Cần bảo đảm nguồn lực thực hiện phân luồng trong giáo dục
Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục nhận được nhiều ý kiến quan tâm.

Trung tâm GDNN-GDTX Phú Tân (An Giang) phối hợp tư vấn Hướng nghiệp và phân luồng học sinh lớp 9.
Ngày 15/5, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm cụ thể hóa Luật Giáo dục 2019 và triển khai Chỉ thị số 29-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đến năm 2030.
Đánh giá vai trò quan trọng của Nghị định trong triển khai thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục, ông Phạm Kim Thư, Hiệu trưởng Trường CĐ Hữu Nghị (Nghệ An) đồng thời đề xuất một số nội dung hoàn thiện dự thảo này.
Theo đó, dự thảo cần làm rõ các tiêu chí đánh giá hiệu quả phân luồng để các địa phương có cơ sở thực hiện và đánh giá kết quả một cách khách quan.
Đồng thời, bổ sung hướng dẫn cụ thể về kinh phí, nguồn lực triển khai, đảm bảo các địa phương có đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác phân luồng.
Gắn phân luồng với nhu cầu lao động từng vùng nhằm tăng tính khả thi và hiệu quả của công tác phân luồng, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động địa phương.
Cuối cùng, tăng cường vai trò của nhà trường trong công tác hướng nghiệp, phân luồng. Trường học cần tham gia tích cực trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Trước những khó khăn của công tác phân luồng hiện nay, ông Phạm Kim Thư cho rằng, trước hết cần tăng cường giáo dục hướng nghiệp sớm và thay đổi nhận thức xã hội về phân luồng, nhấn mạnh cơ hội phát triển và thu nhập tốt từ con đường học nghề.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng và hình ảnh của giáo dục nghề nghiệp bằng việc đầu tư cơ sở vật chất, chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động, tạo điều kiện học tập và làm việc tốt cho học sinh sau khi tốt nghiệp.
Quan tâm chính sách hỗ trợ, như cung cấp học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ việc làm sau tốt nghiệp cho học sinh theo học nghề.
Từ thực tiễn cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Trọng Năm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trăn trở khi hiện nay cơ bản phụ huynh học sinh, học sinh vẫn mong muốn học lên THPT, sau đó vào đại học. Một số thì muốn đi làm ngay để có thu nhập trang trải cuộc sống thay vì học nghề.
Bên cạnh đó, trường nghề còn có những hạn chế trong đào tạo nên khi ra trường nhiều người học không đáp ứng được yêu cầu công việc. Cơ chế, chính sách về phân luồng còn bất cập…
Kiến nghị giải pháp, ông Nguyễn Trọng Năm cho rằng, cần tăng cường đầu tư cho các trường nghề đảm bảo cơ sở vật chất và đội ngũ để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng uy tín. Đồng thời, có cơ chế chính sách thỏa đáng cho công tác phân luồng, đào tạo đội ngũ làm công tác phân luồng có năng lực, chịu trách nhiệm.
Đánh giá cao dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục, ông Nguyễn Trọng Năm quan tâm đến một số điểm mới, như:
Chú trọng phối hợp giữa cơ sở giáo dục với gia đình, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động hướng nghiệp. Tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu, học liệu theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để tổ chức thực hiện các nội dung hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục. Huy động và bố trí nguồn lực, ngân sách để thực hiện hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục tại địa phương.
Góp ý dự thảo, ông Nguyễn Trọng Năm đề xuất cần quy trách nhiệm cho Hiệu trưởng trong thực hiện công tác hướng nghiệp, phân luồng trong nhà trường; có như vậy việc triển khai mới đạt hiệu quả cao.