dẫu mong manh để mà tồn tại trong cuộc sống. Cuốn sách khá dày, trên ngàn trang nhưng cuốn hút người đọc từ đầu tới cuối. Gấp sách lại, những số phận trong truyện ám ảnh ta mãi không thôi.

THỦY NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202308/can-bang-mong-manh-mot-goc-mong-manh-ve-an-do-109276f/