Cần bắt buộc công chứng giao dịch BĐS giữa doanh nghiệp và cá nhân

Ngày 29-8, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi và dự án Luật Nhà ở sửa đổi.

Đảm bảo quyền lợi người mua nhà

Lưu ý đến hiệu lực pháp lý của hợp đồng giao dịch trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, đại biểu (ĐB) Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho rằng, hợp đồng mua bán BĐS giữa doanh nghiệp BĐS với người dân mà không yêu cầu công chứng là “không hợp lý”. Cơ chế ký kết mua bán hoàn toàn riêng tư, không có một tổ chức trung gian kiểm soát như tổ chức công chứng đã cho thấy nhiều bất cập thời gian qua, trong khi với hầu hết cá nhân, sự hiểu biết về cách thức thực hiện giao dịch thường hạn chế. “Chúng ta không nên tiếp tục phó mặc người dân bước vào những giao dịch này với hành trang duy nhất là lòng tin vào sự tử tế của doanh nghiệp BĐS. Vì vậy, cần một chuyên gia là công chứng viên là bên thứ 3 phù hợp để tham gia kiểm soát hoạt động này trên cơ sở thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật”, ĐB Hoàn phát biểu.

Cùng quan điểm với ĐB Hoàn, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cho rằng nhà ở, BĐS thường có giá trị lớn, hợp đồng mua bán thường rất dày, nhiều điều khoản nên người mua nhà khó hiểu hết. Do đó, cần có công chứng viên giúp người mua nhà đảm bảo quyền lợi, để khi có tranh chấp xảy ra thì được giải quyết thấu đáo.

Một quy định đáng lưu ý khác của dự thảo được các ĐB quan tâm góp ý liên quan đến đặt cọc nhà ở hình thành trong tương lai. Theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), cần quy định bắt buộc đặt cọc, số tiền đặt cọc tối đa, thời điểm đặt cọc như tại dự thảo luật. Thực tế, tình trạng đặt cọc mua nhà trên giấy rất lộn xộn do chưa có căn cứ pháp lý. Chủ đầu tư dự án chiếm dụng vốn của người mua, có dự án chưa có căn cứ pháp lý triển khai đã huy động tiền đặt cọc người mua, có dự án huy động 30%-50% tổng giá trị công trình. Tới khi dự án không đủ căn cứ pháp lý triển khai thì người mua bị mất tiền oan.

Chưa thống nhất luật hóa việc giao Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư nhà ở xã hội

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận về Luật Nhà ở sửa đổi chiều 29-8, ĐB Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) và nhiều ĐB khác cho rằng, có cơ sở để đưa ra quy định Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn. Tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lại cho rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một tổ chức chính trị, không có chức năng kinh doanh, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn nên giao cho các đơn vị chức năng khác.

Liên quan đến việc phát triển nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp, các ĐB thống nhất với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, sẽ xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo luật do Chính phủ trình.

Quan tâm tới thủ tục hành chính trong lĩnh vực này, ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho biết, tính bình quân, giá nhà ở Việt Nam gấp 23,5 lần thu nhập 1 năm của hộ gia đình. Trong khi đó, chỉ số này lý tưởng là ở mức từ 5-7 lần. “Thủ tục đầu tư là một trong các nguyên nhân cơ bản làm tăng chi phí, dẫn đến giá nhà tăng cao, nhất là ở khu vực đô thị, khu công nghiệp, dẫn đến nhà ở khu vực này vượt khỏi tầm với của đa số người dân”, ĐB Nghĩa trăn trở. Ghi nhận dự thảo luật đã cắt giảm, rút ngắn một số thủ tục so với luật hiện hành, song ĐB cho rằng vẫn còn một số thủ tục hành chính có thể tiếp tục được cắt giảm.

ANH THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/can-bat-buoc-cong-chung-giao-dich-bds-giua-doanh-nghiep-va-ca-nhan-post703617.html