Cân bằng nhu cầu, lợi ích
TP HCM những năm qua đã có nhiều cải cách trong quản lý, sử dụng đất đai.
TP HCM những năm qua đã có nhiều cải cách trong quản lý, sử dụng đất đai.
Nguồn lực đất đai đã trở thành một nguồn lực to lớn, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thành phố. Mỗi năm, TP HCM thu từ đất đai khoảng 40.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 8% nguồn thu ngân sách thành phố, tương đương thu ngân sách của một số tỉnh trọng điểm.
TP HCM là một siêu đô thị. Với tốc độ phát triển như hiện nay, chắc chắn đến năm 2050 và cuối thế kỷ này, TP HCM sẽ thành một đại siêu đô thị với quy mô dân số thậm chí lên đến 20 triệu dân. Việt Nam có thể vươn lên cạnh tranh với các nước được hay không chính nhờ vào sự cạnh tranh của các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội...
TP HCM đang đứng trước thách thức rất lớn, trong đó có vấn đề đất đai. Thành phố thiếu nghiêm trọng đất cho giao thông, nhà ở xã hội, y tế, giáo dục và công nghiệp công nghệ cao. Những năm gần đây, thành phố đã không còn quỹ đất dành cho công nghiệp công nghệ, cơ khí, chế tạo... Sự thiếu hụt này khiến khả năng thu hút đầu tư của thành phố, nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài, có xu thế chậm lại. Chúng ta cũng đang thiếu các dự án lớn để tạo điều kiện cho thành phố bứt phá.
Nhiều ý kiến cho rằng giá đất của TP HCM đang quá cao so với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành sản xuất - kinh doanh. Nếu cứ theo đà này, không chừng đất ở TP HCM sẽ đắt ngang Hồng Kông - Trung Quốc và sẽ cản trở sự phát triển của thành phố.
Sở hữu đất đai (quyền sử dụng đất) là vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp ở TP HCM còn khó khăn trong việc xác nhận quyền sử dụng đất. Theo số liệu gần đây, thành phố có hàng chục ngàn đối tượng chưa được cấp sổ hồng, số tiền nhà nước không thu được từ nguồn này khoảng 80.000 tỉ đồng. Trong nhiều nguyên nhân, có việc chậm xác định giá đất khi hiện nay vẫn còn ít đơn vị tư vấn thẩm định giá đất. Xác định bằng cách nào, vào thời điểm nào để tháo gỡ khó khăn cho TP HCM là vấn đề đang được đặt ra.
Ngoài ra, thành phố có nhiều dự án được triển khai chưa đúng mục đích, tiến độ và việc thu hồi rất khó khăn. Đồng thời, thành phố cũng gặp khó khăn trong triển khai quy hoạch đô thị, thách thức từ vấn đề nước biển dâng, triều cường...
Về giải pháp, TP HCM cần sử dụng công cụ kiểm kê lại việc sử dụng đất đai trên toàn địa bàn, từ đây rà soát lại quy hoạch đô thị, trong đó có kế hoạch sử dụng đất tầm nhìn đến năm 2050 hoặc xa hơn. Cũng cần bố trí lại cơ cấu đất đai cho phù hợp với cơ cấu kinh tế, điều chỉnh cho được sự mất cân đối.
Bên cạnh đó, tập trung giải quyết dứt điểm tính pháp lý về quyền sử dụng đất và quyền thuê đất, xác định giá đất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Quốc hội cũng cần có động thái can thiệp để giúp TP HCM cũng như một số địa phương giải quyết những vấn đề tồn đọng về giá đất. Đặc biệt, cần kiên quyết xử lý tình trạng sử dụng đất đai thiếu hiệu quả, hoang hóa.
Theo Quốc Anh ghi (NLĐO)
Xem link nguồn
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/can-bang-nhu-cau-loi-ich-post277790.html