Ngang qua một quãng sông

Ngược trở về thế kỷ XVI, năm 1558, Nguyễn Hoàng từ xứ Thanh đã vào Quảng Trị ở cửa biển Việt Yên, rồi theo sông Thạch Hãn lên Ái Tử lập nên dinh trấn buổi đầu mở mang bờ cõi xứ sở, thu phục nhân tâm, được dân yêu mến gọi Chúa Tiên. Quãng sông mà Chúa Tiên Nguyễn Hoàng ngược dòng ấy ngót mấy trăm năm vẫn là sông, vẫn những con đò ngang qua về đưa đón người bên bờ này sang bờ bên kia. Thế mà chỉ trên dưới mươi năm trở lại đây, mấy cây cầu kiên cố đã dựng lên, vượt sông, nối kết đôi bờ. Trước đấy, người dân chỉ qua về bằng đò.

Cầu Thạch Hãn 1 đang thi công, khi hoàn thành sẽ kết nối từ xã Triệu Độ, Triệu Phong sang thành phố Đông Hà - Ảnh: HCD

Cầu Thạch Hãn 1 đang thi công, khi hoàn thành sẽ kết nối từ xã Triệu Độ, Triệu Phong sang thành phố Đông Hà - Ảnh: HCD

Từ mấy bến đò quê

Những bến sông quê luôn khơi gợi trong tâm trí người ta ký ức về một thời gian khó. Cái quãng sông gắn liền với tuổi thơ tôi là Thạch Hãn giang đi qua đồng bằng huyện Triệu Phong. Chỉ một chặng sông chừng năm cây số mà có đến sáu bến đò ngang chuyên chở người vùng quê ngày ngày đi lên thị thành. Đấy là câu chuyện của ba mươi năm về trước, thuở chưa có những cây cầu bắc ngang như bây chừ.

Thuở ấy, tôi là một đứa trẻ con nhìn sông như nhìn một tấm vải dệt bằng nước mênh mông mà chỉ cần vượt qua nó, bên kia đã là những thứ phồn hoa đô hội. Đoạn sông Thạch Hãn chảy qua xã Triệu Thuận có một bến đò ngang sang phía Đông Hà, tục gọi bến đò ông Leo.

Chuyến đò ngang qua sông Thạch Hãn những năm 1990 - Ảnh: TƯ LIỆU

Chuyến đò ngang qua sông Thạch Hãn những năm 1990 - Ảnh: TƯ LIỆU

Cách bến đò xã tôi trong khoảng ba cây số lại có ba bến đò khác. Ấy là những bến đò ở khúc sông nối qua Ái Tử, dành cho người miền lúa Triệu Phong đi qua thị trấn huyện lỵ. Bến đò bên này là làng Đâu Kênh, bên kia lên khỏi bậc đã là chợ Hôm, nên người ta gọi bến đò Chợ Hôm.

Bến hiu hắt nằm giữa miền cỏ lau bời bời, từ xa nhìn tới chẳng thấy mặt nước, chẳng thấy con đò vì lau lách che hết. Chỉ khi tới tận bến mới thấy ông lái đò gầy gò nhỏ xíu. Quãng sông ấy rất rộng, người chèo đò thì nhẩn nha như không thèm chèo.

Cách bến Chợ Hôm nửa cây số lại là bến đò An Mô. Bến này không có lau lách nhưng đôi bờ rất nhiều tre. Tre viền quanh bờ sông rậm rạp. Tre thả bóng soi xuống mặt nước thành một không gian xanh như rêu.

Gần đây, khi ký ức bật dậy, tự dưng tôi đi tìm lại những cái bến đò tuổi thơ ấy, và bất ngờ gặp được bức ảnh chụp một chuyến đò ngang qua sông Thạch Hãn. Bức ảnh được một người ở thị trấn Ái Tử lưu giữ phóng to, lồng khung kính chưng ngay phòng khách.

Chỗ bến đò An Mô nay đã có đến 2 cây cầu song song - Ảnh: H.C.D

Chỗ bến đò An Mô nay đã có đến 2 cây cầu song song - Ảnh: H.C.D

Hỏi tác giả ảnh, chú chủ nhà bảo không rõ ai chụp, nhưng nó lưu lạc tận Sài Gòn, chú tìm thấy nên phóng ra to để kỷ niệm. Bức ảnh chụp từ những năm đầu 1990, bờ sông Thạch Hãn rậm rạp diệp lục, nước sông hòa lẫn bầu trời xanh của một ngày mùa hè. Nổi bật giữa dòng là con đò ngang đang đưa khách qua sông.

Những cây cầu đã mọc lên

Tôi sung sướng, có lẽ đó là niềm hạnh phúc của một người vừa tìm lại trí nhớ, để khẳng định ký ức của mình không bị lung lạc. Ba mươi năm trước ở đấy chỉ là cái bến đò ngang làng An Mô, rồi xây một cây cầu năm 1995, đến năm 2012 lại xây tiếp một cây cầu bên cạnh cầu cũ. Có sự phát triển nào hiện hữu và thiết thực hơn thế? Qua ba mươi năm mà người dân đã khỏi đi đò, lại có luôn hai cây cầu để đi qua thị trấn huyện lỵ.

Trên chặng sông đong đầy ký ức tôi, thêm những cây cầu khác cũng đã mọc lên.

Chỗ bến đò Triệu Thuận đầu những năm 2000, khi chiếc cầu phao kéo qua đoạn sông, người quê tôi còn nói vui đi trên cầu phao sướng như... đi trên mây, vì nó bồng bềnh! Thế mà mười năm sau, cầu Đại Lộc lao dầm bê tông chắc chắn nối đôi bờ. Từ đây mọi phương tiện cơ giới đều qua về được. Xã thuần nông quê tôi tiếp cận thành phố chưa đầy năm phút. Người ta lại nói vui giờ không phải đi trên mây nữa mà là... đi trên trời, vì cầu cao, đứng giữa cầu nhìn bao quát gần hết xã nhà và thấy cả một vùng lớn thành phố trẻ.

Từ cầu Đại Lộc, nhìn về hạ lưu một đoạn chừng năm trăm mét, ngay trong tầm mắt bây giờ đã thấy rõ một cây cầu đang dần hiện hình - cầu Thạch Hãn 1, nối xã Triệu Độ với thành phố Đông Hà. Với ý tưởng “Đón bình minh” đẹp mắt, cây cầu này dài hơn 1,3 cây số, rộng 17 mét, đảm bảo hai chiều giao thông, mỗi chiều hai làn xe cơ giới. Dự tính năm 2025 cầu hoàn thành, tạo nên sự kết nối trên tuyến ven biển Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Bên phía tả ngạn quãng sông lại có một quốc lộ tránh thành phố cũng sắp được khởi công. Nghĩa là trục của thành phố Đông Hà lại “dịch chuyển” về cạnh con sông quê tôi một chút nữa.

Và dự cảm không xa

Tôi nghĩ về một dự cảm tươi sáng, hay là những phác họa cho quãng sông này trong tương lai gần. Trước hết sẽ là một hệ thống kè bê tông kiên cố bờ sông chống sạt sở, làm trong hóa dòng nước. Những cột đèn đêm đêm thả ánh sáng xuống dòng sông và hắt bừng lên một vùng đô thị trẻ trung. Những khách sạn, khu nghỉ dưỡng giải trí mọc lên bên bờ phía tả ngạn. Phía hữu ngạn giữ nguyên phong cảnh nông thôn làng mạc Triệu Phong.

Từ đây một tuyến du lịch chặt chẽ, ngắn gọn mà đầy chiều sâu như: thăm Nhà lưu niệm Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực, rồi lên thăm Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, viếng Thành Cổ, hay ghé các địa chỉ văn hóa như chùa Sắc Tứ Tịnh Quang, chợ Đình làng Bích La...

Và du khách cũng không cần phải băn khoăn về phương tiện hay thời gian đi lại, chỉ cần dùng xe đạp men dọc con đường kè bờ sông rồi băng qua những cánh đồng xanh ngát Triệu Phong. Một kiểu du lịch tự nhiên, tự khám phá. Chỉ cần qua một nhịp cầu, bên này là thành phố đô hội, bên kia đã là nông thôn thanh bình yên ả.

Không hề khó khăn và không chút viển vông với phác họa đó. Nhìn về Đà Nẵng thôi, chỉ mới trên mười năm, sông Hàn từ chỗ đơn sơ đã hiện thực thành một dòng sông nội thị tuyệt đẹp, gánh hai bên dòng chảy những kiến trúc cảnh quan đầy mỹ cảm thu hút du khách. Chúng ta đang có một khúc sông tương tự sông Hàn. Và việc mở rộng quy hoạch kiến trúc về phía Đông của các dòng sông là điều thành công mà nhiều nơi đã thực hiện.

Tôi nhớ đất nước Belarus nơi từng sống ba năm, đoạn sông Svislach chảy qua thủ đô Minsk có chiều ngang rất hẹp, hẹp đến mức đứng bên này bờ ném hòn đá qua tới bờ bên kia. Thế nhưng hai bờ sông được bê tông hóa kiên cố với hai con đường thoáng đẹp.

Ý tưởng ban đầu của chính quyền tổng thống Lukashenko là làm kè để giữ dòng chảy của sông khỏi bị lấp mất mà thôi (vì hẹp quá), ngờ đâu chính bờ kè lại tạo nên một dòng lưu thủy đẹp. Chỉ cần tản bộ trên con đường bờ sông là có thể nhìn ngắm thủ đô Minsk với nhiều góc độ khác nhau.

Quê hương tôi đang có một khúc sông mà những giá trị tự nhiên còn được bảo lưu, không bị lấn chiếm và chưa bị pha tạp hóa. Thế nên việc đặt tay vào làm quy hoạch thuận tiện hơn.

Nói xa nói gần để thấy những dự cảm về dòng sông quê nhà là có cơ sở. Có thể mơ tưởng đến một ngày gần đây hiện hữu một đô thị ánh sáng bên tả ngạn sông, còn bên hữu ngạn là một miền quê đậm chất làng Việt, cả đôi bờ ấy gắn liền với những hoạt động kinh tế, văn hóa, giải trí hấp dẫn.

Con sông ấy cũng sẽ là nơi mà người thành phố tìm về nghỉ ngơi khi cần một chút thanh thản, còn người quê sẽ tìm tới để hưởng một chút giải trí phồn hoa. Người bên này, người bên kia gắn bó bởi những cây cầu bắc qua, dưới sông nước vẫn chảy mà khoảng cách nông thôn thành thị thì gần hơn. Đấy chẳng phải là điều đáng chờ đợi hay sao.

Ghi chép: Hoàng Công Danh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ngang-qua-mot-quang-song-186586.htm