Cần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) đã quy định rõ người tiêu dùng được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng như tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; có thể khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình...

Tuy nhiên, trên thực tế, người tiêu dùng vẫn chịu nhiều thiệt thòi khi quyền lợi chưa được quan tâm đúng mức, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để giải quyết bất cập này.

Luật BVQLNTD có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Trong gần 10 năm thực thi, luật đã giúp xây dựng nền tảng cơ bản trong công tác BVQLNTD. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay đã xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là thương mại điện tử. Do đó, việc thi hành Luật BVQLNTD đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

 Lực lượng chức năng TP Hà Nội bắt giữ hơn 10 tấn bánh kẹo không rõ nguồn gốc, ngày 26-12-2020.

Lực lượng chức năng TP Hà Nội bắt giữ hơn 10 tấn bánh kẹo không rõ nguồn gốc, ngày 26-12-2020.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa hiệu quả, chưa phản ảnh đầy đủ và chưa đáp ứng được thực tế của xã hội. Số liệu thống kê cho thấy, số vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng hằng năm được giải quyết chỉ khoảng 1000-1.500 vụ là quá nhỏ so với thực tế. Nguyên nhân là do cộng đồng doanh nghiệp chưa quan tâm đầy đủ tới công tác BVQLNTD. Điều này dẫn tới nhiều khiếu nại và thông tin từ khách hàng phản ánh tới doanh nghiệp không được giải quyết thỏa đáng.

Ông Bùi Văn Tấn ở xóm 1, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An có 2ha trồng bí xanh vụ đông đang thời kỳ sinh trưởng. Tháng 10-2020, ông Tấn có mua phân bón tại một cửa hàng bán lẻ trong xóm. Sau khi bón phân được 3-4 ngày, vườn bí xuất hiện tình trạng vàng lá và rụng hàng loạt. Ông Tấn cho biết: "Khi mở các bao phân ra để bón cho cây trồng, tôi đã nhận thấy nhiều dấu hiệu khác lạ. Cụ thể, phân bón trong bao vón thành cục và có mùi hôi. Đập vỡ ra, bên trong có nhiều hạt màu sắc lẫn lộn. Sau khi vườn bí bị héo vàng, tôi đã thông báo ngay cho đại lý bán hàng và nhận được phản hồi sẽ có đại diện công ty phân bón xuống làm việc và đề xuất hướng xử lý. Tuy nhiên, đợi mãi cho đến nay tôi vẫn không thấy đại diện công ty đến xác định thiệt hại để khắc phục...". Không chỉ mua phải phân bón kém chất lượng như trường hợp của ông Bùi Văn Tấn, nhiều người tiêu dùng còn mua phải nhu yếu phẩm là hàng nhái, hàng giả nhưng cũng không biết phải xử lý ra sao. Thực tế cho thấy, nhiều người tiêu dùng vẫn còn tâm lý ngại khiếu nại khi quyền lợi của mình bị xâm phạm. Nguyên nhân chính là do không nắm được các bước của thủ tục hành chính cũng như kênh tiếp nhận thông tin, khiếu nại, yêu cầu giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng theo đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Quang Khải, Trưởng văn phòng Luật sư Quang Khải và cộng sự cho biết: "Các quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh còn nhiều điểm chưa hoàn thiện. Cụ thể, khi phát sinh tranh chấp, một số doanh nghiệp không có thiện chí trong việc phối hợp, hỗ trợ người tiêu dùng. Không cung cấp thông tin hoặc gây khó khăn trong việc hỗ trợ người tiêu dùng gửi khiếu nại tới doanh nghiệp; không công khai quy trình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại tại doanh nghiệp. Do vậy, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVQLNTD là rất cần thiết, sẽ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh".

Để bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng và các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khả năng thực thi hiệu quả. Bên cạnh đó, người mua hàng phải là người tiêu dùng thông thái, ngoài việc tìm hiểu kỹ thông tin giá cả, chất lượng sản phẩm trước khi mua còn phải nghiên cứu tìm hiểu pháp luật, nắm rõ quyền lợi, trách nhiệm trong tiêu dùng của mình để khi chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-bao-ve-tot-hon-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-648572